Tết “ấm no” với cổ phiếu BID
Cổ phiếu BID của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã bật tăng mạnh vào những ngày đầu năm 2020, giúp nhiều nhà đầu tư đón xuân Canh Tý thực sự "ấm no".
Trong những ngày đầu năm 2020, các nhà đầu tư đã có nhiều phen chứng kiến sự leo dốc ngoạn mục của cổ phiếu BID. Từ mức giá bán chốt cho nhà đầu tư chiến lược (KEB Hana Bank) ở mức 33.000đ/cp những ngày đầu năm 2020 thì cổ phiếu BID đã cán mốc 54.000đ/cp với thanh khoản cao nhất dòng ngân hàng.
Anh Nguyễn Duy Phương- Nhà đầu tư sàn VPBS chia sẻ: "Thực sự quá ấm luôn, tôi mua cổ phiếu BID ở vùng giá 43.000 đồng/cp với tổng giá trị 430 triệu đồng/10.000 cổ phiếu. Trong vòng chưa đầy 1 tháng, dù thị trường lên xuống thất thường, nhưng cổ phiếu BID vẫn "khoẻ". Đến nay, giá cổ phiếu BID đã cán mốc 54.000 đồng/cp. Cổ phiếu BID đã giúp tôi có đón xuân Canh Tý thực sự ấm no".
Theo nhiều chuyên gia, dù chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, rồi nền kinh tế có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng các ngân hàng vẫn “ăn lên làm ra”, đặc biệt là các ngân hàng có lịch sử hình thành lâu đời ở Việt Nam. Phải nói rằng trong top “Big 4”, BIDV là một trong những ngân hàng thương mại với quy mô tổng tài sản đạt 1.425 nghìn tỷ đồng. Mạng lưới giao dịch của BIDV gồm 189 chi nhánh, 871 phòng giao dịch ở Việt Nam và 1 chi nhánh ở Yangon, Myanmar. Cho đến thời điểm này, dù chưa công bố đầy đủ nhưng lợi nhuận trước thuế của BIDV đã cán mốc gần 11 ngàn tỷ đồng. Điều này đã giúp cổ phiếu BID bứt phá ngoạn mục, không chỉ đem lại giá trị gia tăng cho các nhà đầu tư chiến lược, mà cả những nhà đầu tư cá nhân.
Có thể bạn quan tâm
BIDV hoàn thành hai dự án quản lý rủi ro và quản lý nguồn vốn
07:39, 18/01/2020
BIDV được công nhận đạt chuẩn Basel II trước thời hạn
16:32, 11/12/2019
Chỉ số tiếp cận tín dụng tăng nhìn từ BIDV
10:15, 06/12/2019
BIDV hướng tới dòng vốn tín dụng xanh
14:33, 29/11/2019
Sau thương vụ phát hành chiến lược cho KEB Hana Bank vào tháng 10 năm 2019 và nâng vốn điều lệ lên 40 nghìn tỷ đồng, BIDV đã trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong số các ngân hàng ở Việt Nam. Theo đó, hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel 1 tăng lên 10,5% và CAR theo Basel 2 tăng lên trên 9%. Sau thương vụ này, BIDV tiếp tục có kế hoạch phát hành thêm khoảng 10% vốn điều lệ nhằm đưa tỉ lệ sỡ hữu Nhà nước xuống mức 65% ngay từ năm 2020.
Có thể nói, thương vụ phát hành chiến lược giúp cải thiện nền tảng cơ bản và làm các nhà đầu tư tin vào triển vọng của BIDV. NIM của ngân hàng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2020 nhờ vào tăng trưởng tín dụng, dự đoán đạt 13%/năm do ngân hàng sẽ ít phải phụ thuộc hơn vào việc huy động thông qua tiền gửi và trái phiếu kỳ hạn dài. Mặt khác, năng lực cạnh tranh của BIDV trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, khu vực SME, FDI và ngân hàng số là những điểm nhấn trong năm 2020. Đặc biệt, nhờ đối tác ngoại, việc quản lí chất lượng tài sản của ngân hàng cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện mạnh mẽ.
Trong báo cáo công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng ưu tiên hiện tại của BIDV chính là làm sạch bảng cân đối kế toán. Quá trình xử lý nợ ở VAMC cũng có tiến triển tốt. BIDV có thể tiếp tục trích một phần dự phòng để tất toán hết nợ ở VAMC trong nửa đầu năm 2020.
"BIDV sẽ có nhiều tiềm năng tăng trưởng mạnh sau thương vụ phát hành cho đối tác chiến lược Keb Hana Bank và sau khi xử lý hết nợ ở VAMC. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm ở mức 30% trong giai đoạn 2019-2022 và ROE sẽ tiệm cận mức 18% trong ba năm tới", VDSC nhận định.
Với triển vọng tích cực như trên, nhiều khả năng trong năm 2020, cổ phiếu BID sẽ tiếp tục bứt phá lập các đỉnh cao mới như cổ phiếu VCB trong năm 2019. Do đó, nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục “găm hàng” đợi chờ những cú bứt tốc của BID trong năm 2020.