Cổ phiếu CTR chưa thoát tích lũy ngắn hạn

Diễm Ngọc 14/02/2020 04:00

Nhiều chuyên gia cho rằng, dù cổ phiếu CTR của Tổng công ty cổ phần công trình Viettel (UPCoM: CTR) có tiềm năng tăng giá trong trung hạn, nhưng vẫn đang có xu hướng tích lũy ngắn hạn.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/2, cổ phiếu CTR đóng cửa ở mức 47.700đ/cp, tăng 2,14% với khối lượng giao dịch hơn 300.000 cổ phiếu

Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/2, cổ phiếu CTR đóng cửa ở mức 46.600đ/cp, giảm 2,31%

Theo báo cáo tài chính quý 4/2019, CTR ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.371 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018. Giá vốn tăng chậm hơn giúp doanh nghiệp có lợi nhuận gộp 91 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2018. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 6% lên 6,7%. Các yếu tố khác không có biến động lớn về giá trị tuyệt đối. CTR lãi hơn 56 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2018.

Lũy kế cả năm 2019, CTR đạt doanh thu 5.046 tỷ đồng, tăng 18% và lợi nhuận sau thuế gần 181 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2018. Đây cũng là mức doanh thu, lợi nhuận kỷ lục của CTR kể từ khi lên sàn niêm yết.

CTR với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng hệ thống hạ tầng mạng lưới cho Viettel, có hơn 50.000 trạm phát sóng, hơn 140.000 km cáp quang và triển khai rộng khắp lên đến 100% các huyện, xã, cả nước. CTR hiện là một trong 2 ông lớn trong ngành xây lắp viễn thông cùng với VNPT. 

Việc triển khai lắp đặt thêm 10.000 trạm VTS 4G trong năm 2019, cũng như tiến hành đầu tư xây dựng thêm các trạm BTS macro cell cho thuê, giúp CTR bắt đầu cung cấp dịch vụ cho thuê hạ tầng viễn thông cho đối tác, mở ra nguồn doanh thu mới cho CTR.

CTR sẽ tiếp nhận và triển khai và vận hành cơ sở hạ tầng 5G tại Việt Nam, đây chính là động lực chính giúp cho CTR tăng trưởng trong tương lai. Cụ thể, CTR sẽ tiến hành tiếp nhận vận hành và bảo trì, bảo dưỡng hạ tầng của Viettel và các công ty con ở nước ngoài do Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (mã VGI) đầu tư, với khởi đầu là tại Myanmar và Campuchia, tạo thêm nguồn doanh thu từ vận hành hạ tầng cho CTR.

Theo nhiều chuyên gia, việc bắt đầu triển khai mạng 5G theo định hướng của tập đoàn mẹ Viettel sẽ là yếu tố chủ chốt đóng góp cho tăng trưởng của CTR trong tương lai. Điểm rơi lợi nhuận sẽ bắt đầu tăng mạnh từ năm 2020 cho thị trường Việt Nam, dựa vào lộ trình phát triển 5G được Viettel lên kế hoạch. 

Bên cạnh 2 lĩnh vực truyền thống là xây lắp, vận hành khai thác, mục tiêu phát triển tiếp theo của CTR trong những năm tới sẽ là đẩy mạnh lĩnh vực hạ tầng cho thuê và giải pháp tích hợp. Đây là bước đi phù hợp trong kỷ nguyên số, cũng như không phải phụ thuộc vào quá nhiều nguồn từ Viettel.

Có thể bạn quan tâm

  • Năm 2020: Dấu hiệu bùng nổ 5G tại Đông Nam Á

    Năm 2020: Dấu hiệu bùng nổ 5G tại Đông Nam Á

    06:30, 07/01/2020

  • TP. HCM chính thức có 5G, mạng này có gì vượt trội?

    TP. HCM chính thức có 5G, mạng này có gì vượt trội?

    13:51, 21/09/2019

  • Viettel chính thức phát sóng 5G đưa vào khai thác hạ tầng IoT tại TP. HCM

    Viettel chính thức phát sóng 5G đưa vào khai thác hạ tầng IoT tại TP. HCM

    12:18, 21/09/2019

  • Viettel ra mắt công nghệ 5G đầu tiên tại Myanmar

    Viettel ra mắt công nghệ 5G đầu tiên tại Myanmar

    09:32, 07/08/2019

Dù vậy, đóng góp của hạ tầng cho thuê và giải pháp tích hợp vào cơ cấu doanh thu của CTR hiện chưa cao bởi đang trong quá trình đẩy mạnh phát triển, đặc biệt lĩnh vực hạ tầng cho thuê. CTR đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ chuyển dịch từ nhà thầu xây lắp trở thành nhà đầu tư hạ tầng cho thuê (TowerCo) số 1 Việt Nam. Việc phát triển TowerCo được đánh giá là xu thế tất yếu bởi các nhà mạng đang dần từ bỏ sở hữu các tài sản cố định để tập trung đầu tư vào các hoạt động cốt lõi. 

Các lĩnh vực cho thuê hạ tầng có thể kể tới như cho thuê hạ tầng trạm BTS, hạ tầng ngầm, hạ tầng năng lượng cho thuê, hạ tầng phủ sóng tòa nhà, thuê sợi cáp quang... Trước mắt trong năm 2020, CTR đặt kế hoạch xây dựng mới 5.000 trạm BTS, 120 km cống bể ngầm phục vụ nhu cầu cho thuê.

Hiện nay, chiến lược phát triển kinh doanh của CTR hướng tới 4 trụ chiến lược là "Xây lắp, Vận hành khai thác, Hạ tầng cho thuê, Giải pháp tích hợp".

Trong đó, xây lắp là mảng kinh doanh truyền thống của CTR và doanh nghiệp đang nắm vị trí số 1 về xây lắp công trình viễn thông tại Việt Nam. Tuy nhiên, mảng này hiện không còn đóng vai trò số 1 với CTR, bởi nhu cầu mở rộng đầu tư xây lắp không còn quá nhiều như trước và phụ thuộc phần lớn vào Viettel. 

Về dài hạn, phát triển hạ tầng cho thuê là hướng đi phù hợp với nhu cầu phát triển hạ tầng viễn thông, 4G, 5G, IoT tại Việt Nam. Dù vậy, quá trình đầu tư sẽ mất khá nhiều thời gian.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/2, cổ phiếu CTR đóng cửa ở mức 46.600đ/cp, giảm 2,31%, với khối lượng giao dịch trung bình, khoảng hơn 400.000đ đơn vị được khớp lệnh trong vòng 1 tháng qua.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc nghiên cứu phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, mức Stock Rating của CTR ở mức 85 điểm cho thấy mức tăng trưởng trung hạn của cổ phiếu này ở mức tích cực. “Đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực, rủi ro ngắn hạn đã có chiều hướng giảm đáng kể. Xu hướng ngắn hạn của CTR được nâng từ mức giảm lên tăng, do đó các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại”, ông Minh khuyến nghị.

Theo phân tích kỹ thuật, cổ phiếu CTR vẫn đang nằm trong kênh tăng giá trung hạn. Tuy nhiên, các chỉ số MACD, Stochastic, RSI, ADX... vẫn đang cho thấy tín hiệu điều chỉnh, tích lũy. Theo đó, nếu cổ phiếu CTR vẫn trụ vững ở trên mức 39.000đ/cp (MA200), thì có thể sẽ sớm tăng lên vùng 58.000- 65.000đ/cp. Cần đánh giá lại xu hướng của CTR ngắn hạn nếu cổ phiếu này bị đẩy xuống dưới 38.000đ/cp. 

Diễm Ngọc