STK sẽ phục hồi nhờ CPTPP?

Hà Phương 03/02/2019 04:30

Cổ phiếu của CTCP Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) đã giảm sâu trong thời gian qua. Vậy giá cổ phiếu này có phục hồi trở lại sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực?

Cổp/phiếu STK sẽ hưởng lợi khi Hiệp định CP TPP

Cổ phiếu STK sẽ hưởng lợi khi Hiệp định CP TPP  có hiệu lực

Cổ phiếu STK chính thức lên sàn vào ngày 30/09/2015 với giá đóng cửa phiên giao dịch lần đầu 30.900 đồng/cổ phiếu. Đến nay, thị giá cổ phiếu này giảm mạnh, hiện đang dao động ở mức 17.000 đồng/cổ phiếu (kết phiên giao dịch ngày 30/1/2019).

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2018, lũy kế năm 2018, doanh thu thuần của STK đạt hơn 2.407 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với năm 2017. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này đạt hơn 179 tỷ đồng, tăng gần 81% so với năm 2017.

Về triển vọng của STK trong giai đoạn tới, theo Ban lãnh đạo Công ty, trong ngắn hạn, dự án Trảng Bàng 5, các đơn hàng sợi tái chế và chiến lược tăng tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng sẽ là động lực chính thúc đẩy hoạt động kinh doanh của Công ty.

Hiện nay Ban Lãnh đạo STK đã triển khai kế hoạch đối với mảng sợi tái chế. Theo kế hoạch, mảng này sẽ đóng góp 20% tỷ trọng doanh thu của STK trong năm 2019 và năm 2020 là 30%.

Được biết, ngày 2/4/2019 Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của STK sẽ được tổ chức. HĐQT STK cũng đã thông qua các tờ trình dự kiến trình ĐHCĐ, trong đó sẽ có nội dung đề xuất thay đổi mục đích sử dụng vốn cho đợt phát hành đối với cổ đông hiện hữu. 

Trước đó, STK đã chốt danh sách cổ đông phát hành gần 6 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu và 600.000 cổ phiếu ESOP để tăng vốn điều lệ với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu.

Theo kế hoạch, STK sẽ sử dụng gần 60 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành nói trên để đầu tư cho Dự án Trảng Bàng 5 nhằm tăng công suất sợi DTY (Draw Textured Yarn) và Polyester Chip (từ tái chế sợi phế) để sản xuất sợi tái chế. Ngoài ra, khoảng 6 tỷ đồng còn lại được dùng để bổ sung vốn lưu động theo nhu cầu sản xuất kinh doanh của công ty.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), không riêng gì STK mà các doanh nghiệp sản xuất sợi và doanh nghiệp dệt may sở hữu chuỗi cung ứng khép kín như Công ty Dệt may Thành Công (TCM), Tập đoàn Phong Phú (PPH)… sẽ được hưởng lợi trực tiếp nhờ đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ các hiệp định thương mại nói chung và CPTPP nói riêng. 

"Lợi ích mang lại từ CPTPP đối với các doanh nghiệp dệt may sẽ không nhiều nhưng việc Việt Nam gia nhập CPTPP sẽ giúp mở rộng thị phần xuất khẩu dệt may cho STK nói riêng và các doanh nghiệp dệt may nói chung sang các thị trường đầy tiềm năng như Canada, Mexico, New Zealand và Australia", VDSC nhấn mạnh.

Hiện nay đầu ra của ngành dệt may phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu với tỷ lệ bán hàng xuất khẩu, sản lượng cung ứng đạt hơn 89%. Trong đó, thị trường đầu ra chủ yếu tập trung tại thị trường Hoa Kỳ (46%), Nhật Bản (12,45%), và Hàn Quốc (10,49%). Các sản phẩm xuất khẩu chính của doanh nghiệp dệt may Việt Nam bao gồm: Sợi (sợi bông, sợi polyester) và Hàng may mặc (gồm áo thun, áo Jacket, và quần chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu).

Hiện CPTPP đang chiếm 12,9% GDP toàn cầu và 14,9% khối lượng giao dịch thương mại toàn thế giới, chưa kể hàng hoá giao dịch trong nhóm CPTPP sẽ được cắt giảm thuế quan đến 95%. 

Như vậy, nếu đáp ứng được các điều kiện về nguyên tắc xuất xứ, dệt may Việt Nam dự kiến tăng gấp đôi thị phần tại các thị trường CPTPP ngay sau khi có hiệu lực từ năm 2019. Hơn nữa, nhờ CPTPP, hàng dệt may Việt Nam sẽ cạnh tranh hơn so với hàng Trung Quốc. Đây sẽ là cơ hội cho STK và các doanh nghiệp dệt may trong thời gian tới...

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, ngoài yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, còn một yếu tố khác hỗ trợ cho sự kỳ vọng của nhà đầu tư đối với cổ phiếu nhóm dệt may, đó là tỷ giá. Tỷ giá USD/VND đã tăng mạnh ở giai đoạn cuối năm 2018 và tiếp tục neo ở mức cao trong thời gian qua. Điều này sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2019.

Với CPTPP có hiệu lực cũng như được hưởng lợi từ tỷ giá USD/VND, giá cổ phiếu STK được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại trong năm 2019.

Hà Phương