VHC đủ sức phá vỡ đỉnh 55.000 đồng/cp?
Cổ phiếu VHC của Công ty CP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) đã tăng 20% kể từ đầu tháng 8/2020 cũng là thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Doanh thu của VHC chủ yếu đến từ các thị trường xuất khẩu, trung bình chiếm khoảng 80% tổng doanh thu, còn lại là doanh thu nội địa (chủ yếu đóng góp từ các sản phẩm bột cá, mỡ cá). Các thị trường xuất khẩu trọng điểm của VHC là thị trường Mỹ (chiếm 47% giá trị xuất khẩu), Trung Quốc (chiếm 24% giá trị xuất khẩu) và EU (chiếm 14% giá trị xuất khẩu).
Theo báo cáo tài chính bán niên 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh nên doanh thu thuần 6 tháng đầu năm của VHC đạt 3.335 tỷ đồng, giảm 12,5% và lợi nhuận sau thuế đạt 376 tỷ đồng, giảm 48,3% so với cùng kỳ năm trước, tương đương hoàn thành 38% kế hoạch doanh thu và 35% kế hoạch lợi nhuận đề ra trong kịch bản tích cực. Tuy nhiên xét riêng trong quý 2 năm 2020 cho thấy tỷ suất lợi nhuận gộp đã tăng trở lại đạt 19%, sau 2 quý giảm xuống quanh mức 13%.
Là doanh nghiệp nuôi và chế biến thủy hải sản, VHC sản xuất 4 dòng sản phẩm chính, bao gồm: (1) cá tra philê, (2) các sản phẩm phụ trong quá trình chế biến cá tra, (3) Collagen và Gelatin chiết xuất từ da cá tra và (4) sản phẩm cá tra giá trị gia tăng. Trong đó, cá tra philê là dòng sản phẩm chủ lực, năm 2019, đóng góp khoảng 69% trong tổng doanh thu của VHC. Do đó, trong giai đoạn vừa qua khi giá cá tra sụt giảm từ mức 34.000 đ/kg về mức quanh 20.000 đ/kg đã kéo giảm lợi nhuận của VHC. Theo dự báo của các chuyên gia, trong thời gian tới khi 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc ổn định trở lại thì khối lượng xuất khẩu cá tra của VHC sẽ gia tăng trở lại, nhưng giá cá tra chưa phục hồi được. Đặc biệt với thị trường EU, EVFTA sẽ giúp tiêu thụ cá tra thoát khỏi đà giảm do thuế nhập khẩu giai đoạn đầu giảm từ 5,5% xuống còn 4,1% và sẽ được xóa bỏ hoàn toàn vào năm 2023.
Để nâng cao doanh thu và lợi nhuận, chiến lược của VHC là tiếp tục đầu tư để gia tăng lợi nhuận thông qua việc mở rộng chuỗi giá trị của sản phẩm cá tra. Trong năm nay, VHC tăng mạnh nguồn lực đầu tư mà tiêu biểu là dự án xây dựng trại cá giống Vĩnh Hoàn, mở rộng cải tạo dây chuyền sản xuất nhà máy Vĩnh Hoàn Collagen và xây dựng nhà máy tinh luyện dầu cá với tổng số vốn đầu tư là 205 tỷ đồng. Hiện nay, kế hoạch mở rộng công suất Collagen và Gelatin sắp hoàn thành, sẽ tăng công suất hiện nay từ 2.000 tấn/ngày lên mức 3.500 tấn/ngày. Dự kiến doanh thu mảng này sẽ tăng 60% lên 815 tỷ đồng và lợi nhuận ròng tăng 50% lên 325 tỷ đồng.
Trong thời gian tới khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất ổn định trở lại cùng với việc mở rộng công suất Collagen và Gelatin thì cơ hội gia tăng lợi nhuận của VHC là có cơ sở.
Sóng tăng giá mạnh trong tháng 8 đã đẩy giá cổ phiếu VHC tới vùng đỉnh của tháng 6/2020 và cũng là vùng giá khi chưa có dịch bệnh COVID-19. Sóng tăng đang có dấu hiệu chững lại khi đã xuất hiện 2 phiên phân phối với khối lượng giao dịch lớn. Cùng với đó là thị trường chung đang có xu hướng điều chỉnh khi đạt đến vùng đỉnh tháng 6. Do đó, khả năng cao là giá cổ phiếu VHC có thể đi ngang tích lũy quanh vùng 41.000 đ/cp trong ngắn hạn, mà chưa đủ sức vượt mức đỉnh cao 55.000đ/cp được thiết lập vào tháng 11/2018.
Có thể bạn quan tâm