Sửa Luật Chứng khoán, nâng tầm thị trường (Kỳ 1): Nâng cao chất lượng hàng hóa

Theo ĐTCK 22/04/2019 10:53

Dự án Luật Chứng khoán sửa đổi trình Quốc hội trong tháng 5 tới được kỳ vọng là thế hệ luật thứ hai mở đường cho TTCK bước sang giai đoạn phát triển về chất.

Chất lượng hàng hóa trên TTCK còn nhiều yếu kém, tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư, cũng như tính an toàn và bền vững của thị trường.

Chất lượng hàng hóa trên TTCK còn nhiều yếu kém, tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư, cũng như tính an toàn và bền vững của thị trường.

Tăng vốn lên 30 tỷ đồng là hợp lý

Sau khi vượt qua vòng thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dự án Luật Chứng khoán sửa đổi vừa được thảo luận tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong số nhiều nội dung gần như được làm mới toàn bộ, vấn đề thu hút sự quan tâm của các thành viên thị trường, cũng như đại biểu Quốc hội là giải pháp nào nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, qua đó vừa bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, vừa giúp thị trường phát triển bền vững?

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), đến hết tháng 1/2019, TTCK có 755 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở GDCK, 804 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM. Tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt hơn 1,235 triệu tỷ đồng, tăng 26% so với cuối năm 2017. Hết năm 2018, quy mô vốn hóa TTCK tương đương 71,6% GDP...

Lượng hàng hóa tuy tăng nhanh trong những năm gần đây nhờ Chính phủ thúc đẩy quá trình cổ phần hóa gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch, đồng thời khu vực tư nhân nhìn thấy tiềm năng huy động vốn hiệu quả qua TTCK, nhưng theo đánh giá của các thành viên thị trường, chất lượng hàng hóa còn nhiều yếu kém, tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư, cũng như tính an toàn và bền vững của thị trường.

Liên quan đến chất lượng hàng hóa, ở góc nhìn của nhà quản lý, ông Sơn thẳng thắn, chất lượng quản trị công ty trên TTCK Việt Nam còn thấp so với mặt bằng chung trong khu vực. Một số công ty đại chúng vẫn chưa chủ động trong công khai các thông tin về tình hình hoạt động, sử dụng vốn, quản trị công ty, số liệu trên báo cáo tài chính còn sai sót…

Trước thực trạng trên, trong lần sửa đổi Luật Chứng khoán này, Ban soạn thảo đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có đề xuất nâng cao điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng và điều kiện trở thành công ty đại chúng.

Có thể bạn quan tâm

  • Nên tách Ủy ban chứng khoán khỏi Bộ Tài chính

    Nên tách Ủy ban chứng khoán khỏi Bộ Tài chính

    11:01, 12/04/2019

  • Đã đến lúc Ủy ban Chứng khoán độc lập?

    Đã đến lúc Ủy ban Chứng khoán độc lập?

    11:01, 05/04/2019

  • Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi: Tách riêng Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước?

    Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi: Tách riêng Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước?

    05:56, 03/04/2019

  • Dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi): Trăn trở việc mở rộng người có liên quan

    Dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi): Trăn trở việc mở rộng người có liên quan

    11:01, 02/12/2018

  • VCCI: Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi vẫn tập trung nhiều vào tiền kiểm

    VCCI: Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi vẫn tập trung nhiều vào tiền kiểm

    06:30, 30/11/2018

Liên quan đến nội dung trên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, trong quá trình thẩm tra dự án luật có 2 nhóm ý kiến. Nhóm thứ nhất đồng tình với quy định nâng điều kiện về mức vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng để phù hợp với quy mô TTCK hiện tại và nâng cao chất lượng của các công ty đại chúng.

Tuy nhiên, nhóm thứ hai không đồng tình với đề xuất mới này vì cho rằng, quy định tăng vốn điều lệ của công ty đại chúng sẽ hạn chế quyền huy động vốn của doanh nghiệp. Một trong những căn cứ để nhóm này đưa ra quan ngại là hiện hơn 98% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, với mức vốn trung bình khoảng 11 tỷ đồng, việc quy định tăng mức vốn điều lệ như dự thảo Luật sẽ là rào cản đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu huy động vốn trên TTCK.

“Dù vậy, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với Tờ trình Chính phủ, đồng thời cho rằng, việc nâng điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng và điều kiện trở thành công ty đại chúng là cần thiết, để nâng cao chất lượng cổ phiếu khi đưa ra TTCK. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng như quy mô TTCK hiện tại. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hiện có 81,04% công ty đại chúng có mức vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên. Do đó, việc tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng sẽ chỉ tác động đến hơn 18% công ty đại chúng còn lại. Để bảo đảm tính khả thi của luật, đề nghị cơ quan soạn thảo thuyết minh, làm rõ hơn nữa cơ sở của việc đưa ra đề xuất về mức vốn trên, đồng thời đánh giá đầy đủ tác động về kinh tế, xã hội của quy định này đối với các đối tượng liên quan...”, ông Thanh nói.

Chốt lại phần thảo luận về vấn đề này, trên cương vị được Chủ tịch Quốc hội ủy quyền điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với đề xuất nâng vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng để phù hợp với quy mô thị trường hiện nay. Song, cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động và có quy định chuyển tiếp hợp lý. 

Kiểm soát chặt cổ phiếu phát hành thêm

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK huy động vốn là cần thiết, nhưng nếu thiếu sự giám sát chặt chẽ sẽ dẫn đến những hệ lụy.

Thị trường đang quan ngại trước nghi vấn doanh nghiệp “bán giấy lấy tiền”, gây rủi ro cho nhà đầu tư. Để nâng cao chất lượng hàng hóa, dự thảo Luật đưa ra quy định mới về điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng, bao gồm: Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; giá trị cổ phiếu phát hành thêm theo mệnh giá không lớn hơn tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành tính theo mệnh giá, trừ trường hợp có bảo lãnh phát hành với cam kết chắc chắn nhận mua toàn bộ cổ phiếu của tổ chức phát hành để bán lại, hoặc mua số cổ phiếu còn lại chưa được phân phối hết của tổ chức phát hành, phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, phát hành để hoán đổi, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp...

Ý kiến từ đại biểu Quốc hội, chuyên gia đề xuất, điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng tại dự thảo Luật phải được quy định chặt chẽ như phát hành lần đầu để bảo đảm chất lượng của cổ phiếu đưa ra TTCK, hạn chế rủi cho cho nhà đầu tư. Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đây là ý kiến hợp lý, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, bổ sung quy định chặt chẽ hơn đối với hoạt động chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng.

Liên quan đến điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ, có ý kiến cho rằng, quy định tại dự thảo Luật đang có sự nới lỏng hơn so với quy định hiện hành tại Luật Doanh nghiệp, Nghị định 163/2018/NĐ-CP. Điều này gây ra rủi ro cho các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng.

“Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành ý kiến trên và cho rằng, phát hành trái phiếu là vấn đề quan trọng và tiềm ẩn rủi ro đối với nhà đầu tư nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ từ khâu phát hành. Quy định tại dự thảo Luật hiện chưa bảo đảm kiểm soát được chất lượng trái phiếu doanh nghiệp đưa ra thị trường. Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, bổ sung các điều kiện đối với chào bán trái phiếu riêng lẻ trên nguyên tắc ít nhất phải đảm bảo các điều kiện theo quy định hiện hành...”, ông Thanh cho hay.

Trước ý kiến cho rằng, các quy định về quản trị công ty đại chúng tại dự thảo Luật còn chung chung, nhất là các quy định về việc bảo đảm thực hiện các nguyên tắc nâng cao trách nhiệm của Hội đồng quản trị với các cổ đông, vấn đề về quyền lợi của những người có liên quan trong quản trị công ty nhằm hạn chế các hành vi can thiệp nội bộ, lợi ích nhóm…, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thống nhất, phải có quy định về quản trị công ty phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với những đặc thù riêng, bảo đảm sự an toàn và lành mạnh của TTCK. Theo đó, cơ quan này đề nghị Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu kỹ và toàn diện hơn để quy định tại dự thảo Luật những nội dung mang tính đặc thù trên cơ sở thống nhất với Luật Doanh nghiệp, phù hợp với các nguyên tắc quản trị công ty của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nhất là nguyên tắc về giao dịch thâu tóm công ty, về thực hiện quyền sở hữu cho mọi cổ đông, về đối xử bình đẳng đối với cổ đông, về ngăn cấm giao dịch nội gián và lạm dụng mua bán tư lợi cá nhân, về công khai lợi ích hoặc giao dịch liên quan của thành viên Hội đồng quản trị và quản lý cấp cao...

Theo ĐTCK