Cổ phiếu “vàng trắng” ngược dòng thị trường

Theo ĐTCK 05/06/2019 09:00

Gần đây, giá cổ phiếu ngành cao su tự nhiên điều chỉnh theo diễn biến giảm chung của thị trường, nhưng vẫn đạt mức tăng từ 6 - 12% trong tháng 5/2019, trong khi VN-Index đánh mất hơn 2% điểm số.

Đâu là động lực tạo sự hấp dẫn cho cổ phiếu nhóm doanh nghiệp sản xuất “vàng trắng” này?

Giá cao su tự nhiên khởi sắc

Trong tháng 5/2019, giá cổ phiếu DPR của Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú tăng 12,6%. Tương tự, cổ phiếu DPR của Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú tăng 12,6%, cổ phiếu TRC của Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh tăng 10,3%, cổ phiếu TNC của Công ty cổ phần Cao su Thống Nhất tăng 7,5%, cổ phiếu PHR của Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa tăng 7,5%, cổ phiếu DRI của Công ty cổ phần Cao su Đắk Lắk tăng 6,3%.

Nguyên nhân khiến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trồng, khai thác và chế biến mủ cao su tự nhiên có diễn biến tích cực chủ yếu là do giá cao su tự nhiên trên thị trường thế giới cũng như trong nước phục hồi.

Cụ thể, tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su kỳ hạn tháng 11/2019 đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/5/2019 tại mức 194,2 JPY/kg, tăng 2,6% so với cuối tháng 4 và tăng 14,1% so với đầu năm.

ảnh 1

Diễn biến giá cao su kỳ hạn trên sàn TOCOM trong 1 năm qua.

Giá cao su trên thị trường Tokyo là giá tham chiếu cho thị trường châu Á - khu vực sản xuất cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, diễn biến tăng giá trên thị trường này phán ánh sự khởi sắc trở lại của giá cao su tự nhiên sau đà suy giảm kéo dài từ đầu năm 2017 đến cuối tháng 11/2018.

Tại thị trường trong nước, giá mủ cao su và cao su thành phẩm cũng có xu hướng tăng. Thống kê của AgroMonitor cho thấy, giá cao su thành phẩm các loại RSS1, RSS3 tại khu vực Đông Nam Bộ đến cuối tháng 5/2018 tăng từ 3,9 - 4,6%, giá cao su thành phẩm các loại RSS 3L và SVR L tăng từ 12,5 - 13,1%.

Có thể bạn quan tâm

  • Cổ phiếu Cao su Sao Vàng bật vì quỹ đất?

    Cổ phiếu Cao su Sao Vàng bật vì quỹ đất?

    07:00, 21/05/2019

  • Vì sao hàng loạt cổ phiếu cao su liên tục tăng mạnh?

    Vì sao hàng loạt cổ phiếu cao su liên tục tăng mạnh?

    09:18, 06/03/2017

  • Cổ phiếu ngành cao su còn cơ hội bứt phá?

    Cổ phiếu ngành cao su còn cơ hội bứt phá?

    11:00, 22/05/2019

  • Ngành cao su mong cuộc chiến thương mại sớm…

    Ngành cao su mong cuộc chiến thương mại sớm…"hết đạn"

    06:00, 30/09/2018

Các phân tích đã chỉ ra một số nguyên nhân giá cao su tăng đến từ việc một số nước sản xuất cao su lớn như như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam… đang phải chịu tình trạng hạn hán có thể ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất. Riêng tại Trung Quốc, một số nhà sản xuất lớn đã phải ngừng cạo mủ cao su khi hạn hán diễn ra trên diện rộng, nhất là tại tỉnh Vân Nam. Trong khi đó, một số quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên lớn tiếp tục thực hiện kế hoạch cắt giảm sản lượng, hạn chế xuất khẩu.

Ngoài ra, giá cao su được đánh giá đang chịu ảnh hưởng của việc giá dầu mỏ liên tục tăng từ đầu năm đến nay, kéo theo đà tăng của giá cao su tổng hợp.

Bên cạnh giá bán thuận lợi, sản lượng tiêu thụ cũng ghi nhận tăng trưởng. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/5/2019, lượng cao su xuất khẩu đạt 446.310 tấn, trị giá 602,16 triệu USD, tăng 17,6% về lượng và tăng 8,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Sản lượng và giá bán tăng tăng sẽ giúp các doanh nghiệp cao su tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.

Đơn cử, tại DPR, chưa có số liệu tháng 5/2019, nhưng báo cáo tình hình sản xuất - kinh doanh trong tháng 4/2019 cho thấy, giá bán bình quân của DPR đạt 33,56 triệu đồng/tấn, cao hơn mức kế hoạch năm (32,14 triệu đồng/tấn) và cao hơn mức bình quân của quý I/2019 (29,9 triệu đồng tấn). Đối với thị trường xuất khẩu và ủy thác xuất khẩu, giá bán bình quân quy ra USD trong 4 tháng đầu năm 2019 đạt 1.428,7 USD/tấn, tương đương 97% kế hoạch năm.

Sản lượng tiêu thụ của DPR trong 4 tháng đầu năm đạt 2.772,7 tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, sản lượng xuất khẩu đạt 825,2 tấn và tiêu thụ nội địa đạt 1.942,7 tấn.

ảnh 2

Thực tế, giá bán của các doanh nghiệp cao su trong nước thường có độ trễ khoảng 2 - 3 tháng so với diễn biến giá cao su trên thế giới. Với việc giá cao su trên thế giới duy trì đà tăng đến cuối tháng 5, giá bán của DPR cũng như các doanh nghiệp cao su khác trong thời gian tới vẫn còn dư địa tăng.

Ngoài giá cao su tự nhiên tăng giúp các hoạt động truyền thống là khai thác và chế biến mủ cao su thuận lợi, một số doanh nghiệp cao su hiện cũng đang hoạt động trong lĩnh vực cho thuê đất khu công nghiệp. Nhu cầu thuê đất và giá thuê tăng cao do dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng nhanh được kỳ vọng sẽ giúp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này tích cực hơn.

Chẳng hạn, PHR đang sở hữu 80% vốn tại Công ty cổ phần Khu công nghiệp Tân Bình có diện tích 360 ha và sở hữu 32,85% vốn tại Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) có diện tích hơn 960 ha. Trong năm 2018, mảng khu công nghiệp đóng góp 21,2% lợi nhuận gộp, số lãi từ công ty liên kết NTC góp thêm 1/4 lợi nhuận trước thuế của PHR.

Hay DPR, Công ty đang sở hữu 51% vốn của Công ty cổ phần Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú - quản lý 2 khu công nghiệp là Bắc Đồng Phú (189 ha) và Nam Đồng Phú (69 ha).

Sức hấp dẫn của cổ phiếu cao su

Trong 5 năm trở lại đây, giá cao su có lúc tăng, lúc giảm, nhưng nhìn chung vẫn khá thấp so với giai đoạn 2010 - 2013. Tuy vậy, nhóm cổ phiếu ngành cao su thiên nhiên vẫn có sức hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư.

Thứ nhất, các doanh nghiệp cao su tự nhiên đều có dòng tiền hoạt động khá tốt, không những đáp ứng đủ nguồn vốn cho nhu cầu đầu tư mới, tái canh rừng cao su hàng năm, mà còn duy trì chính sách chi trả cổ tức tiền mặt đều đặn với mức cổ tức hấp dẫn so với thị giá cổ phiếu.

Tại DPR, nợ vay hiện chỉ chiếm 6,7% tổng nguồn vốn, trong khi tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và trái phiếu gấp gần 4 lần dư nợ vay. Mỗi năm, Công ty chi trả cổ tức tiền mặt từ 4.000 - 6.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ suất cổ tức trên thị giá đạt hơn 10%.

Với PHR, nợ vay ngắn và dài hạn chỉ chiếm 9,5% tổng nguồn vốn, chưa đến 500 tỷ đồng, trong khi các khoản tiền và tiền gửi ngân hàng có giá trị gấp đôi là 1.062 tỷ đồng. Đối với TRC, vay nợ hiện chiếm 13% tổng nguồn vốn, tỷ lệ này tại TNC là 2,6%. Cả PHR, TRC và TNC đều chi trả cổ tức tiền mặt với tỷ suất cổ tức trên thị giá cao hơn mức lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Thứ hai, cơ cấu cổ đông tại các doanh nghiệp cao su khá cô đặc với sở hữu chi phối của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) bên cạnh các cổ đông nội bộ và các quỹ đầu tư. Sự chi phối của cổ đông lớn giúp định hướng hoạt động được duy trì ổn định, các nhóm cổ đông có xu hướng nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn giúp xu hướng giá ổn định hơn. Khi có tin tốt, cổ phiếu dễ tăng giá, khi có thông tin bất lợi, áp lực cung cũng không lớn.

Thứ ba là đặc thù hoạt động kinh doanh nên các doanh nghiệp cao su sở hữu quỹ đất lớn như PHR 16.200 ha, DPR 9.300 ha, HRC 5.000 ha, TRC 13.500 ha, TNC 1.880 ha…

Theo đó, trong những năm giá mủ cao su xuống thấp, hoạt động thanh lý vườn cây cũng đủ giúp doanh nghiệp “sống khỏe”. Tình hình hiện nay, khi nhu cầu thuê đất khu công nghiệp tăng cao, doanh nghiệp cao su chỉ cần thanh lý vườn cây là có ngay đất sạch, giá vốn rẻ. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh định hướng chuyển đổi này.

Tháng 11/2018, Hội đồng quản trị DPR đã thông qua kế hoạch mở rộng diện tích Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú lên 610 ha. Với PHR, bên cạnh kế hoạch mở rộng Khu công nghiệp Tân Bình với tổng diện tích 1.050 ha, sắp tới, Công ty sẽ bàn giao 691 ha đất cho VSIP III và 355 ha đất cho NTC, dự kiến ghi nhận doanh thu không dưới 1.000 tỷ đồng từ giao đất, chưa tính đến lợi ích khi Công ty đàm phán góp vốn vào VSIP III.

Tại Công ty cổ phần Cao su Hòa Bình (HRC), tháng 3/2019, Hội đồng quản trị đã thông qua chủ trương hợp tác với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) để đầu tư Dự án khu công nghiệp - dịch vụ - tái định cư có diện tích 2.000 ha ở Bà Rịa - Vũng Tàu, trên đất mà Công ty đang quản lý.

Tuy vậy, thực tế những năm qua, giá mủ cao su, cũng như giá gỗ cao su thường xuyên biến động bất thường, khiến hai nguồn doanh thu, lợi nhuận chính của các doanh nghiệp cao su là bán mủ và thanh lý vườn cây dễ bị biến động theo. Trong quý I/2019, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cao su giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Không ít doanh nghiệp thận trọng khi đặt kế hoạch kinh doanh năm 2019 suy giảm so với thực hiện năm 2018.

Trên sàn chứng khoán, từ đầu năm 2019 đến nay, mức tăng giá của cổ phiếu PHR là gần 90%, các mã DPR, TRC, HRC, TNC, DRI tăng giá trên dưới 30%, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về triển vọng hoạt động của doanh nghiệp. Nếu thực tế diễn ra không như kỳ vọng, xu hướng giá cổ phiếu có thể đảo chiều, đây là điều nhà đầu tư cần lưu ý, nhất là khi có mục tiêu lướt sóng ngắn hạn cổ phiếu cao su.

Theo ĐTCK