Nhà đầu tư ngoại và SSC đối thoại về Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi
Các tổ chức giao dịch Chứng khoán Châu Á, các nhà đầu tư quốc tế đã có cuộc thảo luận cùng UBCKNN (SSC) về dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi).
Trao đổi diễn ra trong chương trình The Hanoi Dialogue (Đối thoại Hà Nội) do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cùng CTCK Maybank Kim Eng VN (MBKE) tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến các nhà đầu tư quốc tế.
Sự kiện được biết, ngoài sự tham dự của Lãnh đạo SSC, hai Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, còn có ông Jeffrey Goh - Giám đốc điều hành Tập đoàn Maybank Kim Eng; đại diện cấp cao thuộc Hiệp hội Các tổ chức giao dịch chứng khoán Châu Á (Asian Traders Forum - ATF), một trong những tổ chức uy tín hàng đầu với các thành viên là các Quỹ đầu tư lớn của thế giới như Fidelity, T. Rowe Price, First State, J.P Morgan…và đại diện các Quỹ đầu tư lớn tại Vietnam như Dragon Capital, KIMC, Miare asset, Vincapital,... với tổng tài sản quản lý lên tới hơn 3000 tỷ đôla Mỹ. Các bên theo đó, đã nỗ lực làm sáng tỏ nhiều điểm trong Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) liên quan tới nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời cũng đưa ra nhiều đề xuất có giá trị giúp Cơ quan soạn thảo có thể chỉnh sửa và hoàn thiện trước khi trình Chính phủ và Quốc hội.
Một số điểm chính được thảo luận bao gồm: Tỷ lệ sở hữu nước ngoài (Foreign Ownership Limitation, hay FOL); Cơ chế giá cho các giao dịch ngoài biên độ; Công bố thông tin bằng tiếng Anh; Quy trình xin cấp Mã số giao dịch (STC); Quy định về lô giao dịch thỏa thuận; Quy định về giao dịch lô lẻ trên Sở Giao dịch TP. HCM …
Theo ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch SSC, “sau hơn 10 năm thi hành, Luật Chứng khoán đã có những tác động tích cực đối với sự phát triển của TTCK Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, đến nay Luật Chứng khoán đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với sự phát triển không ngừng của TTCK và yêu cầu của nhà đầu tư, dẫn đến vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật. Việc sửa đổi toàn diện, ban hành Luật Chứng khoán mới là hết sức cần thiết, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, đảm bảo tính công khai, minh bạch, tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế nhằm phát triển TTCK ổn định, vững chắc”.
Theo đại diện ATF, Dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi là một bước tiến quan trọng, có một số điểm đột phá như định nghĩa nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tỷ lệ sở hữu nước ngoài... sẽ góp phần tạo ra khung hành lang pháp lý phù hợp, tiên tiến góp phần thúc đẩy, đưa TTCK Việt Nam lên tầm cao mới trong lộ trình nâng hạng thị trường.