Sức ép tăng vốn ở BCM

HÀ PHƯƠNG 18/08/2020 11:30

Do nhu cầu vốn lớn để phát triển dự án và tái cấu trúc tài chính, Tổng Công ty CP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC, UPCoM: BCM) đã lên kế hoạch phát hành 965 triệu cổ phiếu.

 Lợi nhuận sau thuế của BCM. Đvt: tỉ VNĐ

Lợi nhuận sau thuế của BCM. ĐVT: tỉ VNĐ

BCM vừa công bố hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM và dự kiến sẽ niêm yết trên sàn HoSE vào ngày 31/8/2020. Thông tin này đã giúp cổ phiếu BCM tăng khá mạnh, hiện ở mức 30.000 đồng/cổ phiếu.

Áp lực trả nợ lớn

Tính đến thời điểm này, tổng nợ của BCM ở mức hơn 29.486 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 15.423 tỷ đồng. Điều này cho thấy áp lực trả nợ của BCM rất lớn. Do đó, Công ty phải tìm cách xoay xở phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 10.350 tỷ đồng lên 20.000 tỷ đồng nhằm tái cấu trúc tài chính để thanh toán các khoản vay và tài trợ cho các dự án đầu tư trong thời gian tới.

Theo đó, BCM dự kiến phát hành 207 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian thực hiện trong năm 2020 và/hoặc 2021. Sau đợt phát hành này, BCM sẽ tăng vốn điều lệ lên 12.240 tỷ đồng.

580 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế hợp nhất bán niên 2020 của BCM, giảm 52% so với cùng kỳ 2019.

Số tiền thu được từ đợt chào bán khoảng 3.105 tỷ đồng sẽ được dùng để tăng vốn chủ sở hữu và giảm nợ vay, cụ thể tái cấu trúc tài chính (2.000 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động, nâng cao năng lực tài chính (1.105 tỷ đồng).

Ngoài ra, Công ty sẽ phát hành riêng lẻ tối đa 758 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư. Dự kiến sau phát hành, BCM tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng.

Tổng số tiền thu được từ đợt phát hành này cũng sẽ được dùng để tái cấu trúc tài chính, thanh toán các khoản vay và bổ sung nguồn vốn kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính, đầu tư dự án...

Thách thức không nhỏ

BCM được coi là ông lớn kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, nhưng cũng vừa trải qua quý 2 kinh doanh giảm sút cả về doanh thu và lợi nhuận. Theo đó, lũy kế từ 6 tháng đầu năm nay, BCM đạt doanh thu thuần 2.484 tỷ đồng, giảm 27% và lợi nhuận sau thuế 580,6 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ năm 2019. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 6 tháng đầu năm nay đạt 515 đồng/cổ phiếu.

BCM là doanh nghiệp phát triển KCN lớn nhất tại miền Nam. Hiện BCM sở hữu 7 KCN với tổng diện tích lên tới 4.000 ha chủ yếu tập trung tại Bình Dương. Tổng diện tích đất KCN mà BCM sở hữu toàn quốc đạt hơn 10.000 ha, chiếm khoảng 10% tổng diện tích đất KCN của Việt Nam. BCM sở hữu 49% liên doanh với Sembcorp để phát triển các KCN VSIP, với tổng cổng 9 dự án tại Việt Nam với tổng diện tích đạt hơn 8.600 ha, có thể mang lại nguồn lợi nhuận hàng năm từ 600 tỷ đồng đến 900 tỷ đồng cho BCM.

Như vậy, lợi nhuận của BCM chủ yếu đến từ mảng KCN, trong đó VSIP đóng vai trò quan trọng và chiếm tỉ trọng lớn nhất trong mảng KCN. Hiện tại quỹ đất và dư địa tăng trưởng của VSIP vẫn còn rất nhiều, đây là công ty được đánh giá rất cao trong lĩnh vực KCN.

Dù BCM có quỹ đất lớn, nhưng nguồn vốn cho phát triển các dự án bất động sản công nghiệp của doanh nghiệp này lại hạn hẹp. Trong khi thanh khoản cổ phiếu BCM chỉ đạt bình quân khoảng 27.000 đơn vị trong 1 tháng qua. Điều này đặt ra thách thức rất lớn đối với BCM trong việc phát hành cổ phiếu tăng vốn. Hơn nữa, nếu phát hành thành công 965 triệu cổ phiếu theo kế hoạch nói trên, thì cổ phiếu BCM sẽ bị pha loãng mạnh, khiến giá cổ phiếu này có nguy cơ giảm mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • “Ê chề” IPO ở BCM

    “Ê chề” IPO ở BCM

    11:01, 23/03/2019

  • Vì sao Becamex đưa cổ phần bị

    Vì sao Becamex đưa cổ phần bị "ế" niêm yết tại sàn UpCom?

    06:10, 13/02/2018

  • Điều chỉnh dự án đầu tư khu công nghiệp Becamex-Bình Phước

    Điều chỉnh dự án đầu tư khu công nghiệp Becamex-Bình Phước

    09:16, 19/10/2016

  • Becamex IDC đầu tư dự án phát triển hạ tầng công nghiệp và đô thị ở Bình Định

    Becamex IDC đầu tư dự án phát triển hạ tầng công nghiệp và đô thị ở Bình Định

    08:50, 13/08/2015

HÀ PHƯƠNG