Sửa đổi Luật chứng khoán: “Hết cửa” làm giá cổ phiếu?

Lê Ngọc Hoàn - Ths Tài chính Đầu tư 17/11/2018 12:20

Dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi, bổ sung, nếu được Quốc hội thông qua, được kỳ vọng sẽ góp phần ngăn chặn hành vi thao túng giá cổ phiếu.

Dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi, bổ sung sẽ được trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).

p/Ủy Ban chứng khoán Nhà nước vừa xử phạt hành vi thao túng cổ phiếu CTCP Đầu tư Apax Holdings (Mã chứng khoán: IBC) đối với ông Bùi Ngọc Bút ở quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Ủy Ban chứng khoán Nhà nước vừa xử phạt hành vi thao túng cổ phiếu CTCP Đầu tư Apax Holdings (Mã chứng khoán: IBC) đối với ông Bùi Ngọc Bút ở quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Thẩm quyền UBCKNN tới đâu?

Trong nhiều điểm mới mà Dự Luật đặt ra, có khá nhiều điểm nổi bật nhằm tăng tính minh bạch và phát triển bền vững cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, một số điểm có thể vấp các tranh cãi.

Điển hình như đề xuất mới trong Dự luật nhằm nâng cao tính hiệu quả của công tác đấu tranh trước các hành vi vi phạm trên thị trường, cụ thể Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) sẽ được trao thêm thẩm quyền. Theo đó, thẩm quyền này cho phép UBCKNN được thuận lợi trong việc xác minh tài khoản, dòng tiền, yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra… khi thực thi thanh kiểm tra và xử lý, xác định vi phạm từ các hành vi giao dịch có nghi vấn.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, UBCKNN đã xử phạt hành chính đối với 296 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền 14,4 tỷ đồng, trong đó xử phạt 5 trường hợp thao túng giá cổ phiếu với tổng số tiền phạt 2,75 tỷ đồng.

Trước đây, thẩm quyền này đã từng được Bộ Tài chính đề xuất nhưng cũng bị nhiều bên phản đối. Có nhiều ý kiến cho rằng, do hiện nay có quá nhiều vụ thao túng giá cổ phiếu, giao dịch gian lận, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi bất chấp mức độ xử phạt đã tăng cao, nên việc đề xuất trao quyền này là cần thiết. Trong khi xét theo thông lệ quốc tế, khi xuất hiện hành vi giao dịch có nghi vấn, cơ quan quản lý có đủ thẩm quyền yêu cầu xác minh tài khoản, dòng tiền, triệu tập nhà đầu tư lên trao đổi để làm rõ nghi vấn… Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng cách đây không lâu, Dự thảo sửa đổi bổ sung luật quản lý thuế đưa quy định ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế đã khiến dư luận lo lắng và vấp nhiều ý kiến phản đối. Nhiều Luật sư cho rằng, ngân hàng chỉ cung cấp thông tin khách hàng khi cơ quan công an cần điều tra và có công văn yêu cầu cụ thể.

Vậy, khi cần điều tra, UBCKNN có những thẩm quyền cụ thể gì, phải có công văn tới, yêu cầu cho pháp nhân hay cá nhân tuân thủ hay quyền cưỡng chế ra sao?… Đây là những điều mà Luật cần quy định càng rõ càng dễ thuyết phục được các đại biểu Quốc hội thảo luận và bấm nút đồng thuận.

Tăng mức xử phạt lên 3 tỷ đồng có đủ?

Nghị định số 108/2013/NĐ-CP thay thế Nghị định số 85/2010/NĐ-CP đã tăng mạnh mức xử phạt hành chính đối với đối tượng có hành vi thao túng giá cổ phiếu, theo đó tổ chức vi phạm bị xử phạt từ 1 - 1,2 tỷ đồng, cá nhân vi phạm bị xử phạt từ 500 - 600 triệu đồng. Ngoài ra các tổ chức, cá nhân vi phạm bị buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp. Tuy nhiên, mức xử phạt này vẫn được xem là nhẹ.

Bởi vậy, Dự Luật đã đề xuất mức xử phạt hành chính các giao dịch vi phạm pháp luật trong chứng khoán lên mức 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân và 3 tỷ đồng đối với tổ chức. Đây được cho là hình thức xử phạt có tính răn đe cao.

Dù vậy, thực tế cho thấy, cái lợi từ thao túng giá cổ phiếu và gây thiệt hại cho nhiều nhà đầu tư khác đôi khi không thể chỉ xác định được bằng dòng tiền vào ra ở các tài khoản mà người vi phạm sử dụng. Rất nhiều vụ thao túng giá thời gian qua đã bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức cao nhất căn cứ trên việc xác định người vi phạm không thu được lợi ích từ hành vi vi phạm. Không thu lợi nhưng tại sao nhà đầu tư vẫn cố tình vi phạm? Đây là một câu hỏi mở cho nhà quản lý và cao nhất là các nhà soạn thảo Luật.

Trên cơ sở đó, tôi cho rằng cần tăng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn nữa, gấp 10 lần, thậm chí 20 lần, như vậy mới đủ sức tạo tính răn đe cao, nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc trước lợi ích (vô hình vì chưa chắc đã cụ thể hóa bằng dòng tiền) với thiệt hại.

Bên cạnh đó, một vấn đề cần lưu ý, trở lại với việc tăng quyền cho cơ quan quản lý, cần có các quy định tránh lạm quyền. Nếu Dự Luật được bấm nút thông qua sớm, càng cần sớm những văn bản dưới Luật hướng dẫn chi tiết quy trình kiểm tra nghi vấn giao dịch cũng như xác định mức vi phạm giao dịch để quyết định mức phạt hành chính hay khởi tố hình sự theo đúng quy định khung trong Luật.

Thị trường chứng khoán là một thị trường giao dịch tài chính bậc cao, đòi hỏi các quyền thanh tra, giám sát, xử phạt… cũng cần tính chuyên môn cao và sâu. Cập nhật và làm mới các quy định của luật hiện hành theo đó là cần thiết để phù hợp hơn với quy mô thị trường cũng như các vấn đề đang phát sinh trên thị trường chứng khoán hiện nay lẫn tương lai. Ngoài ra cũng cần phải tính đến rằng một thị trường có cơ hội và đủ điều kiện nâng hạng, luôn phải là một thị trường mà tính minh bạch, tuân thủ pháp luật trên thị trường cũng phải ở mức rất cao. Mong là Dự Luật chứng khoán sửa đổi có ghi nhận và tính đến chiều kích Luật cần có để phù hợp với một thị trường có chuẩn mực mới nổi.

Lê Ngọc Hoàn - Ths Tài chính Đầu tư