DBC có gì đáng chú ý khi chuyển sang sàn HOSE?

Hà Phương 20/07/2019 04:20

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vừa thông báo toàn bộ gần 91,1 triệu cổ phiếu DBC của CTCP Tập đoàn Dabaco (HoSE: DBC) sẽ chính thức chào sàn này vào 26/7 tới.

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Dabaco qua các năm(nguồn HOSE)

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của DBC (nguồn HOSE)

Được biết, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu DBC trên sàn HOSE là 22.160 đồng/cổ phiếu. Tính đến phiên giao dịch ngày 17/7 khi chấm dứt giao dịch trên sàn HNX, giá cổ phiếu DBC giao dịch ở mức 23.700 đồng/cổ phiếu.

Theo báo cáo tài chính quý 1/2019 của DBC, doanh thu quý 1/2019 của DBC tăng 24% so với cùng kỳ, đạt 1.691 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 20 tỷ đồng, giảm mạnh so với 3 quý cuối năm 2018. Năm 2019, DBC đặt mục tiêu 10.401 tỷ đồng doanh thu và 356 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với những gì đạt được trong quý 1, DCB còn cách rất xa chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2019.

Theo các chuyên gia, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi có rào cản gia nhập ngành thấp, do đó DBC phải cạnh tranh với nhiều đối thủ mới, đa dạng và phức tạp, đặc biệt là các công ty nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia. Hiện nay, trên thị trường Việt Nam, một số đối thủ có tỷ trọng đáng kể như Công ty Cổ phần Tập đoàn MaSan, Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN, Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An...

Có thể bạn quan tâm

  • Bước

    Bước "lùi" của DBC

    06:01, 20/03/2018

  • Rủi ro dịch bệnh có thể đẩy Dabaco trở lại khó khăn

    Rủi ro dịch bệnh có thể đẩy Dabaco trở lại khó khăn

    21:56, 17/03/2019

  • Dabaco: Bất động sản sẽ gánh rủi ro cho chăn nuôi?

    Dabaco: Bất động sản sẽ gánh rủi ro cho chăn nuôi?

    07:05, 18/04/2018

  • Giá lợn giảm khiến quý II Dabaco lỗ 33 tỷ đồng

    Giá lợn giảm khiến quý II Dabaco lỗ 33 tỷ đồng

    21:01, 26/07/2017

  • KIDO mua lại 50% công ty chế biến thực phẩm của Dabaco

    KIDO mua lại 50% công ty chế biến thực phẩm của Dabaco

    04:30, 25/06/2017

Số liệu của Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT VN cho thấy Việt Nam hiện có khoảng 218 doanh nghiệp trong và ngoài nước sản xuất thức ăn chăn nuôi với công suất khoảng 28.200 tấn/năm, trong đó có 71 doanh nghiệp FDI và 147 doanh nghiệp Việt Nam.

Công suất sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam chiếm khoảng 30-35% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất ra. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp FDI không ngừng chủ động phát triển hoạt động sản xuất với tham vọng chiếm lĩnh thị trường, chẳng hạn mới đây, Tập đoàn Mavin (liên doanh giữa Australia và Việt Nam) vừa chính thức khánh thành nhà máy thức ăn chăn nuôi Mavin Austfeed Đồng Tháp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam như Masan, Hùng Vương... cũng đang muốn giành lại thị phần bằng việc đầu tư lớn vào ngành này. Đây chính là những thách thức mà DBC phải đối mặt trong thời gian tới.

Về thị trường trứng gà, từ nhiều năm nay tuy đã có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp như: Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, Vfarm, Emivest...., nhưng thị trường sản xuất trứng gà hiện vẫn còn mới mẻ. Đây là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với DBC. Tuy nhiên, với lợi thế đa ngành và đầu tư bền vững, rủi ro về cạnh tranh trong ngành được giảm bớt nhờ DBC có chiến lược dài hơi.

Nhìn chung, rủi ro biến động giá nguyên liệu đầu vào vẫn được xem là một rủi ro lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DBC. Thời tiết biến đổi bất thường và dịch bệnh thường xuyên được xem là những rủi ro  mà các công ty trong ngành chăn nuôi nói chung và DBC nói riêng phải đối mặt. Những đại dịch như dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi… đã khiến cho nhiều doanh nghiệp và người chăn nuôi, trong đó có DCB điêu đứng, khiến doanh thu sụt giảm mạnh trong thời gian qua...

Trước tình hình khó khăn của thị trường và dịch bệnh, ngay từ đầu năm 2019, Ban lãnh đạo DBC đã đặt trọng tâm phải đảm bảo an toàn sinh học cho tất cả các nhà máy, trại giống, trại lợn thịt, gia công... Theo đó, DBC đã và đang chú trọng vào công tác vệ sinh, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 9001, tiêu chuẩn ISO 22000, HACCP, GMP và chương trình thực hành tốt 5S nhằm chủ động kiểm soát và khống chế các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm; đồng thời bảo đảm sản phẩm lợn, gà cung cấp ra thị trường luôn sạch và an toàn vệ sinh thực phẩm…

Được biết trong vòng 1 tháng qua, cổ phiếu DBC đã tăng khoảng gần 8%, với khối lượng giao dịch hơn 84.000 cổ phiếu/phiên.

Mặc dù vẫn còn khó khăn, thách thức, nhưng DBC vẫn còn triển vọng tích cực trong sản xuất kinh doanh. Do đó, khi chuyển sang sàn HOSE, cổ phiếu này có thể vẫn lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư nếu Ban lãnh đạo DBC hóa giải được những thách thức hiện nay. 

Hà Phương