Động thái mới của CMT trước khi hủy niêm yết

Ngọc Anh 13/12/2018 05:01

CTCP Công nghệ Mạng và Truyền thông (Infonet, HOSE: CMT) vừa quyết định mua lại cổ phiếu quỹ trước khi hủy niêm yết trên sàn HoSE.

Tính từ khi niêm yết đến nay, cổ phiếu CMT giảm gần 84%.

Tính từ khi niêm yết đến nay, cổ phiếu CMT giảm gần 84%.

Theo đó, doanh nghiệp này sẽ mua lại 800.000 cổ phiếu thông qua phương thức khớp lệnh trên sàn từ tháng 12/2018 đến tháng 1/2019 nhằm giải quyết quyền lợi cho cổ đông trước khi hủy niêm yết trên sàn HOSE để chuyển sang sàn UPCoM.

Giá giao dịch sẽ được xác định theo giá thị trường tại thời điểm giao dịch và đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Nguồn vốn thực hiện giao dịch nói trên được lấy từ nguồn vốn thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hoặc từ nguồn vốn chủ sở hữu khác.

Tính đến ngày 12/12, doanh nghiệp này đang nắm giữ 716.630 cổ phiếu quỹ, chiếm 8,96% vốn điều lệ của Công ty. Nếu giao dịch nói trên thành công, tổng số cổ phiếu quỹ của CMT sẽ tăng lên 1.516.630 cổ phiếu, tương đương 18,96% tổng số cổ phiếu đã phát hành của CMT.

Theo đại diện lãnh đạo của CME, doanh nghiệp này quyết định tự nguyện hủy niêm yết trên sàn HoSE nhằm tập trung tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tập trung vào định hướng phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn tới.

Theo báo cáo quý 3 của doanh nghiệp này, doanh thu thuần đạt 121 tỷ đồng, tăng hơn 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ giá vốn hàng bán/doanh thu thuần là 85%, so với mức 91% của cùng kỳ năm ngoái, cho thấy hiệu quả sản xuất, kinh doanh của CMT đã có nhiều chuyển biến tích cực. Điều này được thể hiện qua biên lợi nhuận gộp của CMT tăng từ gần 9% của cùng kỳ năm ngoái lên 14% của quý 3 năm nay.

Tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của CMT là 6,8 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ và chiếm tới 40% lợi nhuận gộp, cho thấy doanh nghiệp này kiểm soát chưa tốt khoản mục chi phí này.

Kết thúc quý 3, lợi nhuận lợi nhuận sau thuế của CMT đạt 7,42 tỷ đồng, gấp gần 6,9 lần cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, CMT ghi nhận doanh thu thuần hơn 232 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mới hoàn thành được hơn 42% kế hoạch cả năm, trong khi lợi nhuận sau thuế hơn 12 tỷ đồng, tăng hơn 153% so với cùng kỳ và vượt gần 43% kế hoạch cả năm.

Tính đến 30/9, nợ phải trả của CMT là 287 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu là 153 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 187%. Trong khi đó, lưu chuyển tiền tệ thuần từ hoạt động kinh doanh của CMT đến ngày nói trên âm tới gần 99 tỷ đồng do khách hàng chiếm dụng vốn quá lớn. Điều này khiến áp lực trả nợ gốc và lãi vay ngân hàng của CMT là rất lớn (Trong 9 tháng đầu năm nay, CMT đã trả tổng nợ gốc và lãi vay là 117 tỷ đồng).

Đóng cửa phiên 12/12, CMT dừng ở mức 7.000đ/cp. Trong những phiên giao dịch gần đây, có nhiều phiên cổ phiếu này có giao dịch rất thấp, thậm chí có phiên không có giao dịch. Tính từ khi niêm yết đến nay, cổ phiếu này giảm gần 84%. Theo phân tích kỹ thuật, cổ phiếu này vẫn đang điều chỉnh, khó phục hồi mạnh trở lại trong ngắn hạn.

Định hướng hoạt động trung và dài hạn của CMT trong thời gian tới là tập trung xây dựng và phát triển các ứng dụng giải pháp tổng thể cho hệ thống tài chính ngân hàng, bưu chính viễn thông… Bên cạnh đó, doanh nghiệp này đang tập trung nghiên cứu triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ 5G.

Hiện tại CMT đang đối mặt với một số thách thức. Thứ nhất, các mặt hàng kinh doanh của CMT chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài, nên chịu tác động từ biến động tỷ giá, chính sách của nhà cung cấp, chính sách thuế của nhà nước. Thứ hai, do đặc thù hoạt động kinh doanh của CMT, nên ngân hàng chỉ cho vay ngắn hạn khi doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để bổ sung cho vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này gây khó khăn, thách thức cho CMT trong việc cân đối nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thứ ba, CMT luôn bị khách hàng chiếm dụng vốn khi các khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng lên tới 188 tỷ đồng tính đến cuối quý 3/2018.

Ngọc Anh