Cổ phiếu VHC có kịp bứt tốc?
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và thách thức, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) có kịp bứt phá để về đích trong năm nay.
Theo công bố kết quả kinh doanh quý 3/2020, VHC ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.800 tỷ đồng, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 175,4 tỷ đồng, giảm 31%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của VHC đạt 5.093 tỷ, giảm 10.6% so với cùng kỳ và LNST đạt 551,6 tỷ, giảm 43,8%. Như vậy, tính tới quý 3/2020, VHC đã hoàn thành 59% kế hoạch doanh thu và 52% kế hoạch LNST của năm nay.
Mặc dù kết quả kinh doanh quý 3 không mấy khả quan so với cùng kỳ, nhưng so với giai đoạn quý 1 và quý 2 thì sự hồi phục trong quý 3 của VHC là rất đáng kể. Điều này chủ yếu nhờ vào thu nhập tài chính tăng 100% so với cùng kỳ, do ghi nhận lãi 37 tỷ từ khoản chốt lãi đầu tư cổ phiếu MWG và sự tăng trưởng mạnh mẽ của mảng chăm sóc sức khỏe (wellness).
Đặc biệt, riêng mảng wellness, doanh thu tăng 20% so với quý 3/2019. Các chuyên gia trong ngành đánh giá, hiện VHC đang nằm trong top 7 nhà sản xuất collagen-gelatin lớn trên thế giới với thị phần ước tính 0,5%. Tỷ trọng doanh thu của của mảng wellness trong cơ cấu VHC cũng đã tăng lên 8,5% trong 9 tháng đầu năm 2020 so với mức 6,5% vào cuối 2019.
Qua phân tích từ Công ty Chứng khoán Yuanta, giá cá tra đã tăng trở lại kể từ đầu tháng 10 do nhu cầu ở thị trường Mỹ và Trung Quốc phục hồi, mở ra kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý 4 cho VHC sẽ cải thiện ở mảng này.
Thực tế cho thấy, lợi nhuận gộp của VHC đã giảm đáng kể 38,1% so với cùng kỳ còn 229 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp giảm còn 12,7%, từ 19,7% trong quý 3/2019 và 19,6% trong quý 2/2020. Giá xuất khẩu cá tra đã giảm 16,9% trong quý 3/2020 so với cùng kỳ và giảm 12% so với quý trước xuống 2,67USD/kg. Công ty ghi nhận 70 tỷ đồng vào giá vốn hàng bán do dự phòng hàng tồn kho giảm giá và có thể sẽ hoàn nhập một phần trong quý 4.
Về triển vọng dài hạn, Yuanta cũng kỳ vọng cá tra xuất khẩu sẽ phục hồi mạnh từ năm 2021 khi dịch bệnh ở các nước được kiểm soát và cơ hội lớn từ EVFTA cho việc xuất khẩu sang các nước châu Âu.
Theo đó, trong số các thị trường xuất khẩu chính của VHC, chỉ có Châu Âu tăng trưởng tích cực trong quý 3/2020. Doanh thu từ thị trường này tăng 34,9% so với cùng kỳ lên 297 tỷ đồng, dù giảm 29% so với quý trước. Doanh thu xuất khẩu của VHC sang châu Âu đã tăng mạnh do hầu hết các sản phẩm được bán thông qua các siêu thị, nhờ đó không chịu nhiều tác động của dịch COVID-19
Song song với đó, nhu cầu các sản phẩm chăm sóc sức khỏe collagen & gelatin được đánh giá sẽ còn lớn, với việc sản xuất collagen & gelatin có chi phí thấp, cùng với tỷ lệ hấp thụ tốt hơn từ bò sẽ là lợi thế cho VHC. Dây chuyền sản xuất wellness mới của VHC cũng đã vào hoạt động từ tháng 10 sẽ giúp VHC đẩy mạnh công suất hơn khi nhu cầu thị trường gia tăng.
Tuy nhiên, VHC vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức như các quy định nhập khẩu chặt chẽ hơn của Trung Quốc do lo ngại dịch COVID-19 lây lan từ hải sản đông lạnh nhập khẩu.
Bên cạnh đó, thị phần và biên lợi nhuận tại thị trường Mỹ thấp hơn dự kiến do cạnh tranh từ các công ty mới trong ngành. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán HSC, doanh thu xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc đều giảm một con số trong quý 3/2020, cụ thể, doanh thu xuất khẩu sang Mỹ giảm 8,3% so với cùng kỳ còn 650 tỷ và tại Trung Quốc giảm 6,4% còn 354 tỷ đồng do giá cá tra fillet giảm.
Ông Nguyễn Thế Minh, giám đốc nghiên cứu phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta cho biết, ở mức giá hiện tại, VHC đang được giao dịch tại P/E (TTM) là 10.2x (tương ứng EPS là 4,126 VNĐ), thấp hơn nhóm Sản xuất thực phẩm là 20.4x. Mức Stock Rating của VHC ở mức 86 điểm, vẫn được duy trì đánh giá tích cực. Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/11, VHC đóng cửa ở mức 45.500đ/cp.
“Đồ thị giá của VHC xác lập mức cao nhất 52 tuần và có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực. Đồng thời, xu hướng ngắn hạn của VHC cũng được nâng lên mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại”, ông Minh khuyến nghị.