Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp còn dư địa tăng giá?

DƯƠNG THÙY 27/05/2020 05:00

Trong những phiên giao dịch vừa qua, phần lớn các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp đã bứt phá mạnh với thanh khoản tăng đột biến.

Trong phiên giao dịch ngày 26/5, nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn tăng mạnh đã kéo chỉ số VN-Index tăng vọt hơn 10 điểm đóng cửa ở mức 869,13 điểm. Ngoài nhóm cổ phiếu ngân hàng, thì nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp tiếp tục là điểm đến của dòng tiền.

Cổ phiếu bất động sản Khu công nghiêpj tiếp tục nổi sóng

Nhiều cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp tiếp tục "nổi sóng"

Trong đó, đáng chú ý ITA tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp và dòng tiền đổ dồn vào cổ phiếu này khi có tới 21,5 triệu cổ phiếu ITA được khớp lệnh.

Thống kê của sàn HOSE cho thấy, nhóm cổ phiếu bất động sản/khu công nghiệp/hạ tầng đã bứt phá tăng mạnh mẽ trên dưới 7%, thậm chí 15-30%. Đặc biệt, thanh thoản tăng mạnh ở các cổ phiếu hàng đầu như: ITA, LDG, CRE, TIP, SJS, CCL.

Ông Nguyễn Mạnh Tân- Chuyên viên môi giới ABCS, cho biết kết quả kinh doanh quý 1/2020 của phần lớn các doanh nghiệp của nhiều nhóm ngành đều bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ngành bất động sản khu công nghiệp lại có sự tăng trưởng mạnh trong quý 1.

Trong đó có thể kể đến Sonadezi (SNZ) công bố doanh thu quý 1 tăng 10,5% so với cùng kỳ, đạt 1.078 tỷ đồng; còn lợi nhuận sau thuế đạt gần 271 tỷ đồng, tăng 51% so với quý 1 năm ngoái. 

Công ty CP Long Hậu (LHG) với doanh thu tăng trưởng xấp xỉ 20% lên hơn 206 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế đạt hơn 63 tỷ đồng, tăng 15% so với quý 1 năm ngoái. Trong đó, 2 mang kinh doanh mang lại lợi nhuận gộp lớn nhất cho công ty là phát triển cơ sở hạ tầng và cho thuê nhà xưởng. Ngoài ra, khu lưu trú đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.

Hay như Công ty CP Nam Tân Uyên (NTC) – doanh nghiệp thường được nhắc đến nhất trong ngành khu công nghiệp bởi doanh nghiệp này không chỉ có kết quả kinh doanh tốt, trả cổ tức tỷ lệ cao, mà còn là một trong những doanh nghiệp có giá cổ phiếu thuộc TOP trên của sàn. Hiện NTC đang giao dịch quanh mức 179.000 đồng/cổ phiếu – tăng khá mạnh so với thời điểm đầu năm 2020 bất chấp ảnh hưởng từ dịch bệnh lên sàn chứng khoán.

Đặc biệt, Công ty Cổ phần Đầu tư Long Hậu (LDG) cũng đặt mục tiêu kinh doanh cho năm 2020 ở mức khá cao, cụ thể là 2.756 tỷ đồng doanh thu, gấp 3,5 lần doanh thu đạt được năm 2019; còn lợi nhuận sau thuế ước đạt 700 tỷ đồng, tăng 16% so với lợi nhuận đạt được năm 2019.

Vì sao các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp vẫn bứt phá mạnh giữa mùa dịch? Được biết, mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì họp bàn về tình hình, triển vọng và các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Tại cuộc họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, qua tiếp xúc và tìm hiểu các nhà đầu tư nước ngoài gần đây, thì đa phần đều coi Việt Nam là điểm đến an toàn, tiềm năng trong chính sách đa dạng hóa nguồn cung ứng. Do đó, Việt Nam có nhiều lợi thế để đón làn sóng đầu tư mới, khi các tập đoàn đa quốc gia đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa địa điểm đầu tư và tái định vị cơ sở sản xuất sau đại dịch COVID-19.

Liên quan đến vấn đề này, theo các chuyên gia kinh tế, có 4 lĩnh vực mà các tập đoàn nước ngoài có xu hướng dịch chuyển vào Việt Nam hiện nay. Đó là công nghệ thông tin và công nghệ cao, thiết bị điện tử, thương mại điện tử, logistics, hàng tiêu dùng và bán lẻ.

Để đón đầu làn sóng này và thu hút được các “đại bàng” đến làm tổ, các nước thường hỗ trợ các nhà đầu tư bằng ưu đãi về thuế, đất đai và các biện pháp ngăn chặn sự đứt gãy của chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động. Vì thế, các nhà đầu tư nước ngoài cũng mong muốn chính sách của Chính phủ phải nhất quán, ổn định, lãnh đạo các cấp thực hiện đúng cam kết và ra các quyết định, quyết sách nhanh chóng hơn.

Do đó, theo Thủ tướng, các bộ ngành, địa phương cần có hành động cụ thể với tinh thần “tiến công, chủ động hơn”, để tranh thủ dòng đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam, trọng tâm là các tập đoàn đa quốc gia lớn có công nghệ cao và đứng đầu các chuỗi cung ứng.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong thu hút đầu tư, ở những nước đang phát triển như Việt Nam, không thể có một hạ tầng hoàn thiện, một cơ chế hoàn thiện, nên chúng ta cần biết tạo nên một sức mạnh từ lợi thế của đất nước, đồng thời “làm nhanh hơn, tốt hơn”. Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần có tư duy mới để đón đầu và đón bắt được dòng đầu tư mới này. Trong bối cảnh các nước khác cũng đang cạnh tranh thu hút đầu tư quyết liệt, thì Việt Nam phải có các ưu đãi mang tính cạnh tranh hơn để thu hút có chọn lọc, hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn có công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường.

Với định hướng nói trên của Thủ tướng Chính phủ, nhiều chuyên gia chứng khoán nhận định các tập đoàn nước ngoài sẽ tiếp tục rót vốn FDI vào Việt Nam. Đây là một trong những lý do chính khiến dòng tiền tiếp tục đổ vào cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

  • Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp nào sẽ

    Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp nào sẽ "dậy sóng"?

    05:01, 29/04/2020

  • Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp khó duy trì đà tăng

    Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp khó duy trì đà tăng

    05:00, 14/09/2019

  • Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp: Liệu có lung lay đà tăng?

    Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp: Liệu có lung lay đà tăng?

    11:49, 10/09/2019

  • Cơ hội từ cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp

    Cơ hội từ cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp

    11:01, 16/05/2019

DƯƠNG THÙY