Tiềm năng tăng giá cổ phiếu TDM còn lớn?

Diễm Ngọc 15/01/2020 04:00

Sau khi tăng lên mức 32.000đ/cp, giá cổ phiếu TDM của CTCP Nước Thủ Dầu Một (HoSE: TDM) đã điều chỉnh xuống vùng 23.000- 25.000đ/cp.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/1, cổ phiếu TDM đóng cửa ở mức 25.300đ/cp, giảm 1,17%

Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/1, cổ phiếu TDM đóng cửa ở mức 25.300đ/cp, giảm 1,17%

Hoạt động chính của TDM là sản xuất nước sạch, chiếm 97,3% doanh thu 2018, thông qua kênh phân phối bán sỉ cho CTCP Nước Môi trường Bình Dương (BWE- doanh nghiệp độc quyền trong việc phân phối mạng lưới nước sạch cho tỉnh Bình Dương). Ngoài ra, TDM còn cung cấp trang thiết bị xử lý nước và các hoạt động khác, chiếm 2,7% doanh thu 2018.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2019, doanh thu thuần của TDM đạt 88,6 tỷ đồng, tăng 23,1% và lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 42,8 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận sau thuế tăng nhanh hơn doanh thu là do đóng góp từ doanh thu hoạt động tài chính chuyển nhượng chứng khoán 9,6 tỷ đồng, gấp 24 lần so với cùng kỳ 2018 và tiết giảm 3 tỷ lãi vay.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của TDM đạt 253,1 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 113,5 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 69,4% và 51,3% kế hoạch năm 2019. 

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Nội sẽ chỉ có một tiêu chuẩn nước sạch

    Hà Nội sẽ chỉ có một tiêu chuẩn nước sạch

    13:21, 04/12/2019

  • Nước sạch bao giờ về nông thôn?

    Nước sạch bao giờ về nông thôn?

    05:00, 28/09/2019

Theo BVSC, LNST năm 2019 của TDM có thể thấp hơn so với dự báo do TDM thực hiện thay đổi chính sách kế toán, làm giảm mạnh thời gian khấu hao của các tài sản chính. Điều này làm cho chi phí khấu hao tăng thêm 45 tỷ đồng dẫn tới LNST 2019 của TDM chỉ đạt khoảng 191,5 tỷ đồng, tương ứng với mức EPS là 1.720 VND/cp.

Ban lãnh đạo TDM cho biết, dự án nhà máy nước Dĩ An giai đoạn 3 nâng công suất thiết kế lên 200.000 m3 /ngày đêm, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 1/2020. Nhà máy mở rộng Dĩ An vận hành thương mại sẽ giúp giải tỏa công suất đang bị quá tải ở nhà máy hiện tại, cũng như thúc đẩy tăng trưởng của TDM trong những năm tới. 

Trong khi đó, nhà máy nước sạch Bàu Bàng có tổng công suất 60.000 m3/ngày đêm; ở giai đoạn 1, công ty xây dựng 30.000m3/ngày đêm và đã đi vào hoạt động. Từ khi đưa vào vận hành, nhà máy Bàu Bàng đã có tốc độ tăng trưởng sản lượng rất mạnh với mức tăng năm 2018 và 9 tháng 2019 lần lượt là 247% và 80%.

Tuy nhiên, TDM cũng phải đối mặt với một số rủi ro khách quan, trong đó tình trạng biến đổi khí hậu, quá trình công nghiệp hóa tạo nguy cơ làm gia tăng ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến nguồn nước đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất nước sạch nói chung và TDM nói riêng. Ngoài ra, chất lượng nguồn nước từ sông, hồ,… chịu ảnh hưởng bởi nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt của dân cư xung quanh khu vực sông.

Về thách thức chủ quan, giá bán nước sạch của TDM hiện do UBND tỉnh Bình Dương quy định và chỉ được điều chỉnh sau khi được nhiều cấp thẩm quyền phê duyệt, làm giảm tính linh hoạt trong cơ chế giá bán đầu ra, trong khi giá nguyên liệu đầu vào chịu sự biến động liên tục.

Ông Nguyễn Thanh Hoà, chuyên viên phân tích của BVSC cho biết, TDM có thể tiếp tục tăng trưởng tích cực trong vài năm tới, nhờ đầu tư thêm nhà máy nước sạch mới, cũng như nhu cầu nước sạch tăng ở Bình Dương. Theo đó, lợi nhuận năm 2020 của TDM có thể đạt 236 tỷ đồng, tương ứng với mức EPS là 2.119/cp.

BVSC sử dụng hai phương pháp định giá cổ phiếu TDM là FCFF để xác định mức giá nội tại cổ phiếu và phương pháp so sánh P/E để xác định mức giá mục tiêu ngắn hạn. Theo đó, giá cổ phiếu TDM ở mức 38.000đ/cp theo phương pháp FCFF và 30.800đ/cp theo phương pháp P/E.

"Các nhà đầu tư nên theo dõi đối với cổ phiếu TDM ở mức giá mục tiêu trong một năm là 30.800đ/cp, tiềm năng tăng giá 21,7% so với mức giá đóng cửa ngày 13/01/2020 là 25.300đ/cp”, ông Hoà khuyến nghị.

Diễm Ngọc