Thách thức chào sàn của VEAM

Phương Hà 30/06/2018 11:03

Hoạt động kém hiệu quả và phụ thuộc quá nhiều vào các Cty liên doanh liên kết sẽ là những thách thức lớn nhất của Tcty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) khi chào sàn sắp tới. 

Ngày 2/7 tới đây, VEAM sẽ chính thức giao dịch trên sàn UPCoM với mã VEA và giá tham chiếu là 27.600đ/cp. VEAM là “đại gia” đầu tiên của ngành ô tô chào sàn chứng khoán.

p/Doanh thu thuần và lợi nhuận thuần của VEAM

Doanh thu thuần và lợi nhuận thuần của VEAM

“Gà đẻ trứng vàng” từ liên doanh liên kết

Năm 2017, VEAM ghi nhận 5.170 tỷ đồng lợi nhuận từ Cty liên doanh, liên kết, tăng 13% so với năm trước. Phần lợi nhuận này chủ yếu đến từ các Cty liên kết như Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam.
VEAM đầu tư vào 3 Cty kể trên với giá gốc 6.315 tỷ đồng, trong đó Honda Việt Nam có giá trị lớn nhất với 5.121 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2017, giá trị hợp lý của 3 khoản đầu tư này là 9.130 tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng tài sản Cty.

Có thể bạn quan tâm

  • Thoái vốn tại hàng loạt ông lớn như ACV, PVOil, Vietnam Airlines, VEAM: Cửa đầu tư rộng mở?

    Thoái vốn tại hàng loạt ông lớn như ACV, PVOil, Vietnam Airlines, VEAM: Cửa đầu tư rộng mở?

    12:00, 27/08/2017

  • Vì sao VEAM ế 18 triệu cổ phần?

    07:45, 03/09/2016

  • VEAM sắp chào sàn với giá khởi điểm 14.290 đồng/cổ phần

    11:17, 09/08/2016

Là một trong những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo máy và sản xuất, lắp ráp xe tải với thương hiệu VEAM Motor nhưng tài sản giá trị nhất của VEAM lại là phần vốn góp liên doanh tại 3 hãng xe hàng đầu Việt Nam là Honda (VEAM nắm giữ 30%), Toyota (20%) và Ford (25%). Đều đặn mỗi năm, các Cty liên doanh liên kết này mang về cho VEAM hơn 5.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Với 30% cổ phần tại Honda Vietnam, có thể nói đây là nguồn đóng góp chính vào lợi nhuận của VEAM. Ước tính, Honda Vietnam đạt doanh thu thuần năm 2017 là 86,8 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 13%) và lợi nhuận sau thuế đạt 14,95 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 12,1%). Theo số liệu năm 2017, Honda Vietnam nắm 71,5% thị phần xe máy, đem lại hơn 90% lợi nhuận, còn lại đến từ sản xuất ô tô. Đây chính là “con gà đẻ trứng vàng” đem đến lợi nhuận và doanh thu lớn cho VEAM trong những năm vừa qua.

Bên cạnh 3 Cty liên doanh lớn này, VEAM còn có 10 Cty liên doanh, Cty con chuyên về phụ tùng, trong đó có 4 Cty chuyên về sản xuất sản phẩm cơ khí cho các đối tác trong lĩnh vực sản xuất xe máy như Honda, Yamaha và Piaggio…

Sản xuất kinh doanh kém hiệu quả

Theo BCTC kiểm toán năm 2017, doanh thu thuần đạt 6.563 tỷ đồng, tăng trưởng 4,1%. Trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 5.046 tỷ đồng, tăng trưởng 12%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của hoạt động sản xuất chính từ Cty mẹ âm 123,8 tỷ đồng, trong khi năm 2016 là âm 71,4 tỷ đồng. Điều này không chỉ diễn ra gần đây mà chính là thực trạng đang tồn tại nhiều năm nay của VEAM.

Theo kế hoạch, VEAM tổ chức Đại hội cổ đông thường niên vào ngày 29/6. Cty công bố tài liệu cho Đại hội với một số thông tin nổi bật như: Kế hoạch doanh thu thuần Cty mẹ năm 2018 là 3.539 tỷ đồng (tăng trưởng 39,2%) và lợi nhuận sau thuế đạt 4.908 tỷ đồng (tăng 9,4 lần so với năm 2017); Cổ tức tiền mặt cho năm 2017 là 3,7% mệnh giá, tương đương 370 đồng/cp. Cty đặt kế hoạch cổ tức tiền mặt cho năm 2018 là 28%, tương đương tỷ lệ cổ tức/giá là 10,1%.

5.046 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế của VEAM năm 2017, nhưng trong đó các Cty liên doanh, liên kết đóng góp gần 5.170 tỷ đồng.

Giới chuyên gia cho rằng, lợi nhuận của VEAM trong những năm tới tiếp tục phụ thuộc rất lớn vào sự tăng trưởng của các Cty liên doanh, liên kết, đặc biệt là 2 hãng xe Honda và Toyota.

Cổ phiếu bị “ế” khi IPO

Ông Ngô Văn Tuyển- Phó tổng giám đốc VEAM cho biết, tháng 11/2017 VEAM đã công bố thông tin về việc Cty nhận được Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam với mã chứng khoán VEA. Tổng số cổ phiếu đăng ký 1.328.800.000 cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị cổ phiếu đăng ký 13.288 tỷ đồng.

Theo kế hoạch đã được phê duyệt, vốn điều lệ VEAM sau cổ phần hóa lên tới 13.288 tỷ đồng, tương đương với 1,33 tỷ cổ phiếu lưu hành. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 678 triệu cổ phiếu, chiếm 51% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho người lao động là 5,7 triệu đơn vị, chiếm 0,43% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược là 478 triệu đơn vị, chiếm 36% vốn điều lệ và chào bán 167 triệu đơn vị cổ phiếu được bán công khai ra công chúng, chiếm 12,57% vốn điều lệ.

Phiên IPO bán đấu giá cổ phiếu lần đầu của VEAM đã có hơn 167 triệu cổ phần được mang ra chào bán với giá khởi điểm 14.290 đồng/cổ phần. Kết quả 89,5% tổng số cổ phần được bán hết với giá đấu thành công bình quân 14.291 đồng/cổ phần, thu về 2.137 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, một số ý kiến cho rằng với lượng chào bán "khủng", thì con số 89,5% đăng ký mua là thành công với một thương vụ IPO. Tuy nhiên với mức giá khởi điểm 14.290 đồng cho mỗi cổ phần VEAM thì chỉ số lợi nhuận trên mỗi cổ phần (P/E) của VEAM chỉ 5,4 lần là quá thấp so với thị trường chung.

Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn

Theo các chuyên gia Cty Chứng khoán HSC, trong 3 năm tới, ngành xe máy sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình gộp năm là 3%. Điều này cho thấy thị trường xe máy đang bão hòa, đây là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong ngành nói chung và VEAM nói riêng trong thời gian tới.

Trong khi đó, doanh số tiêu thụ xe ô tô sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình gộp là 15% năm trong những năm tới. Trong đó, lợi nhuận từ Toyota và Ford sẽ tăng dần từ năm 2018 . Tuy vậy, việc Vinfast sẽ gia nhập thị trường từ năm 2019 có thể sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong ngành.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh không thể tránh khỏi đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào. Đối với thị trường xe máy Việt Nam cũng vậy. Trong những năm gần đây, trên thị trường xe máy Việt Nam có rất nhiều nhà cung cấp, nhất là xe tay gas. Họ có những điểm mạnh của riêng mình trên thị trường xe máy Việt Nam. Tiêu biểu là sự ra đời của các Cty liên doanh xe máy. Sản phẩm của các Cty liên doanh này rất đa dạng và phong phú. Các đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Honda Vietnam trên thị trường xe máy là Yamaha, Suzuki, SYM, Piaggo và tới đây là Vinfast.

Ông Shimon Tokuyama, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, cho biết, năm 2018 khi bãi bỏ thuế nhập khẩu ô tô trong khu vực ASEAN, một mặt thị trường ô tô Việt Nam sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt về giá với ô tô nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia. Theo đó, các phương án xóa bỏ thuế suất đối với ô tô cũng đã được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây cũng chính là thách thức của toàn ngành nói chung và VEAM nói riêng, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới “nồi cơm” của VEAM cũng như giá cổ phiếu của doanh nghiệp này khi lên sàn chịu biến động theo cung cầu của thị trường chứng khoán...

Phương Hà