Dòng vốn Hàn Quốc “đổ bộ” mạnh vào chứng khoán Việt Nam
Trong những năm gần đây, dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc có xu hướng đổ mạnh vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
Những thương vụ M&A khủng
Nhiều công ty chứng khoán (CTCK) Việt Nam trong những năm gần đây đã thực hiện các thương vụ M&A với các CTCK Hàn Quốc, “thay tên đổi họ” xuất hiện trên thị trường.
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp phép hoạt động cho Công ty TNHH Chứng khoán JB Việt Nam. Được biết, JB Việt Nam sẽ do The Kwangju Bank, Ltd. sở hữu 100% vốn. Đây là ngân hàng thương mại thuộc tập đoàn tài chính Hàn Quốc JB Financial Group, do ông Kim Doo Yoon làm đại diện.
JB Việt Nam được thành lập thông qua thương vụ sáp nhập với CTCK Morgan Stanley Gateway (MSGS), tiền thân là Chứng khoán Hướng Việt với giá trị thương vụ 16,5 triệu USD. Dự kiến JB Việt Nam sẽ được tăng vốn điều lệ lên 600 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hanwha đã mua lại Công ty Chứng khoán HFT và đổi tên thành Công ty Chứng khoán Pinetree.
Trước đó, trên TTCK Việt Nam có 6 CTCK vốn Hàn Quốc, bao gồm Công ty Chứng khoán KIS, Công ty Chứng khoán Mirae Asset, Công ty Chứng khoán Pinetree (tiền thân HFT, được Hanwha mua lại), Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (tiền thân là Công ty chứng khoán Maritime), Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam (tiền thân là Công ty Chứng khoán Nam An), Công ty Chứng khoán NH (tiền thân chứng khoán Woori CBV).
Như vậy, cả 4 CTCK lớn nhất tại Hàn Quốc đều đã hiện diện trên TTCK Việt Nam gồm Mirae Asset, NH Securities and Investment, KB Securities và Korea Investment and Securities.
Dư nợ margin kỷ lục
Tổng kết quý 3 trên TTCK Việt Nam, top 10 CTCK có dư nợ margin lớn nhất đều có đóng góp của các CTCK Hàn Quốc, đứng đầu là Mirae Aset (9.670 tỷ đồng), thiết lập kỷ lục mới về dư nợ trên TTCK Việt Nam bỏ xa các doanh nghiệp nội, vị trí thứ 4 là CTCK KIS với 3.854 tỷ đồng, KBSV với 2.641 tỷ đồng.
Xét về thị phần môi giới trên thị trường, theo Bảng xếp hạng thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ quý III/2020 của Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HSX), đáng chú ý trong top 10 thị phần có sự xuất hiện mới của hai cái tên đến từ Hàn Quốc là Mirae Asset Việt Nam 4,49% và KIS Việt Nam 3,78%. Đứng đầu bảng xếp hạng là SSI với 11,82%, xếp sau lần lược là HSC với 8,43%, VPS với 7,65%, VNDS với 7,12%.
Còn tại thị trường cổ phiếu niêm yết tại HNX trong quý III/2020, Mirae Asset Việt Nam chiếm 5,69%. Đáng chú ý, VPS xếp đầu bảng xếp hạng với thị phần 8,20%, theo sau là HDB chiếm 6,97%, SSI chiếm 6,89%.
Như vậy có thể thấy, dù các doanh nghiệp Hàn Quốc có dư nợ cho vay margin lớn trên thị trường, nhưng về thị phần môi giới, các doanh nghiệp nội vẫn có phần lợi thế “sân nhà” hơn các doanh nghiệp ngoại.
Áp lực cạnh tranh lớn
Với thế mạnh về tài chính từ các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ là “át chủ bài” để các CTCK Hàn Quốc nâng cao sức cạnh tranh với các doanh nghiệp chứng khoán Việt Nam.
Chẳng hạn tính đến 30/9, Công ty chứng khoán lớn nhất tại Hàn Quốc là Mirae Asset Deawoo có tổng tài sản khoảng 68.483 tỉ won (tương đương 1,4 triệu tỉ đồng). Hưởng lợi từ nguồn tài chính dồi dào của công ty mẹ, trong năm 2019, Mirae Asset (Việt Nam) tăng vốn điều lệ lên 5.455 tỉ đồng, trở thành CTCK có vốn điều lệ lớn nhất thị trường.
Vốn lớn giúp các CTCK Hàn Quốc gia tăng lợi thế cạnh tranh khi đua nhau hạ giá dịch vụ, đặc biệt khi Thông tư 128/2018/TT-BTC (Thông tư 128), thay thế cho Thông tư số 242/2016/TT-BTC quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ngân hàng thương mại tham gia vào TTCK Việt Nam đã chính thức có hiệu lực.
Thông tư này đã cho phép không còn mức giá sàn dịch vụ mua, bán chứng khoán 0,15%, hay các CTCK có thể cạnh tranh lẫn nhau từ việc giảm phí dịch vụ. Kể từ khi ra đời Thông tư 128, một số CTCK như VPS, FPTS, Yuanta, Pinetree…đã tiến hành hạ phí giao dịch, thậm chí một số công ty miễn phí giao dịch chứng khoán để thu hút sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư.
Không những vậy, với lợi thế huy động được nguồn vốn lãi suất rẻ từ nước ngoài, các CTCK vốn ngoại có thể cho vay margin với lãi suất cực kỳ ưu đãi từ 8-9%/năm, thấp hơn rất nhiều so với các CTCK nội (dao động từ 12-14%/năm). Điều này đang khiến xu hướng dịch chuyển của nhà đầu tư sang các CTCK có chi phí thấp.
Như vậy, với chi phí cao hơn các doanh nghiệp ngoại, các CTCK nội sẽ khó lòng níu chân nhà đầu tư hơn, đặc biệt là các nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Điều quan trọng hiện nay, CTCK nội cần làm thế nào để giữ chân các khách hàng hiện tại và thu hút thêm các khách hàng mới, bởi các CTCK ngoại sẽ hiện diện ngày càng nhiều ở Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm