Nhiều công ty quản lý quỹ lọt "tầm ngắm" tái cấu trúc năm 2020
Theo ông Phạm Hồng Sơn- Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), trong năm 2020 sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc các công ty quản lý quỹ kinh doanh thua lỗ...
UBCK cho biết, trong năm 2019 hoạt động của các công ty quản lý quỹ tương đối ổn định và có hiệu quả. Tổng giá trị tài sản quản lý tại các công ty này hơn 312 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với thời điểm năm 2016 và tăng khoảng 20% so với cuối năm 2018. Trong năm 2019, UBCK đã cấp phép thành lập 08 Quỹ đầu tư chứng khoán, 04 Văn phòng đại diện Công ty Quản lý Quỹ nước ngoài. Như vậy tính đến nay, tổng số quỹ được cấp phép lên tới 47 Quỹ. Cùng với sự phát triển về số lượng, tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của các Quỹ tăng 34 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 50% so với thời điểm năm 2018).
Tuy nhiên, trong số 47 công ty quản lý quỹ đang hoạt động tại TTCK Việt Nam, chỉ có hơn 10 công ty có lãi và đang gia tăng sức ảnh hưởng về cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên thị trường. Phần lớn các công ty còn lại là những công ty nhỏ, làm ăn thua lỗ… Theo đánh giá của các chuyên gia, các công ty quản lý quỹ được kỳ vọng là nơi sinh ra các quỹ đầu tư chuyên nghiệp trong nước nhưng không dễ dàng có thể trụ lại với nghề trên TTCK Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Sẽ xử lý công ty quản lý quỹ mù mờ thông tin
10:08, 22/08/2019
Công ty Quản lý Quỹ Lotus Capital ra mắt Ban lãnh đạo
13:40, 11/12/2018
Công ty quản lý quỹ của Nhật mua 20% cổ phần Bibo Mart
15:54, 23/05/2017
Cụ thể, trong khi một số công ty đã thành công trong gọi vốn thành lập khá nhiều quỹ đầu tư như: Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM), Công ty cổ phần Quản lý quỹ MB (MB Capital), Công ty cổ phần Quản lý quỹ Kỹ thương (Techcom Capital), Công ty liên doanh Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF)…thì không ít công ty sau nhiền năm hoạt động vẫn "lỗ chồng lỗ"… Đó là Công ty cổ phần Quản lý quỹ AIC (AFM), Công ty cổ phần Quản lý quỹ Bông Sen (Lotus Capital), Công ty cổ phần Quản lý quỹ Việt Tín (VTCC)…
Ngoài ra, nhiều công ty hiện không có quỹ cũng đang có lỗ lũy kế như: Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Phương Đông (OMC), Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư SGI (SGIC), Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Thái Dương (Thai Duong Capital)… Đáng chú ý, trong số này có công ty ghi nhận mức lỗ lũy kế vượt quá 50% vốn đầu tư của chủ sở hữu như Lotus Capital, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Trí Tuệ Việt Nam (IVAM)…
Không chỉ những công ty quản lý quỹ nhỏ gặp khó khăn trong huy động vốn để lập quỹ đầu tư, mà ngay cả những công ty đã từng thành công trong huy động vốn thành lập một số quỹ, hiện không quản lý bất kỳ quỹ đầu tư nào như Công ty liên doanh Quản lý đầu tư BIDV - Vietnam Partners... Ðây là công ty có tỷ lệ vốn góp 50:50 của BIDV và Công ty TNHH Vietnam Partners (là ngân hàng đầu tư của Mỹ), từng thành công trong gọi vốn để thành lập hai quỹ là Quỹ đầu tư Việt Nam (VIF) và Quỹ đầu tư Việt Nam II (VIF II).
Công tác tái cấu trúc các công ty quản lý quỹ trong thời gian qua đã được UBCK thực hiện tương đối sát sao. Theo đó, UBCK đã giải thể và đình chỉ hoạt động tổng cộng 4 công ty quản lý quỹ.
Để tiếp tục tái cấu trúc các công ty quản lý quỹ, UBCK đã hạn chế cấp phép thành lập mới các công ty quản lý quỹ, đồng thời bổ sung một số quy định mới đảm bảo các tổ chức trung gian thị trường hoạt động ổn định và hiệu quả, từng bước tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế, góp phần duy trì sự phát triển bền vững và an toàn của TTCK. "Đây sẽ là những bước tiếp theo trong năm 2020 nhằm tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán, trong đó có các công ty quản lý quỹ", ông Phạm Hồng Sơn nhấn mạnh.