NTP vẫn “đi ngang” trong ngắn hạn
Giá cổ phiếu của CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP) vẫn chưa có dấu hiệu bứt phá mạnh mẽ trong ngắn hạn.
Rủi ro biến động giá nguyên liệu nhựa, biến động tỷ giá, áp lực cạnh tranh lớn… là những thách thức đối với NTP.
Lợi nhuận giảm mạnh
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV, lũy kế năm 2018, doanh thu thuần của NTP đạt 4.519 tỷ đồng, giảm hơn 2% so với năm 2017. Hệ số gia vốn/doanh thu thuần ở mức 70,5%, tăng so với mức 66,7% của năm 2017, cho thấy hiệu quả kinh doanh của NTP suy giảm mạnh. Theo đó, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này cũng giảm xuống mức 29,4%, từ mức 33,2% năm 2017.
Có thể bạn quan tâm
NTP thay đổi nhân sự chủ chốt
06:30, 01/12/2017
SCIC thay đổi kế hoạch thoái vốn tại NTP, DMC, BMP và FPT
15:03, 30/11/2017
NTP loay hoay “đầu vào”
06:10, 17/11/2017
Lãnh đạo Nhựa Tiền Phong dồn dập đăng ký mua cổ phiếu NTP
05:55, 26/09/2017
Trong kỳ, chi phí tài chính tăng tới 40,7% lên mức 107 tỷ đồng, do nợ phải trả tăng gần 18%. Tính đến cuối năm 2018, tổng nợ phải trả của NTP tăng lên mức hơn 2.563 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu cũng tăng khoảng gần 8% lên mức 2.252 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức gần 114%. Trong kỳ, lưu chuyển tiền tệ thuần từ hoạt động kinh doanh của NTP âm hơn 37 tỷ đồng, trong khi trả nợ gốc hơn 3.540 tỷ đồng, cho thấy áp lực trả nợ của doanh nghiệp rất lớn.
Tổng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của NTP dù đã giảm so với năm 2017 xuống mức hơn 881 tỷ đồng, nhưng chiếm tới hơn 66% lợi nhuận gộp, cho thấy khoản mục chi phí này của NTP ở mức cao, “ăn mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp.
Kết thúc năm 2018, NTP đạt lợi nhuận sau thuế hơn 331 tỷ đồng, giảm gần 33% so với năm 2017. Sở dĩ lợi nhuận của doanh nghiệp này giảm mạnh là do giá nguyên vật liệu nhựa tăng mạnh và chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp ở mức cao. Mặc dù NTP đã điều chỉnh thời gian khấu hao, để giảm chi phí khấu hao tài sản cố định, cũng như tiết giảm các khoản mục chi phí khác, nhưng điều này chưa thể bù đắp được phần tăng giá nguyên vật liệu.
Đáng lưu ý, NTP cũng đang bị chiếm dụng vốn khá lớn khi khoản phải thu ngắn hạn trong năm 2018 lên tới hơn 1.489 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2017, chiếm hơn 57% tổng tài sản ngắn hạn. Ngoài ra, tồn kho cũng ở mức khá lớn, lên tới 995 tỷ đồng, chiếm khoảng 38% tổng tài sản ngắn hạn, đây cũng là điều dễ hiểu trong bối cảnh giá nguyên vật liệu thế giới biến động khó lường.
Thách thức mở rộng thị phần
NTP là đơn vị sản xuất ống nhựa dẫn đầu thị trường phía Bắc với thị phần khoảng hơn 50% và chiếm khoảng hơn 20% thị phần ống nhựa cả nước, chỉ sau CTCP Nhựa Bình Minh (BMP). Dù duy trì chính sách giá bán thấp hơn BMP và Tập đoàn Hoa Sen (HSG), nhưng thị phần của NTP tại thị trường phía Nam chỉ chiếm khoảng 10%, sau BMP và HSG.
Sở dĩ NTP vẫn duy trì được thị phần và vị thế của mình ở miền Bắc là nhờ hệ thống phân phối lớn và thương hiệu được xây dựng trong nhiều năm qua. NTP đang sở hữu 3 nhà máy tại 3 miền Bắc- Trung- Nam, 5 trung tâm phân phối và khoảng 3.000 cửa hàng, đại lý.
Tuy nhiên, việc có thêm nhiều “tân binh” tham gia thị trường ống nhựa, nhất là HSG có tỷ lệ chiết khấu cao cho các đại lý, đã tạo áp lực cạnh tranh lớn đối với NTP. Ngoài HSG, còn có các đối thủ nặng ký như Stroman (thương hiệu của Tập đoàn Tân Á Đại Thành), Dekko…, khiến việc mở rộng thị phần của NTP gặp nhiều khó khăn hơn, đồng thời ảnh hưởng tới sản lượng, cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp này trong thời gian tới.
Hiện nay, NTP vẫn đang đối mặt với rủi ro lớn từ biến động giá nguyên liệu nhựa thế giới, vì khoản chi phí này chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí của NTP. Ngoài ra, NTP nhập khẩu hoàn toàn nguyên liệu nhựa từ nước ngoài, trong khi doanh thu chủ yếu từ thị trường trong nước, nên doanh nghiệp này cũng đang đối mặt với rủi ro biến động tỷ giá USD/VND.
SCIC đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ 37% và Sekisui Chemical (Nhật Bản) chiếm 15% vốn của NTP. NTP thuộc diện thoái vốn của Nhà nước từ năm 2017, nhưng kế hoạch này bị trì hoãn do ĐHCĐ bất thường năm 2017 của NTP không thông qua việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, vì NTP vẫn còn ngành nghề kinh doanh bất động sản.
Chốt phiên giao dịch ngày 22/1, giá cổ phiếu NTP đóng cửa ở mức 41.000đ/cp. Trong vòng 1 năm qua, giá cổ phiếu NTP đã giảm khoảng 37,5%, khối lượng giao dịch bình quân khoảng 14.200 đơn vị. Tuy nhiên, trong những phiên giao dịch gần đây, thanh khoản của cổ phiếu này đã giảm mạnh, khi chỉ đạt bình quân khoảng hơn 5.000- 6.000 đơn vị.
Theo phân tích kỹ thuật, giá cổ phiếu NTP vẫn nằm trong kênh giảm giá dài hạn. Các chỉ số MACD, ADX, Stochastic, RSI, Aroon… vẫn đang cho thấy giá cổ phiếu này đi ngang trong ngắn hạn. NTP chỉ có thể bứt phá mạnh mẽ khi vượt qua mức 46.500 đồng/cp (MA200), ngược lại vẫn xoay quanh mức 40.000đ/cp trong ngắn hạn.