Hút mạnh dòng tiền, cổ phiếu BID còn dư địa tăng tiếp?
Trong những phiên giao dịch vừa qua, dòng tiền liên tục đổ mạnh vào cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Cùng với cổ phiếu CTG của Vietinbank, cổ phiếu BID đã hút mạnh dòng tiền trong những phiên giao dịch gần đây. Cụ thể trong phiên giao dịch ngày 1/9, cổ phiếu BID tăng giá lên 41.400 đồng/cp với 2,1 triệu cổ phiếu khớp lệnh với tổng giá trị khớp lệnh 86,9 tỷ đồng. Trước đó trong phiên giao dịch ngày 31/8 với hơn 2 triệu cổ phiếu BID được khớp lệnh với tổng giá trị 82 tỷ đồng. Đặc biệt trong phiên giao dịch ngày 28/8 có hơn 3 triệu cổ phiếu BID được khớp lệnh với tổng giá trị hơn 121 tỷ đồng. Vậy cổ phiếu BID có gì hấp dẫn nhà đầu tư?
Mới đây, Moody’s đã công bố xếp hạng tín nhiệm đối với BID. Theo đó, các định hạng tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn và định hạng nhà phát hành của BID vẫn được duy trì.
Moody’s cho rằng nền vốn và an toàn vốn của BID được củng cố thông qua việc tăng vốn cho đối tác nước ngoài trong năm 2019, cũng như ngân hàng có những cải thiện mạnh mẽ về chất lượng tài sản thông qua việc xử lý các tài sản có vấn đề, tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC. Khả năng huy động là điểm mạnh của ngân hàng này với hệ thống mạng lưới rộng lớn và quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam. Các định hạng tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của BID tiếp tục ở mức ngang trần quốc gia và thuộc nhóm các ngân hàng có định hạng tín nhiệm cao nhất tại thị trường Việt Nam.
Tổng tài sản của BID đến cuối quý 2/2020 đạt 1.446 triệu tỷ đồng, tiếp tục duy trì vị thế ngân hàng TMCP có quy mô lớn nhất thị trường. BID hiện đã phát triển hệ thống mạng lưới rộng khắp, phủ kín 63 tỉnh thành phố trong cả nước, với tổng số 189 chi nhánh trong nước, 1 chi nhánh tại nước ngoài và 871 phòng giao dịch.
Mới đây tại ĐHCĐ, Đảng bộ BIDV đã đưa ra mục tiêu cho giai đoạn 2020-2025. Theo đó, tổng tài sản tăng trưởng bình quân 9%-13%/năm; huy động vốn tăng trưởng bình quân 11%-14%/năm; dư nợ tín dụng tăng trưởng theo định hướng của NHNN, bình quân 9%-13%/năm; tỷ lệ nợ xấu nội bảng hàng năm dưới 2% và lợi nhuận trước thuế tăng trưởng bình quân 13%-16%/năm...
Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Mirare Asset nhận định, dù đã tăng được vốn từ phát hành cho cổ đông chiến lược KEB Hana Bank, nhưng BID cần tiếp tục tăng vốn tự có để phù hợp với chuẩn Basell II để mở rộng tín dụng. Bên cạnh đó, BID đã gặt hái được thành quả từ nỗ lực xử lý nợ xấu. Tuy nhiên không ngoại trừ dự báo nợ xấu sẽ tăng mạnh trở lại sau 3 năm tích cực trích lập dự phòng nợ xấu, xử lý nợ xấu.
Ngoài ra, Mirare Asset lưu ý một số rủi ro đối với hoạt động của BID, đó là nguy cơ tụt hậu do cạnh tranh khốc liệt. Theo mô hình ngân hàng truyền thống, sự suy giảm trong hoạt động kinh doanh cốt lõi kéo dài đã phản ánh vào khả năng sinh lời của BID. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng hạn chế, việc nới lỏng trần tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) đối với các ngân hàng tư nhân từ 80% lên 85% sẽ thúc đẩy tăng trường tín dụng cho khối ngân hàng tư nhân. Đặc biệt, với tổng mức dư nợ lớn, BID sẽ đối mặt với rủi ro lớn hơn trong kịch bản suy thoái kinh tế.
Theo đó, Mirare Asset giữ mức khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ và tăng mức giá mục tiêu của cổ phiếu BID lên 46.300 đồng/cp (Hiện cổ phiếu BID đang ở mức 41.400đồng/cp). "Chúng tôi tăng mức P/B mục tiêu lên 2,3 lần chủ yếu dựa trên giả định rằng BID có khả năng tạo ra ROE cao hơn bắt đầu từ quý 3 năm 2020 và 2021", Mirare Asset nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
BIDV đẩy mạnh chuyển đổi số hướng đến khách hàng trung tâm
04:59, 14/08/2020
BIDV dành 2,5 tỷ đồng tặng quà khách hàng cá nhân vay vốn
14:10, 07/07/2020
BIDV nâng gói cho vay cá nhân mùa COVID-19 lên 50.000 tỷ đồng
15:31, 08/05/2020
Moody’s giữ nguyên định hạng tín nhiệm của BIDV
10:35, 21/04/2020
BIDV tung gói hỗ trợ tín dụng 20.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân
17:21, 09/04/2020