Rủi ro tiềm ẩn từ nợ phải trả của MPC

Nguyễn Long 09/08/2018 04:01

Cơ cấu nợ vay của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) có xu hướng dịch chuyển từ vay nợ dài hạn sang vay nợ ngắn hạn, làm gia tăng áp lực trả nợ của doanh nghiệp.

CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú

Nợ ngắn hạn tăng đột biến, khiến nợ phải trả của MPC trên 7.000 tỷ.

Theo báo cáo tài chính quý 2/2018, doanh thu thuần của MPC giảm 3% so với cùng kỳ, ở mức 3.544 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ chi phí giá vốn hàng bán trong kỳ sụt giảm từ 3.262 tỷ đồng xuống còn 3.039 tỷ đồng, Công ty vẫn ghi nhận lãi gộp đạt 505,4 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, mặc dù có biến động nhưng nhìn chung các khoản chi phí của MPC không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, chi phí tài chính trong kỳ ở mức 74,4 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ; chi phí quản lý doanh nghiệp của Công ty tăng 14% so với cùng kỳ, ở mức 45,6 tỷ đồng. Mặt khác, chi phí bán hàng lại giảm 4% so với cùng kỳ, ở mức 174 tỷ đồng.

Theo đó, quý 2/2018, MPC đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 237,9 tỷ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 219 tỷ đồng, tăng 92%. Trong đó, phần lợi nhuận thuộc cổ đông Công ty mẹ đạt 202 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Tính lũy kế 6 tháng đầu năm, MPC ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 890 tỷ đồng và 328 tỷ đồng, tăng tương ứng 33% và 106% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế thuộc cổ đông Công ty mẹ đạt 303,6 tỷ đồng, tăng 110% so với cùng kỳ.

Tại thời điểm 30/06/2018, tổng tài sản của MPC đạt 10.532 tỷ đồng, tăng 10,7% so với đầu năm. Nợ phải trả tại thời điểm này của Công ty ở mức 7.276 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với cùng kỳ.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì đâu giá cổ phiếu MPC giảm mạnh?

    06:04, 13/11/2017

  • MPC trở lại sàn có được nhà đầu tư “săn lùng”?

    15:36, 05/10/2017

  • Rào cản xuất khẩu “ám” MPC

    06:10, 24/08/2017

Trong kỳ, cơ cấu nợ vay của Công ty có xu hướng dịch chuyển từ vay nợ dài hạn sang vay nợ ngắn hạn. Cụ thể, các khoản vay nợ ngắn hạn cuối quý 2 của MPC ở mức 4.818 tỷ đồng, tăng 38,6% so với đầu năm. Trong khi vay nợ dài hạn giảm từ 2.043 tỷ đồng đầu năm xuống còn 1.386 tỷ đồng, giảm hơn 32%. Việc dịch chuyển cơ cấu nợ vay này sẽ khiến lãi vay của MPC gia tăng, khiến áp lực trả nợ của doanh nghiệp lớn hơn. Đây là rủi ro mà MPC phải đối mặt, nhất là khi thị trường có những biến động bất thường. Bởi trên thực tế, MPC đã từng rất khó khăn trong giai đoạn 2015-2016, khi chi phí lãi vay là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận giảm mạnh, thậm chí thua lỗ.

Trong khi đó, hàng tồn kho của MPC tăng mạnh gấp đôi so với đầu năm lên mức 2.137 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 43,7% tài sản ngắn hạn. Khoản phải thu cũng đang chiếm 36,8% trong tài sản ngắn hạn, ở mức 1.801 tỷ đồng.

Tháng 7 vừa qua, Hội đồng quản trị MPC đã thông qua quyết định nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài lên 100%, tạo tiền đề cho kế hoạch trở lại giao dịch trên HoSE theo như công bố tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay.

Với cơ cấu cổ đông lên đến hơn 1.000 người, MPC kỳ vọng việc quay lại sàn HoSE lần này sẽ giúp tạo dựng sự minh bạch, đưa doanh nghiệp này thoát khỏi hình ảnh công ty gia đình, từ đó huy động vốn đầu tư cho các dự án lớn.

Trên thị trường, cổ phiếu MPC trong 1 năm qua biến động khá mạnh, đã có lúc giao dịch đạt đỉnh ở mức 56.000 đồng/cổ phiếu để rồi giảm mạnh, hiện đang tích lũy tại vùng giá 39.800 đồng/cp với thanh khoản cải thiện.

Nguyễn Long