Động lực tăng trưởng cổ phiếu VIB đến từ đâu?

DIỄM NGỌC 21/05/2020 05:10

Hậu đại dịch COVID-19, cổ phiếu VIB của Ngân hàng thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (UPCoM: VIB) được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/5, cổ phiếu VIB đóng cửa ở mức 15.300đ/cp

Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/5, cổ phiếu VIB đóng cửa ở mức 15.100đ/cp

Tăng trưởng tích cực

Theo công bố kết quả kinh doanh quý I/2020 của VIB, lợi nhuận sau thuế (LNST) của ngân hàng đạt 1.075 tỷ đồng, tăng 32,8% so với cùng kỳ, hoàn thành 26,3% kế hoạch cả năm. 

Theo nhận định của Công ty Cổ phần chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC), kết quả kinh doanh quý I của VIB được đánh giá tốt hơn kỳ vọng là nhờ tăng trưởng tín dụng vượt trội, tỷ lệ NIM tiếp tục cải thiện, tăng trưởng lãi thuần hoạt động dịch vụ khả quan, chi phí hoạt động tăng và chi phí dự phòng gần như không đổi.

Đồng thời, thu nhập lãi thuần cũng tăng mạnh 28,3% so với cùng kỳ, một phần nhờ vào sự linh hoạt trong cơ cấu vốn. Cụ thể, tổng tín dụng tăng 4% so với đầu năm lên 137,5 nghìn tỷ đồng, trong khi toàn ngành ngân hàng chỉ tăng 1,3% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 4,4% so với đầu năm lên 134,9 nghìn tỷ đồng...

Cho vay cá nhân và hộ gia đình tiếp tục tăng trưởng vững chắc 3,8% so với đầu năm lên 105,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng cho vay khách hàng (so với 78,4% trong năm 2019). Trong khi đó, tiền gửi khách hàng gần như không đổi ở mức 123,2 nghìn tỷ đồng, điều này đã đẩy tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) tăng 109% so với mức 106% tại thời điểm cuối năm 2019.

Bên cạnh đó, tỷ lệ NIM tăng 0,03% so với quý trước và tăng 0,09% so với cùng kỳ lên 4,15%. Đáng lưu ý, động lực tăng trưởng chính của tỷ lệ NIM trong quý I đến từ tiết kiệm chi phí tiền gửi, thay vì cải thiện lợi suất gộp như trước đây. 

Trong Q1/2020, VIB tăng 23,3% huy động liên ngân hàng lên 33.580 tỷ đồng nhằm tận dụng thanh khoản dồi dào trong hệ thống. Đồng thời, lợi suất bình quân giảm 0,12% xuống 9,45% sau khi có 4 quý liên tiếp tăng trưởng. Điều này chủ yếu là nhờ lợi suất cho vay không đổi (ở mức 10,73%) trong khi lợi suất đầu tư trái phiếu chững lại.

Ngoài ra, tổng thu nhập ngoài lãi của VIB tăng 40,2% so với cùng kỳ lên 461 tỷ đồng. Trong đó, lãi thuần dịch vụ vẫn là động lực tăng trưởng chính, đóng góp 89,2% vào tổng thu nhập ngoài lãi, trong khi thu nhập từ chứng khoán đầu tư cũng tăng mạnh đạt 51 tỷ đồng so với mức chỉ 1,4 tỷ đồng trong năm ngoái.

Cụ thể, lãi thuần từ dịch vụ tiền mặt và thanh toán tăng gấp đôi lên 115 tỷ đồng, chiếm 28% lãi thuần dịch vụ. Trong khi đó, lãi thuần từ phí hoa hồng bảo hiểm giảm 13,2% so với cùng kỳ xuống 158 tỷ đồng. 

Các chuyên gia từ HSC cho rằng, mặc dù điều này có thể một phần là do tác động của dịch COVID-19 đối với nhu cầu của khách hàng, nhưng mức nền so sánh cao trong năm 2019 vô tình đã tạo áp lực cho mức tăng trưởng phí hoa hồng trong năm nay. Kết quả kinh doanh Q1/2020 chưa hoàn toàn phản ánh tác động của dịch COVID-19 vì đại dịch chỉ thực sự trở nên phức tạp tại Việt Nam từ tháng 3/2020. Việc sở hữu nền tảng vững chắc trong các thị trường ngách sẽ hỗ trợ ngân hàng phục hồi nhanh chóng, theo đó hoạt động kinh doanh của ngân hàng sẽ phục hồi nhanh hơn một số đối thủ khác trong những năm tới.

Còn nhiều thách thức

Bên cạnh nhiều thuận lợi, VIB cũng gặp không ít thách thức. Về chi phí hoạt động, tổng chi phí Q1/2020 của VIB tăng 37,6% so với mức tăng trưởng 32% của doanh thu. Chi phí tăng chủ yếu từ chi phí nhân viên bán hàng. Được biết, thời gian qua, VIB đã liên tiếp tăng số lượng nhân viên bán hàng để đẩy mạnh doanh thu dịch vụ phí và bảo hiểm. Tổng số lượng nhân viên tại thời điểm cuối Q1/2020 cao hơn 26,7% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, mức lương bình quân/nhân viên/tháng trong Q1/2020 cũng cao hơn 12,7% dẫn đến tổng ngân sách nhân sự tăng mạnh 50,8% lên 732 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu tăng 16,3% so với đầu năm lên 2.949 tỷ đồng tại thời điểm cuối Q1/2020, tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ lên 1.83% so với mức 1,67% đầu năm (thuyết minh báo 36.1 báo cáo tài chính), đây là mức thấp so với trung bình toàn ngành khi VIB là một trong ít các ngân hàng không có nợ VAMC.

Theo các chuyên gia, tác động của dịch COVID-19 đối với toàn ngành ngân hàng được cho là có thể kiểm soát được. Cụ thể, đối với các khoản nợ đến kỳ thanh toán nhưng do ảnh hưởng của COVID-19, khách hàng không trả nợ đúng hạn sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo hướng dẫn của NHNN, do đó nợ xấu cũng như dư phòng của các ngân hàng nói chung và VIB nói riêng được dự báo có tăng nhưng không nhiều. Đồng thời, khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam, nền kinh tế phục hồi thì các dự phòng nợ xấu được trích lập do dịch sẽ có cơ hội sớm được hoàn nhập trong tương lai.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc nghiên cứu phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, mức Stock Rating của VIB ở mức 83 điểm nên mức xếp hạng tăng trưởng trung hạn của VIB ở mức tích cực. “Mô hình tăng giá của VIB cũng được xác nhận và xu hướng ngắn hạn được nâng từ mức giảm lên tăng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/5, cổ phiếu VIB đóng cửa ở mức 15.100đ/cp, các nhà đầu tư có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại”, ông Minh khuyến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • VIB tập trung nguồn lực hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19

    09:12, 21/04/2020

  • VIB thúc đẩy chi tiêu trực tuyến qua thẻ

    12:07, 23/03/2020

  • VIB triển khai gói hỗ trợ giao dịch trực tuyến trong giai đoạn ảnh hưởng COVID-19

    21:17, 16/03/2020

  • VIB lãi trước thuế 4.082 tỷ đồng, tăng trưởng 49% trong năm 2019

    12:42, 20/01/2020

DIỄM NGỌC