Cổ phiếu VCB sẽ tiếp tục "lội ngược dòng" thị trường?
Trong những phiên giao dịch gần đây, dù thị trường chứng khoán tiếp tục suy yếu, nhưng cổ phiếu VCB của NHTMCP Ngoại thương Việt Nam tiếp tục lội ngược dòng và thiết lập vùng đỉnh cao cũ.
Diễn biến thị trường ngày 18/6 cho thấy, VN-Index đã "test" đáy 939 điểm và tạo nên một cây nến "rút chân". Bên cạnh đó, hoạt động cân lệnh trong phiên ATC khá tốt cho thấy dòng tiền vẫn chưa thực sự rời bỏ thị trường. Nhiều cổ phiếu Bluechips cũng đóng cửa trong sắc xanh như MWG, HVN, PVS, DPM, HPG, REE, VCB... Đặc biệt, cổ phiếu VCB đóng cửa tăng 1.100 đồng lên 70.300 đồng/cp, vượt qua đỉnh cũ được thiết lập vào đầu tháng 4/2019 và đang áp sát đỉnh tháng 3/2018 (75.000 đồng/cp).
Trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục suy yếu thì VCB tiếp tục thiết lập đỉnh cao trước đây, nhờ tình hình kinh doanh tích cực. Báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2019 cho thấy, VCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 5.878 tỷ đồng, tăng 34,9% so với cùng kỳ. Tại thời điểm cuối tháng 3/2019, tổng tài sản của VCB ở mức 1,073 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm 2019. Trong khi đó, cho vay khách hàng vẫn tăng 6,5%, đạt hơn 673 nghìn tỷ đồng. Huy động tiền gửi của khách hàng tại VCB tăng 4,5% đạt gần 838,3 nghìn tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
VCB là ngân hàng Việt Nam duy nhất có mặt trong top 30 ngân hàng mạnh nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
10:11, 24/02/2019
Sau VCB, đến lượt Agribank bán đấu giá cổ phần OCB
03:31, 12/11/2018
VCB chờ bán vốn cho đối tác ngoại
11:01, 03/09/2018
VCB cởi bỏ nhiều “điều kiện” với doanh nghiệp nhỏ
14:41, 03/07/2018
VCB: Lợi nhuận đột biến từ các thương vụ thoái vốn?
06:10, 25/12/2017
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu- Chuyên gia tài chính ngân hàng, trong nhóm 4 ngân hàng có vốn Nhà nước thì VCB còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định công nhận VCB đáp ứng chuẩn mực Basel II theo Thông tư 41 sớm một năm so với quy định, đánh dấu một bước thành công quan trọng trong lộ trình triển khai Basel II của ngân hàng này nói riêng và của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam nói chung.
Kết quả này tiếp tục thể hiện cam kết của VCB trong việc thực hiện mục tiêu trở thành một trong 100 ngân hàng lớn nhất Châu Á, một trong 300 tập đoàn ngân hàng tài chính lớn nhất thế giới, được quản trị theo các chuẩn mực quốc tế tốt nhất.
Ông Nghiêm Xuân Thành- Chủ tịch HĐQT khẳng định, hiện VCB được cấp "quota" tăng trưởng tín dụng cao nhất trong số 4 ngân hàng cổ phần quốc doanh, với tỷ lệ 15%. Dự kiến đến cuối năm nay, dư nợ tín dụng dự kiến tăng theo tỷ lệ được cấp, với huy động vốn tăng khoảng 11-13% và tổng tài sản vượt 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2018.
Định hướng trong năm 2019, Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết sẽ tập trung vào ba trụ cột chính: bán lẻ, dịch vụ và đầu tư (kinh doanh vốn). Theo đó, VCB sẽ tăng tỷ trọng tín dụng ngắn hạn, tăng tỷ trọng dư nợ theo hướng tín dụng ngành, tín dụng FDI, dư nợ các lĩnh vực sản xuất. Riêng với lĩnh vực bán lẻ, ngân hàng cho biết sẽ tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mua ôtô; hạn chế cho vay cầm cố giấy tờ có giá...
Tuy nhiên, việc NHNN siết chặt tăng trưởng tín dụng, đặc biệt dự kiến giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống 30% có thể sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng của VCB trong thời gian tới.
Theo Công ty BSC, cổ phiếu VCB đang vận động trên mốc hỗ trợ 63.260đ/cp (tương ứng với Fibonancci 61,2%) và trong vùng hồi phục từ vùng đáy 52.700đ/cp cuối tháng 12/2018. Thanh khoản cổ phiếu trong trạng thái tích cực và đang giữ xu hướng tăng. Chỉ báo RSI vận động trong vùng mua và tiến về vùng quá mua, cho thấy dấu hiệu VCB tiếp tục tăng giá trong các phiên tới. Trong khi đó, các đường MA tiếp tục cho thấy, đà tăng trong ngắn hạn và trung hạn của cổ phiếu VCB được duy trì. "Nếu tiếp tục giữ đà tăng vượt mốc 70.300đ/cp với thanh khoản tiếp tục tăng, VCB có khả năng sẽ tiến vào vùng tích lũy ngắn hạn trước khi bứt phá đỉnh 75.000 đồng/cổ phiếu", BSC nhận định.