Chỉ số mới mở đường cho quỹ mới gọi vốn
Hồ sơ xin cấp phép chào bán quỹ ETF mới như Quỹ VN100, Quỹ VNSI, Quỹ dựa trên chỉ số ngành tài chính – Vietnam Financial Leading Index đang được hoàn thiện và gửi đến cơ quan quản lý.
Dự kiến, trong nửa đầu năm 2020, trên thị trường sẽ có 2 - 3 quỹ ETF mới ra đời.
Thiếu các chỉ số cho mục đích đầu tư
Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) cho rằng, cơ hội phát triển của ngành quản lý quỹ Việt Nam là rất lớn, do tỷ lệ dân số đầu tư vào chứng khoán đang ở mức rất thấp (dưới 1% dân số có tài khoản chứng khoán ở trạng thái hoạt động). Nhà đầu tư Việt Nam vẫn chủ yếu quan tâm đến các kênh đầu tư được đánh giá là an toàn, hoặc đem lại lợi nhuận tốt hơn như gửi tiết kiệm, mua trái phiếu hay đầu tư bất động sản.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường chứng khoán cuối năm đối mặt thiếu thanh khoản
03:01, 30/11/2019
Thị trường chứng khoán tăng điểm trở lại?
11:02, 28/11/2019
Cần lộ trình nâng chuẩn quốc tế cho thị trường chứng khoán Việt Nam
22:00, 26/11/2019
Lãi suất tác động đa chiều đến thị trường chứng khoán
11:01, 22/11/2019
Chứng khoán được lợi gì khi NHNN giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn?
04:00, 20/11/2019
Hiện thị trường có nhiều chỉ số, nhưng đây là các chỉ số thị trường chung, nên chưa thể dùng làm chỉ số tham chiếu cho phát triển các quỹ ETF ngay nếu không được thiết kế lại. Trong khi đó, việc thiết kế lại khá mất thời gian.
Ông Nguyễn Minh Hạnh, Giám đốc điều hành quỹ ETF, SSIAM |
Điều này thể hiện qua tỷ lệ tiền gửi từ các khách hàng cá nhân tại các ngân hàng rất lớn, cũng như sức hút mạnh của trái phiếu doanh nghiệp từ nửa cuối năm 2018 đến nay. Bên cạnh đó, yếu tố không chắc chắn trên thị trường đầu tư cổ phiếu, cũng như tâm lý ngại rủi ro ngăn cản hầu hết các nhà đầu tư có tuổi tìm hiểu và đầu tư vào thị trường này. Đối với khối nhà đầu tư ngoại, họ khá lạc quan về triển vọng Việt Nam trong thời gian tới. Nhiều quỹ lớn tham gia vào thị trường và dòng tiền đầu tư vào Việt Nam khá chủ động, nhưng thanh khoản thấp làm cho họ e ngại. Nền kinh tế Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển, nhưng thị trường chứng khoán lại kém tích cực cũng là yếu tố ngăn cản họ phân bổ nhiều vào Việt Nam. Cùng với đó, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thị trường chứng khoán cận biên nên việc phân bổ vốn đầu tư vào Việt Nam bị hạn chế.
Dư địa phát triển của ngành quỹ còn rộng lớn là vậy, nhưng phần nhiều vẫn nằm ở dạng tiềm năng do các loại hình quỹ đầu tư hiện tại còn kém đa dạng, các sản phẩm na ná nhau: các quỹ đầu tư cổ phiếu, trái phiếu…, trong khi nhà đầu tư trong và ngoài nước đang mong thị trường có thêm những quỹ đầu tư mới. Thực tế phát triển của thị trường đang cho thấy, nhà đầu tư đang có nhu cầu đầu tư nhiều hơn vào quỹ ETF. Thế nhưng, các chỉ số hiện nay đa phần chỉ mang tính cung cấp thông tin về thị trường, rất ít chỉ số đáp ứng chuẩn mực của một chỉ số làm cơ sở cho phát triển, xây dựng các quỹ đầu tư ETF...
Hiện nay, TTCK Việt Nam mới có 2 chỉ số được sử dụng cho phát triển các quỹ ETF là VN30 được sử dụng làm chỉ số tham chiếu cho Quỹ ETF VFMVN30, do CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) quản lý; chỉ số VNX50 được SSIAM sử dụng cho phát triển Quỹ ETF SSIAM-VNX50… “Các chỉ số đáp ứng được tiêu chuẩn cho phát triển các quỹ ETF tại Việt Nam hiện quá ít, nên không đáp ứng được nhu cầu của các nhà lập quỹ là các công ty quản lý quỹ, cũng như nhà đầu tư. Bởi vậy, thị trường trông đợi sở giao dịch chứng khoán sẽ sớm đưa các bộ chỉ số đang được xây dựng cho mục tiêu đáp ứng chuẩn mực của một chỉ số đầu tư vào hoạt động. Từ đó, mở đường cho hình thành thêm các quỹ ETF nội địa trong tương lai gần…”, phó tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ nói.
Năm 2020, có thêm 2 - 3 quỹ ETF
Để khắc phục “điểm nghẽn” trên, đáp ứng nhu cầu của thị trường, điểm mấu chốt là các sở giao dịch chứng khoán cần sớm xây dựng và cho ra mắt các chỉ số nhắm đến mục tiêu đầu tư. Theo ý kiến của SSIAM, các đơn vị xây dựng chỉ số có thể nghiên cứu thiết kế các chỉ số có thể đầu tư ngay, sẵn sàng để các công ty quản lý quỹ sử dụng khi có nhu cầu.
Hiện nay, trên thế giới, các chỉ số đầu tư rất đa dạng, từ các chỉ số thị trường chung, chỉ số ngành, chỉ số theo tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG), chỉ số các cổ phiếu thuộc nhóm công ty giá trị, chỉ số cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức cao… rất tiện dụng cho nhà đầu tư. Mặt khác, một số sản phẩm phái sinh trên các chỉ số chứng khoán phổ biến ở các thị trường phát triển hiện chưa thể phát triển ở Việt Nam, do chưa có hành lang pháp lý. Việc nghiên cứu và đưa ra hành lang pháp lý là cần thiết để thị trường có nhiều sản phẩm mới hơn.
Thực tế cả Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đang nỗ lực xây dựng một số bộ chỉ số mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển các quỹ mới của thị trường. Trong đó, đáng chú ý là HOSE đã phát triển các bộ chỉ số như: Vietnam Diamond Index, Vietnam Leading Financial Index và Vietnam Select Sector Index, mang lại kỳ vọng thị trường sẽ có thêm các chỉ số tốt, trên cơ sở đó phát triển nhiều sản phẩm, trong đó có các quỹ ETF mới...
Có thêm các bộ chỉ số thị trường là tốt, nhưng như thế là chưa đủ, mà điều quan trọng là cần nâng cao nhận thức cho các nhà đầu tư. Thị trường quỹ đầu tư tại Việt Nam hiện còn rất non trẻ, với quy mô mới chỉ hơn 1 tỷ USD, so với hàng trăm tỷ USD của các nước trong khu vực. Trên thế giới, đặc biệt là tại các trung tâm tài chính như Mỹ, châu Âu, Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản…, các nhà đầu tư tham gia giao dịch chứng khoán thông qua các quỹ đầu tư chiếm đến khoảng trên 80% giá trị giao dịch toàn thị trường, trong khi đó tỷ lệ này tại Việt Nam còn rất thấp. Thị trường cũng đang rất cần các cơ chế, chính sách ưu đãi, nhất là về thuế đối với các quỹ và nhà đầu tư cá nhân để thúc đẩy sự phát triển của ngành. Khung pháp lý cần mở đường cho sự ra đời các loại hình sản phẩm quỹ mới phù hợp với nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư như: quỹ đầu tư tiền tệ (money market fund), quỹ đầu tư thanh khoản (liquid fund) Ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị , Công ty Chứng khoán Kỹ thương |
Được biết, 3 chỉ số trên được HOSE phát triển dựa trên “đơn đặt hàng” của VFM, đơn vị đang rất thành công trong vận hành quỹ ETF nội địa (quy mô trên 6.000 tỷ đồng). Điều đó có nghĩa là các chỉ số này ngay từ khi lên ý tưởng thiết kế, cho đến các bước triển khai đã có mục đích rõ ràng là phục vụ cho đầu tư, chứ không phải cung cấp thông tin về thị trường. Do đó, đại diện VFM hy vọng, ngay khi các chỉ số trên được HOSE đưa vào vận hành, VFM bắt tay ngay vào sử dụng các chỉ số này cho xây dựng quỹ ETF mới, nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Với bước chuyển động như trên, ý kiến từ Vụ Quản lý quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay, năm 2020 là một năm hứa hẹn cho sự tăng trưởng về cả số lượng và quy mô tài sản của các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam. Đặc biệt, loại hình quỹ ETF tuy đến năm 2019 mới có sự tăng trưởng về quy mô (gấp 22 lần so với NAV thời điểm thành lập), nhưng năm 2020 hứa hẹn có sự phát triển về số lượng khi có sự tham gia tích cực của các công ty quản lý quỹ đối với loại hình quỹ này.
Thông tin từ nhà quản lý cho biết, hiện tại, đã có các hồ sơ xin cấp phép chào bán quỹ ETF mới: Quỹ dựa trên chỉ số VN100, Quỹ dựa trên chỉ số phát triển bền vững - VNSI, Quỹ dựa trên chỉ số ngành tài chính – Vietnam Financial Leading Index. Dự kiến nửa đầu năm 2020, trên thị trường sẽ có 2 - 3 quỹ ETF mới ra đời. Với sự đa dạng của các chỉ số được xây dựng, loại hình quỹ ETF kỳ vọng sẽ thu hút được sự tham gia của công chúng nhà đầu tư, tạo nên sự phát triển mới cả về lượng và chất cho loại hình quỹ này, phù hợp theo xu hướng thế giới.