DGW chưa thoát xu hướng tích lũy ngắn hạn

Ngọc Anh 04/05/2019 07:30

Mặc dù doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2018 tăng trưởng khá tích cực, nhưng cổ phiếu DGW của CTCP Thế giới số (Digiworld) vẫn đang có xu hướng điều chỉnh, tích lũy ngắn hạn.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/5, DGW đóng cửa ở mức 22.800đ/cp, không thay đổi so với giá đóng cửa của phiên giao dịch ngày 2/5.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/5, DGW đóng cửa ở mức 22.800đ/cp, không thay đổi so với giá đóng cửa của phiên giao dịch ngày 2/5.

Trong năm 2018, doanh thu thuần của DGW đạt 5.937 tỷ đồng, tăng khoảng 55% và lợi nhuận sau thuế đạt 109 tỷ đồng, tăng hơn 39% so với năm 2017, nhờ tăng trưởng từ mảng điện thoại di động và thiết bị văn phòng. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp 2018 giảm xuống mức 6,1% so với mức 7,1% năm 2017.

Doanh thu từ mảng máy tính xách tay và máy tính bảng năm 2018 đạt 2.400 tỷ đồng, dù tăng 6% so với năm 2017, nhưng động lực tăng trưởng từ mảng này không còn nhiều do thị trường laptop và máy tính bảng đã bão hòa.

Trong năm 2018, điện thoại di động là động lực tăng trưởng chính của DGW khi ghi nhận doanh thu 2.355 tỷ đồng, tăng 213% so với năm 2017, chủ yếu nhờ phân phối độc quyền điện thoại Xiaomi (Doanh thu phân phối điện thoại Xiaomi chiếm tới hơn 90% doanh thu điện thoại di động của DGW).

Có thể bạn quan tâm

  • Đổi mới mô hình kinh doanh có giúp DGW bứt phá mạnh mẽ?

    Đổi mới mô hình kinh doanh có giúp DGW bứt phá mạnh mẽ?

    14:50, 05/12/2017

  • DGW thử “thuốc” mới

    DGW thử “thuốc” mới

    16:55, 11/10/2017

  • DGW: Ấn tượng chào sàn

    DGW: Ấn tượng chào sàn

    21:56, 06/08/2015

  • DGW chào sàn HOSE hơn 23,5 triệu cổ phiếu

    DGW chào sàn HOSE hơn 23,5 triệu cổ phiếu

    13:52, 30/07/2015

Theo kế hoạch, trong năm 2019, động lực tăng trưởng chính của DGW đến từ phân phối điện thoại Nokia. Tuy nhiên, DGW chỉ là một trong 3 nhà phân phối Nokia, nên tiềm năng đóng góp từ phân phối Nokia sẽ không thể bằng phân phối Xiaomi. Mặc dù vậy, DGW đặt kế hoạch tăng trưởng 27% cho mảng điện thoại di động, tương ứng doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng năm 2019.

Đối với mảng thiết bị văn phòng đạt doanh thu 1.112 tỷ đồng năm 2018, tăng 48% so với năm 2017. Mảng này vẫn còn tiềm năng tăng trưởng tốt do nhu cầu thị trường còn lớn.  

Trong khi đó, dù có kỳ vọng lớn vào mảng hàng tiêu dùng, nhưng mảng này của DGW vẫn chưa đạt kỳ vọng. Doanh thu từ mảng này năm 2018 chỉ đạt 75 tỷ đồng, dù tăng 50% so với 2017, nhưng chỉ chiếm 1,2% tỷ trọng doanh thu của DGW. Đây là mảng có mức biên lợi nhuận gộp cao, thậm chí lên đến 50-60%, nhưng có đặc thù kinh doanh hoàn toàn khác biệt so với mảng thiết bị công nghệ. Do đó, DGW cần nhiều thời gian hơn nữa để khai thác thị trường này.

Trong năm 2019, DGW dự kiến mảng hàng tiêu dùng tăng trưởng hơn 360%, đạt 350 tỷ đồng doanh thu nhờ phân phối các sản phẩm từ Kingsmen, PNIKids, Nestlé… Về dài hạn, mảng tiêu dùng có thể trở thành động lực tăng trưởng chính của DGW, bởi tầng lớp trung trung lưu ở Việt Nam ngày càng gia tăng, nên người dân quan tâm nhiều hơn trong chăm sóc sức khỏe. Hơn nữa, hệ thống đa kênh rộng lớn của DGW cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho việc quảng bá các sản phẩm tiêu dùng.

Trong hoạt động kinh doanh, ngoài áp lực cạnh tranh lớn từ Thế giới di động, FPT…, DGW còn đối mặt với một số rủi ro. Thứ nhất, phần lớn các hợp đồng phân phối của DGW chỉ có thời hạn trung bình 1 năm. Điều này tiềm ần rủi ro duy trì phân phối dài hạn các mặt hàng trong danh mục kinh doanh chính của doanh nghiệp này.

Thứ hai, DGW đang phụ thuộc quá nhiều vào các đối tác như Xiaomi và Nokia cũng tiềm ẩn rủi ro lớn, bởi các hãng này có xu hướng mở rộng hợp tác trực tiếp với các đơn vị phân phối bán lẻ trong nước, có  nguy cơ làm giảm thị phần của DGW.

Tại ĐHĐCĐ vừa qua, DGW đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2019 lần lượt là 7.150 tỷ đồng và 137 tỷ đồng, tăng lần lượt 19,2% và 25,6% so với năm 2018. Đặc biệt Đại hội thông qua phân phối cổ tức bằng tiền mặt năm 2018 là 500 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 5%. Ngoài ra, Đại hội cũng thông qua phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2019. Theo đó, DGW phát hành 1,2 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000đ/cp, trong đó 50% số cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/5, DGW đóng cửa ở mức 22.800đ/cp, không thay đổi so với giá đóng cửa của phiên giao dịch ngày 2/5. Trong 3 tháng qua, DGW chỉ đi ngang, với khối lượng giao dịch bình quân chỉ 343.000 đơn vị.

Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ báo MACD, RSI, ADX, Stochastic… vẫn đang cho thấy cổ phiếu DGW điều chỉnh, tích lũy quanh mức 22.000đ/cp, mà chưa có tín hiệu phục hồi mạnh mẽ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với động lực tăng trưởng còn lớn, cổ phiếu DGW vẫn còn tiềm năng tăng giá trong trung và dài hạn.

Ngọc Anh