YEG đổ bộ lên sàn

Lê Mỹ 29/06/2018 11:10

Đúng chất của một Cty đang sở hữu hệ sinh thái media, kế hoạch bán vốn và niêm yết của CTCP Tập đoàn Yeah1 (HoSE: YEG) đã được truyền thông rất rầm rộ.

YEG chính thức có mặt trên sàn HoSE từ 26/6. Với mức giá chào sàn 250.000đ/cp, số lượng niêm yết 27,37 triệu cổ phiếu, ngay khi lên sàn, YEG sẽ là doanh nghiệp có vốn hóa thị trường 6.800 tỷ đồng, tương đương định giá Cty hơn 300 triệu USD. Đây cũng là Cty hoạt động theo nhóm ngành truyền thông/media đầu tiên có mặt trên sàn chứng khoán.

p/Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế

YEG có gì để định giá cao?

YEG đang sở hữu hàng loạt kênh truyền hình như Yeah1TV, Yeah1Family, Imovietv, SCTV2. Cty cũng cung cấp các loại hình dịch vụ giải trí nhắm tới tuổi teen và tuổi mới lớn từ 14-22, chiếm gần 30% dân số Việt Nam.
Trong hệ sinh thái media của mình, YEG đang có kênh Youtube hợp tác cùng ông lớn công nghệ, mang về gần 50% nguồn thu chính. Kênh Youtube của YEG được cho là lớn nhất châu Á, với cộng đồng hơn 2.000 kênh khác nhau, duy trì 4,5 tỷ lượt xem Youtube/tháng, 2 tỷ lần hiển thị quảng cáo/tháng. So sánh với đối thủ chính ở mảng nội dung số là Pops Worldwide có 2 tỷ lượt xem/tháng, 25 triệu lượt theo dõi, 290.000 nội dung sản xuất, thì YEG đang vượt xa.

Ngoài ra, hoạt động M&A của YEG cũng củng cố kỳ vọng đa dạng hóa doanh thu, trong đó có Non-Youtube - mảng cho phép quảng cáo trên cả website, App và Gameonline…

Theo BCTC hợp nhất kỳ 3 tháng đến 31/03/2018, YEG đang sở hữu trực tiếp 15 Cty con và 1 Cty liên kết. Riêng Cty liên kết trong bản cáo bạch cho biết đang hoàn tất thủ tục giải thể doanh nghiệp.

Không kể đến các Cty con sở hữu trực tiếp, nhóm mà YEG nắm quyền kiểm soát lợi ích kinh tế gián tiếp khá đông đảo, có Netlink Singapore (76%), Yeah1 Network PTE Singapore (89,1%) và nhiều Cty khác… Tại ngày phê duyệt báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ, YEG cho biết đang trong quá trình hoàn tất thủ tục đầu tư ra nước ngoài cho Netlink Singapore.

Tiềm lực tài chính vẫn “khiêm tốn”

Đợt tăng vốn gần nhất trước khi lên sàn, sau 9 đợt tăng vốn trước đó, đã đưa vốn điều lệ YEG từ 238 tỷ đồng lên 274 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tính đến 31/3/2018 là 330 tỷ đồng. Mục tiêu sắp tới của YEG là phát hành tiếp 3,9 triệu cổ phiếu cho một cá nhân với giá phát hành thỏa thuận trực tiếp và tiếp tục tăng vốn lên gần 313 tỷ đồng để có nguồn lực tiếp tục M&A.

Theo BCTC hợp nhất kỳ 3 tháng đến 31/3/2018, YEG đạt doanh thu thuần 330 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 39,1 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần. So với các doanh nghiệp mà YEG đang có giá chào sàn niêm yết vượt thị giá như Sabeco, tiềm lực tài chính của YEG không thể hiện các chỉ tiêu vượt trội. Tổng tài sản của YEG khiêm tốn chỉ ở mức 809 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ phải trả lên tới 479 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 449 tỷ đồng, nợ dài hạn là 30 tỷ đồng.

809 tỷ đồng là tổng tài sản của CTCP Tập đoàn Yeah1 tính đến ngày 31/03/2018, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm 2017.

Năm 2018, YEG đặt kế hoạch đạt doanh thu thuần 1.600 tỷ đồng, tăng 90% và lợi nhuận trước thuế đạt 172 tỷ đồng, tăng 109% so với năm 2017.

Nguy cơ nhà đầu tư lớn thoái vốn

Mặc dù tiềm lực tài chính thể hiện qua các con số còn khiêm tốn, nhưng hoạt động của YEG mới mẻ và khá đặc thù so với các doanh nghiệp trên sàn. Do đó, trong cáo bạch của YEG, CTCK HSC đưa định giá Cty dựa trên 3 phương pháp: So sánh P/E, so sánh P/B và chiết khấu dòng tiền tự do. Theo đó, HSC tính toán P/E bình quân ngành (lần) là 39,5 - mức cao gần như tuyệt đối so với các hàng hóa chứng khoán trên sàn; P/B bình quân ngành (lần) là 7,5. Giá/cp theo 3 phương pháp, bình quân là 271.699đ/cp. HĐQT YEG cho rằng với thị trường hiện tại, mức giá chào sàn của YEG đã có sự thận trọng.

Giới chuyên môn cho rằng việc định giá YEG cao có thể là một trong những “thủ thuật” tạo điều kiện cho các nhà đầu tư lớn có thể thoái vốn khỏi YEG trong nay mai. Cụ thể trong trường hợp này là quỹ DFJV, nắm hơn 35% vốn của YEG và 2018 chính là “chu kỳ 10 năm”- một chặng thời gian mà các quỹ có thể rời đi. Tuy nhiên, trong cáo bạch, YEG cho biết theo quy định, các tổ chức, cá nhân đầu tư nắm giữ cổ phiếu lớn sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 phần cổ phiếu trong 6 tháng sau niêm yết, và 1 phần bị hạn chế ở 6 tháng tiếp theo. Vì vậy, việc DFJV ở thời điểm nào sẽ hiện thực hóa lợi nhuận khoản đầu tư ở YEG còn là ẩn số.

Dư địa “hút” vốn ngoại còn lớn

Đánh giá về giá trị của các Cty công nghệ kinh doanh nội dung số, ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc DFJV nói rằng: “Chỉ có các nhà đầu tư nước ngoài hiểu được vì sao họ được định giá cao”. Ông Phúc cũng chia sẻ tiềm năng của ngành giải trí Việt Nam đang rất lớn. Ngành này không thể tách rời với phát triển kinh tế, các nhà quảng cáo đẩy nhãn hàng qua kênh Youtube, khiến các Cty trong lĩnh vực nội dung số có lợi thế cạnh tranh.

Theo khẩu vị của một quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho Start-up, DFJV tìm kiếm các doanh nghiệp nhằm giúp đỡ họ trong việc tiếp tục phát triển kinh doanh thông qua nguồn vốn đầu tư, tư vấn điều hành và phát triển các mối quan hệ. Doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí để DFJV móc hầu bao.

Tại YEG, DFJV đã đầu tư từ 2008, 2 năm sau khi quỹ được lập. Ngoài ra, DFJV cũng đang đầu tư 6 Cty khác, hoạt động trong ngành quảng cáo, marketing, tìm kiếm thông tin, kết nối khách sạn, taxi…, nhưng tất cả đều vận hành trên nền công nghệ số. Đó là câu trả lời của quỹ với triển vọng các start-up ngành kinh doanh số hiện nay.

Ông Phạm Ngọc Bích - Giám đốc điều hành Khối Tài chính doanh nghiệp, CTCP CK HSC cho biết, trong số các nhóm ngành mà các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm ở Việt Nam hiện nay, ngoài tiêu dùng, tài chính, y tế và giáo dục, còn có truyền thông - công nghệ số.

“Sau YEG, thị trường sẽ đón nhận 1 Cty truyền thông quy mô tập đoàn thứ 2 sẽ lên sàn”, ông Bích cho biết và dự báo, với tốc độ tăng trưởng lượng người sử dụng internet và smartphone ở Việt Nam đã phát triển ở top đầu thế giới, dư địa của các Cty truyền thông- công nghệ số để mở rộng, hút vốn đầu tư ngoại là rất lớn.

Lê Mỹ