Nới room 100% cho nhà đầu tư ngoại vốn có chảy vào chứng khoán
Nới room cho nhà đầu tư ngoại lên mức 100% hứa hẹn sẽ tạo đột phá về dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, những băn khoăn về bất lợi cho doanh nghiệp nội cũng đã xuất hiện.
Năm 2017, thị trường chứng khoán đã ghi nhận dòng vốn đầu tư từ khối ngoại đạt mức kỷ lục, với giá trị mua ròng đạt 46.700 tỷ đồng, bên cạnh đó, danh mục đầu tư cũng cao nhất từ trước đến nay, với mức đạt khoảng 32 tỷ USD.
Đáp ứng mong mỏi của nhà đầu tư...
Theo đó, hiện nay, quy mô vốn hoá thị trường chứng khoán Việt Nam đã lớn, thậm chí so với mặt bằng chung một số nước trong khu vực và nằm trong danh sách thị trường mới nổi theo bảng xếp hạng của MSCI.
Có được những kết quả mang tính “đỉnh” cao như vậy phải kể đến “động lực” mà theo các nhà đầu tư đó là bước tiến dài, mở đường cho nhà đầu tư và giúp thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Đó chính là quyết định 238 của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của nước ngoài vào thị trường chứng khoán năm 2005.
Có thể bạn quan tâm
Cú hích từ nới room ngoại
01:40, 12/11/2018
Mục đích nới room ngoại lên 100% của KDC?
11:02, 12/07/2018
DHG toan tính gì khi xin nới room ngoại lên 100%?
04:30, 08/06/2018
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tại rất nhiều diễn đàn, hội thảo và các chương trình workshop, các nhà đầu tư cho rằng, trong bối cảnh mới của thị trường chứng khoán Việt Nam, sự hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, thị trường chứng khoán nên có sự chuyển mình mang tính đột phá hơn nữa, để đáp ứng “nguyện vọng” tạo có thêm nhiều không gian hơn cho sự hiện diện của nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, phải kể đến việc nâng trần sở hữu, phát triển các sản phẩm thay thế khác như chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR).
Chính vì vậy, việc cho phép nâng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100% miễn trừ những ngành nghề đặc thù có quy định riêng và không còn phụ thuộc vào Điều lệ của doanh nghiệp theo Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi mới đây, được cho là giải pháp giải quyết nhu cầu của nhà đầu tư khối ngoại.
Theo đó, việc mở ra một khung pháp lý thông thoáng giúp doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn cơ hội huy động vốn ngoại và đón nhận thêm những nguồn lực mới như tri thức, thị trường…. cho khát vọng vươn lên của doanh nghiệp nội.
Mặt khác, việc tham gia của nhà đầu tư ngoại đã góp phần giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, chuyên nghiệp hơn như trường hợp của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE), Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII), Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG)…
…. nhưng phải vẹn cả đôi đường
Tuy nhiên, có một điều băn khoăn và đang chờ những ý kiến phản biện từ cộng đồng doanh nghiệp nội và nhà đầu tư ngoại đó chính là việc nâng mức sở hữu của nhà đầu tư ngoại lên 100% tuyệt đối hay vẫn dành một không gian cho doanh nghiệp có quyền tự quyết định? Bởi trong thực tế, thị trường đã ghi nhận, không phải cuộc hôn phối nào cũng “suôn sẻ”, chưa kể mức ràng buộc theo Luật Đầu tư.
Cụ thể, theo quy định của Luật Đầu tư, nếu tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 51% trở lên thì doanh nghiệp được coi là công ty nước ngoài và phải đáp ứng điều kiện, thủ tục đầu tư theo quy định của nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện đầu tư thành lập tổ chức kinh tế và hoạt động đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam với tư cách pháp nhân như là nhà đầu tư nước ngoài.
Thêm nữa, khi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại từ 51% vốn điều lệ, doanh nghiệp còn chịu sự ràng buộc về các khoản đầu tư. Trong đó, có thể kể đến hoạt động phân phối dược phẩm chưa cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
Đây cũng chính là lý do khiến doanh nghiệp niêm yết không “mặn mà” với việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.
Như vậy, việc nâng mức sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% theo tinh thần của dự thảo sẽ làm “thoả mãn” trước nhu cầu tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam của nhà đầu tư ngoại, tuy nhiên, điều này có thể tạo ra bất lợi cho doanh nghiệp nội. Theo các chuyên gia, việc này rất cần có lời giải mang tính pháp lý để hoạt động nới room được “vẹn cả đôi đường”.