Cổ phiếu STK bứt phá hậu dịch?
Ít chịu tác động của dịch bệnh COVID-19, Công ty CP Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) được đánh giá có thể phục hồi tốt sau đại dịch COVID-19 so với các công ty trong ngành.
Tính tới ngày 29/4/2020, chỉ số giá cổ phiếu của các doanh nghiệp dệt may giảm 10,3% so với đầu năm nhưng vẫn giảm ít hơn so với VN-Index (giảm 20,0% so với đầu năm) do nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn trong các ngành khác có mức giảm sâu hơn.
Đáng chú ý, STK là một trong những doanh nghiệp dệt may ít bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhờ vào cơ cấu sản phẩm được cải thiện với sự đóng góp lớn hơn của sợi tái chế. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nguồn cung nguyên liệu của Công ty không bị ảnh hưởng nhiều từ sự gián đoạn sản xuất tại Trung Quốc do công ty nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu từ Mỹ, Thái Lan hoặc Đài Loan.
May mắn cho STK là đã kịp chuyển dần sang sản xuất sợi tái chế. Công ty bắt đầu dấn thân vào sợi tái chế từ năm 2016 và đến cuối năm ngoái, doanh thu từ sợi tái chế đã chiếm khoảng 35% tổng doanh thu. Năm 2020, Công ty đặt mục tiêu nâng tỉ trọng sợi tái chế lên 50% tổng doanh thu và có thể đạt 100% sau 5 năm nữa.
Kết thúc quý 1, lợi nhuận sau thuế của STK chỉ tăng nhẹ 0,27% so cùng kỳ, đạt 52 tỷ đồng, dù doanh thu tăng gần 2% lên 616 tỷ đồng do sản lượng bán ra tăng. Theo Công ty Chứng Khoán FPT (FPTS), 60% doanh thu của STK đến từ thị trường nội địa, 40% là xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và các thị trường khác nên có thể hạn chế được rủi ro từ thị trường xuất khẩu.
Theo VNDirect, rủi ro đối với STK có thể đến từ nhu cầu sản xuất giảm của các công ty may mặc. Tuy nhiên, giá dầu ở mức thấp và nhu cầu tăng lên đối với sợi để sản xuất khẩu trang và thiết bị y tế có thể giúp STK duy trì hoạt động tốt hơn so với các doanh nghiệp khác trong ngành. Do đó, STK có thể có sự phục hồi tốt sau đại dịch so với các công ty trong ngành.
Về dài hạn, quy tắc xuất xứ (ROO) trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn là yếu tố hỗ trợ tích cực cho các nhà máy sợi Việt Nam. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) chỉ cấp phép miễn thuế cho sản phẩm may mặc đáp ứng ROO từ sợi trở đi (CPTPP) và từ vải trở đi (EVFTA).
Các quy tắc xuất xứ khuyến khích các nhà sản xuất dệt may tại Việt Nam sử dụng nguồn sợi tại Việt Nam. STK có vị thế tốt để hưởng lợi từ xu hướng này khi khoảng 60% doanh số bán đến từ thị trường trong nước và xuất khẩu tại chỗ. Ngoài ra, STK có kế hoạch thành lập một liên minh sợi-dệt-nhuộm-may với các đối tác nhằm hoàn thành chuỗi giá trị.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/5, STK được giao dịch với mức giá 16.400 đồng/cp. So với đầu năm nay, STK được giao dịch ở mức 22.830 đồng/cp, cổ phiếu này đã giảm khoảng 28%. Với những điều kiện thuận lợi nói trên, VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu STK với giá mục tiêu 20.300 đồng/cp.
Có thể bạn quan tâm
Sợi Thế Kỷ "đánh bại" COVID-19 bằng chiến thuật phân tán
00:24, 12/03/2020
Cửa sáng nào cho Sợi Thế Kỷ?
02:25, 02/08/2019
STK sẽ phục hồi nhờ CPTPP?
04:30, 03/02/2019
STK có qua cơn bĩ cực?
15:46, 05/10/2015
Khó khăn bủa vây dệt may Việt Nam Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), 100% doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc đều bị ảnh hưởng do đại dịch bệnh COVID-19, trong đó khoảng 70% doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự trong tháng 3 và có thể 80% doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm nhân sự trong tháng 4 và tháng 5. VITAS cho biết trong 2 tháng đầu năm nay - giai đoạn 1 của dịch bệnh, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề là những doanh nghiệp nhỏ và vừa - chuyên sản xuất theo đơn đặt hàng do dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc khiến doanh nghiệp trong nước bị cắt nguồn cung nguyên vật liệu. Sang quý 2/2020, nguồn cung của Trung Quốc đã ổn định trở lại sau khi nước này bắt đầu khống chế được dịch bệnh, giúp khôi phục phần nào nguồn cung nguyên vật liệu. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn bùng phát mạnh mẽ ở Mỹ, Châu Âu- hai thị trường chính xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, đơn hàng dệt may tháng 4 và đầu tháng 5 của Việt Nam đã giảm khoảng 70% so với cùng kỳ. |