Đâu là mức giá mục tiêu của cổ phiếu DRC?
Cùng với nhiều cổ phiếu trong ngành, cổ phiếu DRC của Công ty CP Cao su Đà Nẵng đã liên tục bứt phá trong nhiều phiên giao dịch gần đây.
Giá cổ phiếu DRC tăng mạnh, cùng khối lượng giao dịch lớn. Cụ thể, giá cổ phiếu DRC đã tăng từ vùng giá đáy hơn 14.000 đồng/cổ phiếu lên mức 19.500 đồng/cổ phiếu với thanh khoản tăng vọt từ khoảng 600 cổ phiếu/phiên lên tới gần 2 triệu cổ phiếu/phiên. Điều này cho thấy, DRC ngày càng thu hút được sự quan tâm của đa số nhà đầu tư.
Báo cáo tài chính quý 1/2020 của DRC ghi nhận lãi ròng hơn 37 tỷ đồng, tăng 131% so với cùng kỳ năm ngoái do giá mua nguyên vật liệu giảm trong khi dịch COVID-19 chưa tác động lớn tới hoạt động xuất khẩu của DRC. Tuy nhiên, bước sang quý 2/2020, dù DRC ghi nhận lãi ròng tới 43 tỷ đồng, cao hơn quý 1/2020, nhưng lại giảm gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ ô tô và các sản phẩm phụ tùng giảm mạnh, đặc biệt tại thị trường Mỹ và Brazil – 2 thị trường xuất khẩu chính của DRC và cũng là 2 quốc gia đang chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 lớn nhất trên thế giới.
Hoạt động tài chính của DRC ghi nhận lãi tỷ giá khoảng 7,8 tỷ đồng, và nợ vay giảm mạnh, khiến chi phí lãi vay giảm từ 10,4 tỷ đồng năm ngoái xuống còn khoảng 5,5 tỷ đồng trong quý 2/2020, bù đắp cho chi phí bán hàng tăng 10,4%...
Cho đến thời điểm này, nhu cầu tiêu thụ xe trong nước đang chứng kiến hồi phục do từ ngày 28/6/2020 đến hết năm nay, theo quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP, xe ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước sẽ được giảm 50% lệ phí trước bạ. Quy định này đã có tác động đáng kể lên nhu cầu tiêu thụ xe trong nước trong thời gian gần đây. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số bán ô tô trong tháng 7 của toàn thị trường đạt 24.065 xe, trong đó sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 16.088 xe, tăng 2% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 7.977 xe, giảm 2% so với tháng trước.
Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán MBS cho thấy, hoạt động xuất khẩu vẫn sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng, nhưng với mức độ nhẹ hơn do hoạt động sản xuất đã dần được mở cửa trở lại tại một số quốc gia. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh tại nhiều quốc gia trên thế giới chưa có dấu hiệu đã được kiểm soát tốt, MBS ước tính doanh thu DRC sẽ giảm, nhưng không đáng kể, nhờ được bù đắp bởi doanh số tiêu thụ trong nước trong bối cảnh dịch được kiểm soát và các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ nhằm kích thích nhu cầu mua sắm, như giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước.
Theo đó, doanh thu qúy 4/2020 của DRC dự kiến sẽ tăng khoảng 10%. Năm 2021 sẽ chứng kiến tăng 4% doanh thu và 20% lãi ròng trên cơ sở kỳ vọng nhu cầu sử dụng lốp tăng nhẹ khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch. MBS nhận định giá mục tiêu trong 12 tháng đối với cổ phiếu DRC vào khoảng 23.100 đồng/cổ phiếu dựa trên 2 phương pháp so sánh P/E và EV/EBITA.
Các chỉ báo kỹ thuật cho thấy giá DRC đều đang ở trong trạng thái tích cực. DRC chưa đi vào vùng quá mua, nên cổ phiếu có thể duy trì đà tăng trong những phiên tới. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của DRC nằm tại vùng 16.000đ/cp, trong khi giá mục tiêu khoảng 23.000- 25.000đ/cp, nhà đầu tư cắt lỗ nếu ngưỡng 16.000đ/cp bị xuyên thủng.
Có thể bạn quan tâm