Nên tách Ủy ban chứng khoán khỏi Bộ Tài chính

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng 12/04/2019 11:01

Sau khi đăng bài “Đã đến lúc UBCK độc lập?”, DĐDN đã nhận được bài viết phản hồi của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia TCNH về vấn đề này. DĐDN xin đăng bài viết này để rộng đường dư luận.

Hiện tổng tín dụng được cấp qua kênh ngân hàng đạt 7,5 triệu tỷ đồng, tương đương 130% GDP, trong khi quy mô thị trường chứng khoán (TTCK) mới chỉ ở mức 3 triệu tỷ đồng. 

p/Hệ thống giám sát tài chính Việt Nam.

Hệ thống giám sát tài chính Việt Nam.

Vai trò của TTCK còn mờ nhạt

Theo đó, tỷ trọng đóng góp “danh nghĩa” của TTCK cho cả nền kinh tế so với hệ thống NHTM là khoảng 40%, nhưng nếu chỉ tính dòng tiền thật đổ vào nền kinh tế, tức là chỉ tính dòng tiền đổ vào các tổ chức phát hành chứng khoán ở thị trường sơ cấp, mà không tính giá trị gia tăng của chứng khoán trên thị trường thứ cấp, thì tỷ trọng đóng góp của TTCK cho các thành phần kinh tế chỉ ở mức 10% trong vòng 10 năm qua.

Có thể bạn quan tâm

  • Đã đến lúc Ủy ban Chứng khoán độc lập?

    Đã đến lúc Ủy ban Chứng khoán độc lập?

    11:01, 05/04/2019

  • Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi: Tách riêng Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước?

    Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi: Tách riêng Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước?

    05:56, 03/04/2019

Bởi vậy, hệ thống ngân hàng đang gánh vác trên vai trách nhiệm quá lớn trong việc cung cấp vốn cho nền kinh tế. Đây là một rủi ro cho nền kinh tế, đặc biệt là một nửa nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng được vay trung và dài hạn, trong khi nguồn vốn huy động chủ yếu vẫn là nguồn vốn ngắn hạn. Sự chênh lệch về kỳ hạn này là rủi ro hệ thống của hệ thống ngân hàng Việt Nam và cả nền kinh tế. Trong khi TTCK là nơi cung cấp nguồn vốn trung và dài hạn thì vẫn còn đóng vai trò tương đối khiêm tốn.

Về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, năm 2018 các doanh nghiệp huy động qua kênh trái phiếu khoảng 100.000 tỷ đồng, song vẫn tập trung ở một số doanh nghiệp lớn như Masan, Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai... và bên mua cũng chủ yếu là các tổ chức tài chính, ngân hàng. Do đó, việc huy động vốn trung và dài hạn hiện nay vẫn đè nặng lên vai hệ thống ngân hàng thương mại

Cần nâng cao vị thế của UBCK

Để TTCK là kênh dẫn vốn hữu hiệu cho nền kinh tế, mới đây khi góp ý cho Dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng nên tách UBCK ra khỏi Bộ Tài chính thành cơ quan ngang bộ, trực thuộc Chính phủ. Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm nói trên, bởi nếu vẫn để UBCK trực thuộc Bộ Tài chính thì rất nguy hiểm, vì điều này giống như vừa đá bóng, vừa thổi còi.

Việc tách UBCK độc lập sẽ giảm bớt được đầu mối trung gian. Hiện có nhiều vụ việc xảy ra trên sàn chứng khoán, quy mô thị trường lớn, nếu không có đủ thẩm quyền, UBCK sẽ chậm trễ trong xử lý, ảnh hưởng đến kênh thu hút vốn cho nền kinh tế…

Do đó, chúng ta cần làm rõ hơn thẩm quyền của UBCK trong quản lý Nhà nước về TTCK, trong quan hệ giữa uỷ ban này với các sở giao dịch chứng khoán. Theo đó, cần quy định rõ trong Luật Chứng khoán nhiệm vụ, quyền hạn của UBCK trong việc quản lý, giám sát toàn diện TTCK; chấp thuận các quy định, quy chế của các sở giao dịch chứng khoán; chấp thuận việc đưa vào giao dịch các loại chứng khoán mới; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định pháp luật...

Tuy nhiên, trong lúc chờ độc lập thì UBCK vẫn phải tuân theo bộ tiêu chuẩn duy nhất là bộ tiêu chuẩn của Tổ chức Quốc tế Các ủy ban chứng khoán (IOSCO). Nếu đảm bảo được các nguyên tắc của IOSCO thì UBCK mới đủ thẩm quyền đưa ra những giải pháp phát triển và quản lý thị trường.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng