Bán hết vốn góp CJ CGV, PNC dự chi cổ tức bạo tay

L.Mỹ 03/10/2018 11:01

Khoản dự chi cổ tức tỷ lệ 20% của CTCP Văn hóa Phương Nam (HoSE: PNC) không nhiều nhưng lại là khá đáng kể so với tình hình kẹt tiền của chính công ty này trước đó.

Theo tài liệu ĐHĐCĐ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, căn cứ tình hình thực tế hoạt động kinh doanh 8 tháng đầu năm, HĐQT PNC trình cổ đông phương án điều chỉnh giảm kế hoạch doanh thu nhưng tăng mạnh lợi nhuận.

Nhà sách Phương Nam có hệ thống bán lẻ khá mạnh tại đô thị TP HCM

Nhà sách Phương Nam có hệ thống bán lẻ khá mạnh tại đô thị TP HCM

Cụ thể, HĐQT đề xuất giảm kế hoạch doanh thu từ 800 tỷ đồng xuống 741 tỷ đồng nhưng tăng mạnh chỉ tiêu lãi sau thuế từ 20 tỷ lên 144,6 tỷ đồng. Nhờ đó, công ty dự kiến bù đắp hết lỗ lũy kế và có lãi 38,7 tỷ đồng.

Nửa đầu năm nay, công ty mới đạt 337 tỷ đồng doanh thu thuần và 7,8 tỷ đồng lãi sau thuế. Như vậy, nửa cuối năm, PNC kỳ vọng đạt doanh thu 404 tỷ và lợi nhuận sau thuế 136,8 tỷ đồng.

Sở dĩ HĐQT PNC mạnh dạn với chỉ tiêu mới là kế hoạch bán vốn được cổ đông thông qua. Theo đó, do giai đoạn lỗ lũy kế kéo dài và có 1 số khoản nợ tới hạn, cần có vốn bổ sung nguồn lưu động, giải quyết thanh khoản để duy trì hoạt động doanh nghiệp, PNC đã 2 lần lấy ý kiến cổ đông và được thông qua phương án bán 12,5% và 7,5% vốn Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam với giá lần lượt 160 tỷ đồng và 101 tỷ đồng. Tổng cộng qua 2 lần bán, PNC thu được 261 tỷ đồng; ưu tiên để trả công nợ đối tác, nhà cung cấp, bổ sung vốn lưu động cùng chi tạm ứng cổ tức năm 2018.

Có thể bạn quan tâm

  • Hiệp hội phát hành và phổ biến phim VN: “Khó hiểu” khi PNC thoái vốn khỏi CGV

    07:59, 30/08/2018

  • PNC thoái vốn khỏi CGV Việt Nam... để trả nợ

    07:59, 29/08/2018

  • Thách thức quản trị nhìn từ PNC

    18:00, 17/06/2018

  • PNC xoay xở tái cơ cấu vốn

    11:01, 28/05/2018

  • Nơi khởi nguồn của các xung đột lợi ích tại PNC

    07:23, 11/12/2017

  • Có gì bất thường ở PNC?

    17:39, 23/10/2017

Mặc dù khoản bán vốn CJ CGV của PNC được đánh giá là "rẻ như cho", so với quy mô doanh thu và lợi nhuận CJ CGV đang ghi nhận, cũng như so với khoản vốn mà chính Tập đoàn này đã bỏ ra để mua chuỗi Megastar làm bàn đạp tiến vào thị trường tiêu thụ phim Việt. Megastar 7 năm trước, đã được trả 100 triệu USD để về tay CJ CGV. Tính toán cho thấy giá bán cổ phần CJ CGV của PNC tương đương định giá CGV Việt Nam ở mức hơn 56 triệu USD.

Với nguồn thu đột biến từ của để dành này, PNC được kỳ vọng sẽ hoàn toàn lật ngược tình cảnh khó khăn trước đây. HĐQT PNC cũng trình cổ đông việc chia cổ tức tiền mặt 20%, dự kiến chi trả trong quý IV/2018. Với 11 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty dự chi 22 tỷ đồng trong đợt thanh toán cổ tức. 

Lãnh đạo PNC từng cho biết, sau giai đoạn "lục đục nội bộ" và hiện tại các cổ đông đã thể hiện sự đồng thuận để tái cấu trúc công ty, thời gian tới, PNC sẽ tập trung vào hoạt động bán lẻ cốt lõi, chuẩn hóa lại cấu trúc thương hiệu và hệ thống nhận diện thương hiệu; tập trung quản lý hàng tồn kho để tăng lợi nhuận gộp; đầu tư triển khai hệ thống ERP hoàn chỉnh để quản trị doanh nghiệp và hệ thống bán lẻ.

Tính đến cuối năm 2017, PNC đã phát triển hệ thống bán lẻ với 11 nhà sách mới (ở Yên Bái, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Trà Vinh, Kiên Giang, Hậu Giang), nâng tổng số nhà sách đang hoạt động lên 57. Cùng với đó là việc tổ chức các hội sách như Hội sách Hải Châu, Công viên 23/9, Hội chợ sách quốc tế Book Expo America – BEA (Mỹ), Hội sách quốc tế Frankfurt (Đức)…

Dù vậy, cũng phải nói rằng sau một giai đoạn suy thoái và ngập trong nợ, PNC đã bị nhiều đại gia ngành bán lẻ xuất bản phẩm vượt mặt. Việc lấy lại hình ảnh vàng son đối với PNC không chỉ cần sự cải thiện quản trị tài chính.

L.Mỹ