BDP hủy niêm yết vì đâu?
Vừa qua, Công Cổ phần Biệt thự và Khách sạn Biển Đông Phương (HNX: BDP) đã phải xin phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hủy đăng ký niêm yết.
Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về việc hủy đăng ký giao dịch đối với 25 triệu cổ phiếu BDP. Được biết, BDP là chủ đầu tư của khách sạn 5 sao Sheraton Đà Nẵng Resort, TP Đà Nẵng.
Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chấp thuận yêu cầu hủy niêm yết của BDP theo nguyện vọng của công ty này.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch, bao gồm dịch vụ khách sạn - nghỉ dưỡng. Do đó, khách sạn 5 sao Sheraton Đà Nẵng của BDP phải đóng cửa phần lớn thời gian trong quý II/2020, đẩy doanh thu của BDP chạm đáy, khiến lỗ ròng tăng mạnh.
Việc khách sạn tạm thời đóng cửa nên doanh thu quý 3/2020 chỉ đạt hơn 8,2 tỷ đồng, giảm tới hơn 92% so với cùng kỳ năm ngoái. Thong khi đó, các chi phí cố định gần như không đổi, dẫn đến lợi nhuận gộp kỳ này giảm mạnh so với kỳ trước. Ngoài ra, chi phí lãi vay và chi phí khấu hao tài sản cố định cao dẫn đến kết quả kinh doanh trong quý 3/2020 lỗ 86,61 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái (lỗ 34,6 tỷ đồng).
Theo giải trình của BDP, trong quý 3/2020, thành phố Đà Nẵng tiếp tục chịu tác động nặng nề do làn sóng COVID-19 thứ hai, dẫn đến việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, đồng thời ngăn cấm các chuyến bay nội địa và quốc tế đến Đà Nẵng. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động kinh doanh khách sạn và du lịch địa phương, trong đó có Sheraton Grand Đà Nẵng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, BDP đạt doanh thu thuần 63 tỷ đồng, giảm 78%; lỗ ròng 233 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm ngoái. Điều này làm tăng số lỗ lũy kế của Công ty lên 571 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu cũng âm 317 tỷ đồng.
Dòng tiền hoạt động kinh doanh giai đoạn này âm 75 tỷ đồng, dòng tiền đầu tư vẫn được duy trì, thậm chí còn nhỉnh hơn năm ngoái khiến âm 81 tỷ đồng. Để có nguồn tiền tài trợ, BDP phải đẩy mạnh vay nợ, dòng tiền thuần dương 138 tỷ đồng từ hoạt động tài chính.
Tài sản của BDP chủ yếu được tài trợ từ các khoản nợ ngắn dài hạn. Tại thời điểm 30/9, nợ vay ngắn hạn tăng lên 403 tỷ đồng, nợ vay dài hạn 849 tỷ đồng. Bên cạnh đó, BDP còn khoản phải trả dài hạn 1.448 tỷ đồng là các hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác.
Cơ cấu cổ đông của BDP là hết sức cô đặc tính đến thời điểm cuối tháng 7/2020. Theo đó, 97,74% vốn cổ phần thuộc về CTCP Đầu tư Dịch vụ Du lịch Đại An.
Như vậy, với kết quả kinh doanh kém khả quan trong năm 2020, lỗ lũy kế tăng cao, âm vốn chủ sở hữu và cổ phiếu BDP không có giao dịch, có thể là nguyên nhân chính khiến BDP quyết định hủy niêm yết.
Có thể bạn quan tâm