Thị trường lên cơn "khát" cổ phiếu OGC
Cổ phiếu OGC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương đã tăng trần 3 phiên liên tiếp từ vùng giá 6.000đ/cp lên 7.560 đ/cp. Đây là mức giá cao nhất của cổ phiếu OGC trong nhiều năm qua.
Trong phiên giao dịch ngày 6/10, giá cổ phiếu OGC đóng cửa ở mức 7.560 đồng/cp, tăng 6,93%. Tính đến phiên ngày 6/10, cổ phiếu OGC đã tăng gần 100% trong vòng gần 2 tháng qua. Theo đó, khối lượng giao dịch cổ phiếu OGC cũng tăng vọt từ 1- 2 triệu cổ phiếu/phiên lên tới 9 triệu cổ phiếu khớp lệnh/phiên.
Đáng chú ý trong phiên giao dịch ngày 24/9, cổ phiếu OGC đạt khối lượng khớp lệnh kỷ lục 40,4 triệu cổ phiếu, tương ứng 13% vốn cổ phần của doanh nghiệp này. Kể từ đầu tháng 9/2020 đến nay, OGC cũng xuất hiện nhiều phiên giao dịch thỏa thuận với khối lượng lớn. Vậy OGC có gì hấp dẫn nhà đầu tư đến vậy?
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2020, OGC có 3 cổ đông lớn là Doanh nghiệp Tư nhân Hà Bảo nắm 16 triệu cổ phiếu (5,33%), ông Nguyễn Thành Trung nắm 15 triệu đơn vị (5% vốn – đang đăng ký bán 5 triệu cổ phiếu) và Cục Thi hành án Dân sự thành phố Hà Nội sở hữu 36 triệu cổ phiếu (12,02% vốn). Báo cáo tài chính cho thấy, doanh thu thuần của OGC đạt 263 tỷ đồng, giảm 37,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tài chính tăng mạnh từ 30,3 tỷ đồng lên 272 tỷ đồng giúp OGC có lãi 127 tỷ đồng.
Nguồn thu tài chính của OGC đến từ việc công ty con – Công ty Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH) hoàn thành chuyển nhượng 3,6 triệu cổ phiếu Công ty IOC và 2,49 triệu cổ phiếu Công ty Suối Mơ, ghi nhận lãi 259 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh có lãi 2 năm gần đây giúp lỗ lũy kế của OGC giảm còn 2.722 tỷ đồng.
Ngoài ra, OGC đã công bố sẽ chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu OCH để tạo nguồn tiền thanh toán công nợ và phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Giá chuyển nhượng không thấp hơn giá tham chiếu tại từng thời điểm chuyển nhượng. OGC dự thu từ 150- 160 tỷ đồng từ thoái vốn OCH.
Được biết, trong kế hoạch cơ cấu toàn diện hoạt động kinh doanh, Ban lãnh đạo OGC cho biết tập trung vào lĩnh vực thế mạnh là sản xuất kinh doanh thực phẩm và chuỗi khách sạn nghỉ dưỡng. Theo đó, OGC thực hiện các biện pháp để đẩy mạnh doanh thu của hệ thống khách sạn Starcity, Sunrise và tìm cơ hội mở rộng sản phẩm khác.
Đồng thời, OGC triển khai mạnh các giải pháp thu hồi khoản phải thu quá hạn thanh toán, đánh giá lại hiệu quả các khoản đầu tư bất động sản, tiếp tục đối tác chiến lược để thực hiện thoái vốn một số khoản đầu tư chưa hiệu quả, tạo nguồn lực cho các dự án trọng tâm.
Tính đến 30/6/2020, OGC có khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi 3.928 tỷ đồng, giảm 114 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Tuy nhiên, những thông tin nói trên không làm cổ phiếu OGC hút mạnh dòng tiền như vậy. Theo ông Nguyễn Chí Thành, Nhà đầu tư trên sàn MBS, cổ phiếu OGC đã tăng mạnh thời gian qua khi HDBank công bố thông tin trở thành cổ đông lớn của Tập đoàn này. Theo đó, HDBank đã nhận về 16 triệu cổ phiếu OGC từ việc xử lý nợ, tương đương tỷ lệ sở hữu 5,33% vốn điều lệ của OGC. Hiện HDBank cho biết đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng số cổ phần này theo phương thức thỏa thuận, dự kiến thực hiện trong tháng 10/20120.
Có thể bạn quan tâm