Cẩn trọng dùng tiền nhàn rỗi đầu tư cổ phiếu
Trong một thị trường tài chính ngày càng phát triển, việc các công ty không chuyên về cổ phiếu dùng tiền nhàn rỗi đầu tư cổ phiếu ngày càng thường xuyên.
Lần lại quá khứ, chúng ta thấy rằng có những công ty đã thu được khoản lợi nhuận rất lớn khi đầu tư cổ phiếu, như vụ Công ty CP Xây dựng số 3 Hải Phòng (UPCOM: HC3) đã thu được lãi lớn từ thương vụ đầu tư cổ phiếu TCB của Techcombank năm 2017.
Tuy nhiên, đầu tư cổ phiếu vốn không phải là một công việc đơn giản, nhất là với những khoản đầu tư lớn. Việc lãi từ một thương vụ, rồi sau đó lỗ nhiều thương vụ tiếp theo là chuyện thường xuyên xảy ra. Ngay cả với các đầu tư chuyên nghiệp như khối tự doanh của các công ty chứng khoán ghi nhận lỗ vẫn thường xuyên xuất hiện. Điển hình như HC3 ở giai đoạn đầu tư cổ phiếu tiếp theo đã liên tục ghi nhận khoản lỗ lớn. Hay như Công ty CP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) mới đầu tư cổ phiếu trong quý này cũng đã ghi nhận lỗ.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý 2 năm 2020 của các doanh nghiệp đã công bố, HC3 tiếp tục dự phòng khoản lỗ hơn 25 tỷ đồng/gần 70 tỷ đồng đầu tư. VHC dự phòng khoản lỗ 6,3 tỷ đồng/ hơn 193 tỷ đồng đầu tư. Có thể thấy đặc điểm của 2 doanh nghiệp này là có khoản tiền mặt rất lớn, chiếm xấp xỉ 50% tài sản ngắn hạn.
Trong giai đoạn hiện nay, khi dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp thậm chí đã phải dừng hoạt động. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi ngân hàng liên tục duy trì mức thấp (đạt khoảng 5- 6%/năm) theo chương trình kích thích kinh tế của chính phủ. Rõ ràng việc sử dụng hiệu quả tiền mặt của các doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn không hề dễ dàng. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp không chuyên về đầu tư tài chính mang một lượng tiền lớn đi đầu tư cổ phiếu sẽ rất rủi ro và lợi nhuận mang lại chưa chắc đã cao. Bởi khi đầu tư cổ phiếu với lượng tiền lớn, việc đạt lợi nhuận 15- 20% là rất khó, ngay cả với các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Hiện nay trên thị trường chứng khoán, ngoài thị trường cổ phiếu, còn có thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng rất sôi động. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp hiện nay cũng rất hấp dẫn, trên thị trường sơ cấp từ 10,5- 13%/năm...
Việc tối ưu hóa nguồn tiền nhàn rỗi là việc nên làm, nhưng các doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn nên cân nhắc phân bổ vốn cho các kênh đầu tư khác nhau để giảm thiểu rủi ro. Đồng thời khi đã đầu tư cổ phiếu, các doanh nghiệp nên tham khảo các dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp của các công ty chứng khoán hoặc ủy thác cho các quỹ đầu tư chuyên nghiệp nhằm tránh rủi ro.
Có thể bạn quan tâm