ITA “lột xác”
Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HoSE: ITA) đã và đang có những cú lột xác ngoạn mục, nhưng vẫn còn đối mặt nhiều thách thức.
Những năm trước 2019, ITA gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí lãi ròng năm 2017 chỉ đạt hơn 8,2 tỷ đồng.
Bật dậy mạnh mẽ
Năm 2019, doanh thu thuần của ITA đạt hơn 1.306 tỷ đồng, cao gấp 2,7 lần, và lãi ròng đạt 206 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lãi cao nhất mà ITA đạt được kể từ năm 2011 đến nay.
Bước sang quý 1/2020, ITA tiếp tục báo lãi tăng mạnh 344% lên 25 tỷ đồng. Mặc dù vậy, giới đầu tư vẫn còn lo ngại đối với doanh nghiệp này. Tại ngày lập báo cáo kiểm toán 2019, ITA và các cơ quan quản lý địa phương vẫn chưa xác định được đơn giá thuê đất một lần cho toàn bộ thời gian thuê tương ứng với diện tích thuê. Theo đó, cơ quan kiểm toán cũng nêu vấn đề nhấn mạnh đối với khoản đầu tư vào TEDC và TEC 2 với tổng giá trị 2.170 tỷ đồng...
Năm 2020, ITA đặt kế hoạch doanh thu giảm về 842 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế tiếp tục tăng hơn 31,5% lên 271 tỷ đồng. Với chỉ tiêu này, ITA kỳ vọng sẽ tích luỹ được lợi nhuận sau thuế thặng dư ở mức 1.479 tỷ đồng.
25 tỷ đồng là tổng lợi nhuận hợp nhất quý 1/2020 của ITA, tăng tới 344% so với cùng kỳ năm 2019.
Để đạt được kế hoạch nói trên, năm 2020 ITA sẽ thúc đẩy mạnh công tác chào các dự án bất động sản khu công nghiệp (KCN), đặc biệt xúc tiến các chương trình đầu tư tại thị trường lớn như Mỹ, Hàn, Nhật, Đài Loan…
Ngoài ra, Công ty cũng tiếp tục theo dõi, bám sát tiến độ từ các Bộ, ngành thẩm định để được chấp nhận chủ trương đầu tư dự án KCN Sài Gòn Mekong 200 ha nhằm chuẩn bị quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư ngoại theo chủ trương của Chính Phủ.
Thách thức không nhỏ
Theo CBRE, các KCN ở các tỉnh xa vùng kinh tế, như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình, Quảng Ninh ở phía Bắc và Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu ở phía Nam sẽ có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, nhờ vào quỹ đất dồi dào. Giá thuê đất ở các tỉnh xa vùng kinh tế chỉ khoảng 50-150 USD/m2/kỳ thuê, thấp hơn so với mức giá 60- 300 USD/m2/kỳ thuê ở các tỉnh thuộc vùng kinh tế.
Đây sẽ là thách thức lớn của ITA khi cạnh tranh thu hút nhà đầu tư vào KCN. Các KCN có quỹ đất lớn như Sonadezi Châu Đức (SZC) với KCN Châu Đức và IDICO (IDC) với KCN Phú Mỹ tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG)… sẽ là đối thủ nặng ký của ITA. So với các KCN trong ngành về vốn, quỹ đất và giá cổ phiếu, nếu ITA không có cú bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, thì cơ hội sẽ một lần nữa tuột khỏi tay ITA trong bối cảnh tìm nhà đầu tư khó như “mò kim đáy bể”
Ngoài ra, kiểm toán cũng nêu vấn đề nhấn mạnh đối với khoản đầu tư của ITA vào TEDC và TEC 2. Việc thu hồi các khoản đầu tư và khoản phải thu này được Ban Lãnh đạo ITA xác định dựa trên giả định là TEC sẽ tiếp tục thực hiện dự án nhiệt điện Kiên Lương. Tuy nhiên đến nay, các dự án vẫn đang trong quá trình xin các phê duyệt, nên đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động cũng như tái cơ cấu của ITA trong thời gian tới…
Có thể bạn quan tâm
Tân Tạo và “giấc mơ” mới (Kỳ II): “Đặt cược” vào bất động sản
07:36, 28/11/2019
Tân Tạo sẽ giải quyết "cục nợ" Nhiệt điện Thiên Lương thế nào?
10:29, 10/09/2019
Tân Tạo và “giấc mơ” mới (Kỳ I): Nợ nghìn tỷ cùng cổ phiếu miệt mài dò đáy
00:00, 12/05/2019
Tập đoàn Tân Tạo: Nhiều hoạt động thiết thực cho cộng đồng
11:25, 12/05/2017
Triển vọng bất động sản KCN
Việt Nam đã tạo tiếng vang trên thế giới về đẩy lùi thành công COVID-19 và đang xuất khẩu mặt nạ y tế như một hình thức quảng bá thương hiệu quốc gia. Bên cạnh đó, doanh nghiệp từ Mỹ và các nước trên thế giới có xu hướng rút vốn khỏi Trung Quốc: Nhật Bản đã chi hơn 2 tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc do đại dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng giữa 2 nước. Ngoài ra, Việt Nam đang tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là CPTPP và EVFTA, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích trong dài hạn.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn và đặc biệt năm 2020, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản KCN sẽ gặp không ít khó khăn do: Hoạt động kinh tế thế giới đình trệ do đại dịch, đẩy nhiều doanh nghiệp vào khó khăn. Các dự án đầu tư buộc phải ngưng lại do áp lực tài chính và tình hình vĩ mô khó dự báo.
Nguồn vốn FDI vào Việt Nam trong quý 1/2020 giảm cả số lượng lẫn giá trị, đạt 8,55 tỷ USD (giảm 20,9% so với cùng kỳ 2019). Giá trị giải ngân tuy giảm nhưng vẫn giữ mức ổn định với 3,85 tỷ USD. Tiến độ thi công các công trình bị gián đoạn trong 2020 do dịch bệnh… Vì vậy, theo MBS, ít nhất trong nửa đầu 2020, doanh thu trong lĩnh vực bất động sản KCN sẽ giảm mạnh.