Động lực tăng giá cổ phiếu DGC còn lớn?
Mặc dù CTCP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang (HNX: DGC) còn đối mặt với một số thách thức, nhưng kết quả kinh doanh tích cực sau tái cấu trúc. Điều này có thể sẽ hỗ trợ cho giá cổ phiếu DGC.
Ngày 24/09/2018, DGC đã hoàn thành việc sáp nhập các công ty con, công ty liên kết vào công ty mẹ. Sau tái cấu trúc, DGC là doanh nghiệp có quy mô đứng đầu lĩnh vực hóa chất gốc phốt pho. DGC hoạt động theo mô hình công ty mẹ và 5 công ty con.
Hiệu quả kinh doanh sau sáp nhập
Theo báo cáo tài hợp nhất quý 3, lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu thuần của DGC đạt 4.328 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần trong kỳ giảm xuống mức 79%, so với mức 88,6%, cho thấy hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này đã cải thiện. Điều này cũng được thể hiên qua biên lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm cũng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 20,9%. Sở dĩ DGC hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn là do sau khi sáp nhập, DGC được hưởng lợi từ mảng hóa chất của các công ty con.
Có thể bạn quan tâm
VCCI: Đề nghị thu hẹp thời gian đình chỉ hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân kinh doanh hóa chất
06:30, 07/12/2018
EU siết quy định về hoá chất: Doanh nghiệp Việt “nâng cấp” quản lý
03:12, 17/11/2018
Quản lý hóa chất có trách nhiệm
17:20, 22/08/2018
Trong kỳ, thu nhập tài chính của DGC tăng hơn 53% lên mức 30,7 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính cũng tăng mạnh 382% lên mức 36,7 tỷ đồng do tổng số tiền vay thêm trong kỳ tăng tới 215% lên mức 2.188 tỷ đồng.
Tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong kỳ tăng 52% so với cùng kỳ lên tới mức 252 tỷ đồng, chiếm 27,8% lợi nhuận gộp, cho thấy DGC đã quản lý khá tốt khoản mục chi phí này.
Kết thúc 9 tháng đầu năm nay, DGC đạt mức lợi nhuận sau thuế 619 tỷ đồng, tăng tới 204% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, DGC đã hoàn thành 76,2% kế hoạch doanh thu và 130% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Tính đến cuối quý 3, vốn chủ sở hữu của DGC tăng khá mạnh lên mức 2.920 tỷ đồng, tăng 338% so với cùng kỳ, do tăng vốn của chủ sở hữu sau khi nhận sáp nhập một số công ty con, tăng thặng dư vốn cổ phần, đặc biệt lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng mạnh… Trong khi đó, nợ phải trả trong kỳ cũng tăng lên mức 1.628 tỷ đồng, tăng 640% so với cùng kỳ, do phải trả người bán, phải trả người lao động, nộp ngân sách nhà nước… tăng mạnh. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 55%, cho thấy áp lực trả nợ của DGC ở mức vừa phải.
Thách thức trong sản xuất, kinh doanh
Sau khi sáp nhập, sản xuất sản phẩm gốc phốt pho, bột giặt, hóa chất là hoạt động chính của doanh nghiệp này khi đóng góp tới 98% tổng doanh thu. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động kinh doanh hàng hóa thương mại và dịch vụ vận chuyển, kho bãi giảm mạnh, chỉ đóng góp lần lượt 1,5% và 0,1% vào tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2018 do sau khi sáp nhập, những giao dịch nội bộ giữa các công ty con đã được loại bỏ ra khỏi doanh thu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, phần lớn các mảng sản xuất của DGC đều tăng trưởng cả về giá bán và tiêu thụ so với năm 2017. Trong đó, phốt pho vàng, Axit Phosphoric, Axit Phosphoric công nghiệp… có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất.
DGC xuất khẩu phần lớn phốt pho vàng sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, Đức, Anh… Trong 9 tháng đầu năm 2018, số lượng phốt pho vàng xuất khẩu của doanh nghiệp này tăng khoảng hơn 20% so với cùng kỳ, giá bán cũng tăng khoảng gần 4% do nguồn cung khan hiếm tại Ấn Độ, Trung Quốc…
Trong hoạt động kinh doanh, DGC đang đối mặt với một số thách thức. Thứ nhất, các nguyên liệu đầu vào phụ thuộc vào nhà cung cấp, như apatit được mua từ Vinachem, than cốc được nhập khẩu…
Thứ hai, thị phần các sản phẩm bột giặt còn quá nhỏ, các kênh bán hàng chưa hiệu quả…
Thứ ba, nguồn cung quặng apatit có chất lượng tốt đang có xu hướng giảm; áp lực cạnh tranh trong ngành phân bón lớn…
Thứ tư, dây chuyền sản xuất của DGC sẽ chuyển về Hưng Yên, làm phát sinh thêm chi phí khấu hao đối với các thiết bị máy móc mới.
Trong vòng 3 tháng qua, cổ phiếu DGC đã tăng khoảng 10,39%, nhưng trong tuần qua do tác động tiêu cực từ chỉ số chung, giá cổ phiếu này đã giảm 1,85%. Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/12, giá cổ phiếu DGC đã giảm 0,21% đóng cửa ở mức 47.800 đồng/cp, với khối lượng giao dịch đạt 63.500 đơn vị.
Theo phân tích kỹ thuật, giá cổ phiếu DGC hiện đang nằm trên các đường MA50, 100 và 200 cho thấy động lực tăng giá trong trung và dài hạn của cổ phiếu này vẫn còn lớn. Tuy nhiên trong ngắn hạn, DGC vẫn đang có xu hướng điều chỉnh. Do đó, có thể tận dụng nhịp điều chỉnh của cổ phiếu này để mua vào.
Lợi thế của ngành hóa chất Việt Nam Theo quy hoạch của Bộ Công thương, ngành hóa chất dự kiến sẽ tăng trưởng bình quân ở mức 14% - 16%/năm. Trong đó, Chính phủ chú trọng khuyến khích các sản phẩm từ photpho như photpho vàng, axit photphoric công nghiệp, tập trung tăng cường khai thác tuyển quặng loại II và IV đưa vào sử dụng thay cho nguồn loại I sắp cạn kiệt. Bên cạnh đó, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 686/QĐ-BCT áp thuế tự vệ đối với phân DAP và MAP nhập khẩu. Theo đó, mức thuế áp dụng tương đương với chênh lệch giá bán thực tế và giá hòa vốn của các doanh nghiệp nội địa, khoảng hơn 1,1 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, năng lực sản xuất MAP, DAP, DCP chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước (chỉ đạt khoảng 50% tổng nhu cầu). Điều này đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp địa chiếm ưu thế trước hàng nhập khẩu. Ngoài ra, ngành hóa chất cũng đang được hưởng lợi thế về thuế xuất khẩu. Hiện nay thuế xuất khẩu photpho vàng của Việt Nam là 5%, trong khi đó mức thuế này tại Trung Quốc lên tới 20%... |