VNM chuyển hướng chiến lược

Lê Mỹ 07/12/2019 04:00

CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE: VNM) đang tập trung vào 2 chiến lược cốt lõi để vượt qua khó khăn chung của thị trường.

Dù thị trường chung khó khăn, nhưng nền tảng và chiến lược hoạt động của VNM thực tế vẫn đang dẫn đầu trong nền kinh tế Việt Nam.

p/Kết quả kinh doanh của Vinamilk qua các năm

Kết quả kinh doanh của Vinamilk qua các năm

Chuyển mình trong khó khăn

Thông tin Dean Foods- doanh nghiệp bò sữa lớn ở Mỹ, nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên tòa án ở Houston, bang Texas, dù chẳng liên quan đến VNM, nhưng khiến cổ đông và nhà đầu tư VNM không khỏi đặt câu hỏi về tương lai của doanh nghiệp này. Sở dĩ như vậy là bởi người ta quan ngại về sự suy thoái của mảng sữa bò truyền thống khi người tiêu dùng thay đổi thói quen sử dụng sữa.

Nhưng trước hết phải nói rằng, việc chuyển nhu cầu tiêu dùng từ sữa bò truyền thống là điều đã được cảnh báo từ nhiều năm trước. Còn nhớ lãnh đạo của một quỹ đầu tư khi công bố quyết định đầu tư khủng vào một doanh nghiệp sữa Việt Nam, đã thổ lộ rằng tương lai của một doanh nghiệp sữa không chỉ phụ thuộc vào đàn bò, mà còn phụ thuộc vào cách họ sáng tạo ra các sản phẩm có gốc chế biến cùng sữa – đặc biệt là các dòng sữa uống thay thế giải khát có hàm lượng dinh dưỡng cao như sữa chua, sữa hạt…

8.377 tỷ đồng là tổng lợi nhuận sau thuế của VNM trong 9 tháng đầu 2019, tăng hơn 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xác định hướng đi và đón đầu xu hướng là một chuyện, vận hành doanh nghiệp phát huy nền tảng ra sao để không chỉ giữ được vị thế mà còn phát triển tốt hơn trong ngày mai, là một chuyện khác. Ở vị thế của doanh nghiệp đầu ngành sữa, có vẻ VNM đang kiểm soát mọi việc.

Thực tế, từ năm 2017, VNM đã đối mặt với tình trạng doanh thu ngành sữa tăng trưởng âm. Và sự suy giảm này kéo dài từ quý IV/2018 đến quý II/2019 mới có sự khắc phục trở lại.

Cuối 2018, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc VNM nhận định rằng, sự sụt giảm của ngành sữa là ngắn hạn và dự kiến ngành sữa Việt nam vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng bền vững trong dài hạn. “Nếu vượt qua các khó khăn chung của thị trường, VNM sẽ có bước phát triển mới. Theo đó, VNM vẫn dẫn đầu ngành”, Bà Mai Kiểu Liên nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Thêm cổ đông lớn VNM, GTN có hấp dẫn?

    Thêm cổ đông lớn VNM, GTN có hấp dẫn?

    10:19, 29/08/2019

  • “Thâu tóm” thành công 38% vốn, VNM nắm quyền phủ quyết tại GTN

    “Thâu tóm” thành công 38% vốn, VNM nắm quyền phủ quyết tại GTN

    00:00, 06/06/2019

  • F&N Dairy lại đăng ký mua hơn 17,4 triệu cp VNM sau nhiều lần mua không thành

    F&N Dairy lại đăng ký mua hơn 17,4 triệu cp VNM sau nhiều lần mua không thành

    18:40, 17/10/2018

  • Sữa tươi của Vinamilk đã trở nên quen thuộc với người dân Singapore

    Sữa tươi của Vinamilk đã trở nên quen thuộc với người dân Singapore

    19:56, 03/12/2019

  • Vinamilk nhận giải thưởng Doanh nghiệp Xuất khẩu của Châu Á 2019

    Vinamilk nhận giải thưởng Doanh nghiệp Xuất khẩu của Châu Á 2019

    11:31, 02/12/2019

Hai chiến lược

Để vượt qua khó khăn chung của thị trường, VNM đã có nhiều giải pháp kỹ thuật bao gồm cả đầu tư tung sản phẩm mới, phân khúc cao cấp, đầu tư cho quảng cáo tiếp thị nhằm thúc đẩy doanh thu. Nhờ đó, dòng sữa ngọt đã chảy về trong 3 quý đầu năm nay. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm nay, VNM đạt doanh thu thuần hơn 42.079 tỷ đồng, tăng 6,37% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 8.378 tỷ đồng, tăng 5,77% so cùng kỳ và đã hoàn thành 79,94% kế hoạch năm.

Hai trong số các nỗ lực của VNM được giới chuyên môn đánh giá cao là bước đi đáng kể để thay đổi cục diện bị động, thành chủ động cho tương lai:

Thứ nhất, VNM tiếp tục đầu tư nguồn nguyên liệu đầu vào cho chế biến sữa song song với các trang trại nuôi bò sữa organic mà VNM tiên phong đầu tư. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có thương vụ đầu tư qua M&A vào GTN Foods – đơn vị sở hữu thương hiệu bò sữa Mộc Châu- để tạo sức mạnh “bó đũa”. Đây là chiến lược phòng thủ vô cùng cần thiết và cũng là tạo lập nền tảng lớn hơn nữa cho VNM trong bối cảnh cuộc đua sữa ngoại- nội ngày càng khốc liệt.

Thứ hai, VNM đã xác định đích nhắm thị trường Trung Quốc. Cần phải lưu ý rằng trước khi bắt đầu xuất khẩu sang Trung Quốc, VNM đã xuất khẩu đi 40 thị trường quốc tế. Tuy nhiên, đến thời điểm này và trước xu hướng thay đổi lựa chọn tiêu dùng sữa bắt đầu từ Mỹ - có thể lan sang Âu – và mới đến Á, thì Trung Quốc sẽ là thị trường chiến lược của VNM. Không chỉ với VNM, mà bất kỳ doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nào trên toàn cầu, việc khai phá được một phần thị trường 1,4 tỷ dân đều là một khát vọng, một thành công lớn.

SSI Reseach đánh giá, VNM đã và đang thực hiện cao cấp hóa danh mục sản phẩm và phát triển các sản phẩm hữu cơ. Và chỉ cần thực hiện khai phá được một phần thị trường Trung Quốc, thì VNM đã hoàn toàn chắc chân trong hành trình kích thích lợi nhuận tăng trưởng lên 2 con số.

Cuộc đua đến Trung Quốc

So với thị trường Trung Quốc, thị trường sữa Việt Nam còn nhỏ bé. Do đó, không chỉ Vinamilk, mà nhiều tập đoàn sữa Việt Nam đã tiến bước vào thị trường Trung Quốc.

Trong đó, Tập đoàn TH đã có mặt tại Hội chợ nhập khẩu quốc lớn nhất Trung Quốc nhằm xúc tiến thương mại và giới thiệu sản phẩm sữa tươi/sữa chua vào Trung Quốc, và có những cơ sở vững chắc để phân phối sản phẩm sữa chế biến từ sữa tươi mang thương hiệu TH true MILK tới các vùng trọng điểm của quốc gia này.

Được biết, TH đã có chi nhánh thực hiện việc phân phối sản phẩm tại Quảng Châu, trong đó hợp tác với các chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn như C- Store (chuỗi 420 cửa hàng); Circle -K (chuỗi 76 cửa hàng). Cùng với đó, TH đã xây dựng hệ thống nhà phân phối ở Thâm Quyến, Quảng Tây và Hong Kong. TH còn đặt mục tiêu mở rộng ở Bắc Kinh và Thượng Hải.

Trong khi đó, Vinamilk triển khai bán hàng vào các siêu thị lớn ở tỉnh Hồ Nam và tỉnh Vũ Hán; đồng thời phát triển gian hàng riêng trên kênh thương mại điện tử như Tmall (Alibaba), hợp tác trang thương mại điện tử như Daily Fresh và Lucky and Fresh. Đây là một hướng đi khôn ngoan của Vinamilk trong bối cảnh thị trường Trung Quốc vừa hấp dẫn, vừa là đấu trường cạnh tranh khốc liệt.

Các chuyên gia cho rằng, nếu các doanh nghiệp không chủ động xây dựng phân phối thương mại qua Ecommecer, thì sẽ là bước lùi để các doanh nghiệp khác “qua mặt” do thói quen mua sắm, thanh toán và thương mại điện tử ở Trung Quốc đã phủ sóng đến hầu hết người tiêu dùng.

Lê Mỹ