TNG “khát vốn”
Tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đã và đang khiến Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại TNG (HNX: TNG) gặp nhiều khó khăn và đang rất cần vốn triển khai hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Để tự cứu lấy mình, TNG dự kiến phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu thế chấp bằng cổ phiếu của chính doanh nghiệp mình.
Dòng tiền âm nặng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 8 tháng đầu năm nay, lũy kế 8 tháng năm 2020, tổng doanh thu của TNG đạt 3.062 tỷ đồng, giảm 3% so cùng kỳ năm ngoái. Riêng doanh thu nội địa 8 tháng đạt gần 200 tỷ đồng, tăng 42% so cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này chỉ đạt hơn 120 tỷ đông, giảm hơn 23% so với cùng kỳ năm ngoái, do khấu hao tăng khi nhà máy Võ Nhai mới đi vào hoạt động từ tháng 3, đóng cửa cửa hàng TNG Fashion do ảnh hưởng của dịch COVID-19…
Do chịu tác động từ dịch COVID-19, nên số lượng đơn hàng cả năm của TNG sẽ giảm mạnh với giả định tình hình dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt vào cuối năm nay. Điều này sẽ khiến TNG khó hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2020.
- 302 tỷ đồng là dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư của TNG tính đến thời điểm cuối tháng 8/2020.
Đáng chú ý, khoản thu ngắn hạn khách hàng của TNG đến cuối tháng 8 lên tới hơn 1.008 tỷ đồng, tăng tới 176% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tồn kho cuối kỳ cũng tăng hơn 12% lên hơn 968 tỷ đồng. Do đó, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của TNG âm tới hơn 338 tỷ đồng, tăng 136% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, để hoàn thiện hệ sinh thái dệt nhuộm tại miền Bắc nhằm giải quyết các vấn đề về xuất xứ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm để hưởng lợi từ các FTA, TNG đang triển khai đầu tư dự án Cụm Công nghiệp Sơn Cẩm 1 với quy mô 70,5 ha và thời gian hoạt động là 50 năm. Thế nhưng, cái khó của TNG là dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư cuối kỳ đang âm tới hơn 302 tỷ đồng, tăng 162% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, doanh nghiệp này sẽ phải xoay xở nguồn vốn để thực hiện dự án này, cũng như phục vụ sản xuất kinh doanh.
Thách thức phát hành trái phiếu
Trong bối cảnh dòng tiền đầu tư, kinh doanh âm, TNG sẽ phát hành 15.000 trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo. Tổng giá trị đợt phát hành là 150 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu kỳ hạn 3 năm, trả lãi 3 tháng/lần với lãi suất cố định 10%/năm.
Các tài sản đảm bảo cho đợt phát hành này gồm cổ phiếu của một số lãnh đạo công ty, như Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Thời; Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Mạnh; Thành viên HĐQT Nguyễn Mạnh Linh và một phần nhà xưởng, máy móc thiết bị của Nhà máy Đại Từ thuộc sở hữu của TNG. Tổng số cổ phiếu TNG dùng làm tài sản đảm bảo là 17.109.819 cổ phiếu. Tính theo mức giá đóng cửa ngày 24/9, số cổ phiếu này tương đương gần 200 tỷ đồng.
Được biết, số vốn huy động được sẽ tăng quy mô vốn hoạt động và đầu tư Dự án cụm Công nghiệp Sơn Cẩm 1, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.
Tính đến cuối tháng 8, tổng nợ phải trả của TNG lên tới hơn 2.753 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn. Đáng chú ý, nợ phải trả của TNG đang gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu. Nếu cộng thêm khoản nợ trái phiếu nói trên, thì áp lực trả nợ của TNG sẽ lớn hơn nhiều.
Hơn nữa, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro do tác động của đại dịch COVID-19 và TNG cũng đang gặp khó khăn do dịch bệnh, thì rủi ro giảm giá cổ phiếu cũng khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại khi doanh nghiệp này sử dụng cổ phiếu làm tài sản thế chấp phát hành trái phiếu.
Những lo ngại trên là có cơ sở khi trong lịch sử từng có những trường hợp các ngân hàng phải bán giải chấp cổ phiếu để thu hồi nợ vay, như VietCapitalBank từng giải chấp 2,62 triệu cổ phiếu HNG, hay như ACB cũng giải chấp 5,82 triệu cổ phiếu HNG...
Có thể bạn quan tâm