Nhiều cơ hội “phủ sóng” thị trường tại VTP
Trong nhóm các doanh nghiệp ngành vận chuyển– bưu chính, Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viễn Thông (Viettel Post, UPCoM: VTP) đang ở top ăn nên làm ra.
Dù đối mặt sức ép cạnh tranh lớn từ nhiều loại hình chuyển phát nhanh khác nhau, nhưng VTP có nhiều cơ hội “phủ sóng” thị trường.
Săn đón cổ phiếu VTP
Đợt bán đấu giá gần 5 triệu cổ phần VTP của chủ sở hữu Tập đoàn Viettel mới đây, đã ghi nhận kết quả ghi danh không ngoài dự đoán.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), số lượng nhà đầu tư đăng ký mua cổ phiếu VTP cao gấp 1,5 lần số lượng cổ phiếu chào bán. Mặc dù giá chào bán khởi điểm cao hơn 700 đồng so với thị giá, đạt 104.800 đồng/cp, nhưng giới chuyên môn vẫn dự báo rằng Viettel không chỉ thu được hơn 522 tỷ đồng trọn lô chào bán ban đầu, mà còn thặng dư giá đấu bình quân ở mức cao hơn đó nhiều. Bởi VTP trên sàn UPCoM cũng đã thăng hoa đạt tới 110.000đ/cp. Ngày 11/11 sẽ là thời điểm thị trường ghi nhận giá cổ phiếu VTP được chứng thực sức hấp dẫn của mình với các nhà đầu tư vẫn luôn chờ mong đặt chân vào lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt nhưng nhiều sức hút.
306 là lợi nhuận sau thuế hợp nhất 9 tháng đầu năm 2020 của VTP, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019.
Hiện Viettel vẫn đang nắm tỷ lệ sở hữu VTP ở mức 66,81%. Nếu đấu giá thành công lô gần 5 triệu cổ phiếu nói trên, Viettel sẽ chỉ còn nắm giữ 50,51% cổ phần VTP. Do bưu chính viễn thông là lĩnh vực mà các doanh nghiệp ngoại trong những năm qua luôn mong đợi và dò đường săn cơ hội đặt chân vào thông qua con đường cổ phần hóa, thoái vốn, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi VTP được săn đón đến như vậy.
Cạnh tranh vẫn còn phía trước
Nếu bỏ ngoài yếu tố COVID-19, thì cạnh tranh của thị trường bưu chính viễn thông với lĩnh vực chuyển phát là rất lớn. Nếu như lĩnh vực viễn thông đang diễn ra sự cạnh tranh chủ yếu giữa VinaPhone, MobiFone và Viettel thì các doanh nghiệp chuyển phát của 2 ông lớn đầu ngành viễn thông là Viettel Post và Vietnam Post gặp khó khăn nhiều hơn khi lĩnh vực này có sự xuất hiện của khoảng 300 đơn vị được cấp phép dịch vụ. Cùng với đó, sự gia nhập “quân đoàn” chuyển phát theo cách thức đầu – cuối của các ông lớn thương mại điện tử cũng chia sẻ thị phần của các doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp start up – các công ty của các tổ hợp thương mại điện tử - giao nhận lớn muốn nhắm vào các phân khúc ngách hẹp hơn, điển hình như Ahamove của Giao hàng nhanh. Cuối cùng là sự tồn tại của hàng loạt doanh nghiệp bưu chính không phép và rất nhiều nhà xe hoạt động bưu chính chuyển phát không phép dưới dạng xe khách vận chuyển hàng hóa liên tỉnh đến từng bến xe và đến tay người nhận với chi phí rẻ, tốc độ nhanh…
Với cơ cấu doanh thu có tới 66% đến từ hoạt động chuyển phát, rõ ràng VTP bị sức ép lớn mà con đường kinh doanh không hẳn chỉ trải hoa hồng như đánh giá của các nhà đầu tư thể hiện qua đánh giá cổ phiếu VTP. Để thay đổi cục diện này, VTP sẽ cần nguồn lực lớn hơn nữa để gia tăng mạng lưới hệ thống bưu cục cùng khai thác chuyển phát rộng lớn hơn.
Trong tương lai, một chuyên gia cho rằng ngoài thị trường chuyển phát Campuchia và Myanmar, VTP cần được Viettel hậu thuẫn để kết nối dịch vụ chuyển phát đến các quốc gia mà Viettel đang đầu tư. “VTP cần tìm kiếm các đối tác lớn, như Alibaba, Amazon, để tăng công suất hoạt động và đáp ứng nhu cầu lớn nhất của thị trường", vị chuyên gia này nói.
Có thể bạn quan tâm