Nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa "chây ì" lên sàn niêm yết
Sau cổ phần hóa, nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường.
Ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, theo rà soát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến hết quý 2/2019, vẫn còn 622 doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã tiếp tục rà soát, bổ sung 158 doanh nghiệp vào danh sách các doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Như vậy, đến nay còn 780 doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao IPH gây “sốc” trên sàn chứng khoán?
05:00, 30/06/2019
EVFTA sẽ tác động ra sao tới doanh nghiệp trên sàn chứng khoán?
04:28, 29/06/2019
HomeLand Group sẽ lên sàn chứng khoán vào quý IV/2019
07:49, 13/05/2019
CEO Hồ Quỳnh Hưng: Nằm trong danh sách người giàu nhất trên sàn chứng khoán
02:31, 23/01/2019
Theo ông Tiến, kết quả công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên. Tuy nhiên, đến nay nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường.
"Việc chậm trễ này cũng làm ảnh hưởng tới quá trình đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán; đồng thời hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này” – ông Tiến nhấn mạnh.
Trong tháng 8, Ủy ban chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục rà soát để công bố danh sách doanh nghiệp chậm niêm yết và tiếp tục xử phạt nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định; đồng thời cũng sẽ gắn liền với trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp trong việc đôn đốc, chỉ đạo.
Để thúc đẩy các doanh nghiệp đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, ông Tiến cho rằng, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật. "Nếu cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo sát sao thì việc đăng ký niêm yết sẽ đạt kết quả tốt. Việc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán đảm bảo tính minh bạch, đảm bảo thanh khoản, thực hiện theo chế độ báo cáo thường niên có sự giám sát của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, nên việc hút vốn sẽ hiệu quả hơn” – ông Tiến cho hay.
Theo công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì năm 2019 cổ phần hóa 18 doanh nghiệp. Tính đến hết tháng 7, có 06 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tuy nhiên trong đó chỉ có 01 doanh nghiệp thuộc danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN. Lũy kế đến nay, có 35/127 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục phải cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN. Số lượng doanh nghiệp còn phải cổ phần hóa là 92/127 doanh nghiệp, chiếm 72% kế hoạch.