Động lực tăng giá cổ phiếu DGW đến từ đâu?
Theo các chuyên gia tài chính, mã cổ phiếu DGW của CTCP Thế giới số đang có mức định giá hấp dẫn trong ngắn hạn và trung hạn.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, DGW ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.378 tỷ đồng, tăng trưởng 27,9% và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 61 tỷ đồng, tăng trưởng 45,9% so với cùng kỳ năm 2018.
DGW ghi nhận tăng trưởng doanh thu tích cực ở hầu hết các nhóm ngành trong nửa đầu năm nay nhờ các hợp đồng ký kết với các nhãn hàng mới như Nestlé, Nokia trong 2018. Bên cạnh đó, công ty cũng được hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi số và số lượng các doanh nghiệp FDI tăng nhanh chóng.
Mảng máy tính xách tay (MTXT) và máy tính bảng (MTB) tăng trưởng 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái; mảng điện thoại di động (ĐTDĐ) tăng trưởng 28,8%; mảng thiết bị văn phòng tăng trưởng 21,7% và mảng hàng tiêu dùng – sức khỏe tăng trưởng mạnh 169,8%.
Năm 2019, DGW đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 7.150 tỷ đồng và 137 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 19% và 24.5% so với năm 2018. Như vậy, DGW đã hoàn thành hơn 47% kế hoạch doanh thu và 44,5% kế hoạch lợi nhuận.
DGW đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong 5 năm tới lần lượt ở mức 15,7% và 22,1%. Trong đó, doanh thu của mảng MTXT & MTB, ĐTDĐ và thiết bị văn phòng sẽ tăng trưởng lần lượt với mức 4%, 10% và 25%. Còn đối với mảng hàng tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe, tăng trưởng doanh thu dự kiến sẽ ở mức 98%/năm.
Có thể bạn quan tâm
DGW chưa thoát xu hướng tích lũy ngắn hạn
07:30, 04/05/2019
Đổi mới mô hình kinh doanh có giúp DGW bứt phá mạnh mẽ?
14:50, 05/12/2017
DGW thử “thuốc” mới
16:55, 11/10/2017
Hiện DGW đang đối mặt với một số rủi ro. Thứ nhất, thị trường phân phối, bán lẻ hàng công nghệ điện tử đang dần tiến tới bão hòa. Thứ hai, rủi ro pha loãng cổ phiếu khi công ty dự kiến sẽ phát hành trái phiếu kèm chứng quyền với số cổ phiếu phát hành thêm tối đa là 7,5 triệu cổ phiếu. Thứ ba, ngoài hợp đồng với Xiaomi là phân phối độc quyền thì mối quan hệ hợp tác giữa DGW với Nokia, Nestle, PNKids… đều chỉ dừng lại ở mức phân phối chiến lược. Khi sản phẩm thâm nhập được thị trường đến một mức độ nhất định, nhà sản xuất sẽ có xu hướng nâng số nhà phân phối lên, điều này khiến lợi ích của DGW sẽ bị giảm thiểu đáng kể.
Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc nghiên cứu và phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, mức Stock Rating của DGW ở mức 82 điểm, cho thấy cổ phiếu này đang trong chu kỳ tăng trưởng bền vững.
“Trong ngắn hạn, đồ thị giá đã vượt mức kháng cự 24.500đ/cp với khối lượng giao dịch tăng đột biến trên mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và xu hướng ngắn hạn cũng được nâng từ mức giảm lên tăng. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở vùng giá hiện tại”, ông Minh cho biết.
Trong khi theo BVSC, giá trị hợp lý của cổ phiếu DGW bằng phương pháp so sánh ngang với hai chỉ số P/E và P/S với tỷ trọng như nhau. Trong đó, áp dụng mức P/E và P/S 2019 mục tiêu lần lượt là 8,2 lần và 0,16 lần để xác định giá cổ phiếu mục tiêu. Theo đó, giá mục tiêu năm 2019 đối với cổ phiếu này là 28.700 đồng/ cổ phần, ứng với tiềm năng tăng giá là 22% và mức P/E 2019 hợp lý là 8,0 lần.