BCI - “Chìa khóa” nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp
Được sự chỉ đạo của VCCI, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với INBUS, VAA, VACD tổ chức chương trình: “Đánh giá Năng lực hoạt động Doanh nghiệp – BCI) vào chiều ngày 10/12/2020 tại Hà Nội.
Chương trình được triển khai thường niên từ năm 2013, là cơ sở để doanh nghiệp nắm được tình hình “sức khỏe” của mình, qua đó khắc phục hạn chế, triển khai các giải pháp phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Đây cũng là cơ sở giúp các tổ chức, cá nhân quyết định đầu tư hợp lý và hiệu quả.
Cơ sở thẩm định, đánh giá
Ở Việt Nam, số lượng doanh nghiệp niêm yết khoảng 1.700- 1.800 doanh nghiệp, trong đó khoảng 1.300- 1.500 doanh nghiệp có báo cáo tài chính (BCTC) được xác nhận bởi Kiểm toán. Đây là nguồn tư liệu đủ tin cậy và khách quan để tiến hành đánh giá và so sánh. BCI được xây dựng trên cơ sở 21 chỉ số tài chính cơ bản chia thành 6 nhóm (khả năng thanh toán, hiệu quả kinh doanh, đòn bẩy tài chính, cổ tức, khả năng sinh lời, bỏ toàn vốn, doanh thu…). Các chỉ số được đánh giá cho từng doanh nghiệp, được sử dụng để so sánh giữa hai năm liên tiếp để xác định mức độ cải thiện về năng lực tải chính doanh nghiệp. Kết quả này cũng được sử dụng để so sánh “chéo” giữa các doanh nghiệp trong và ngoài ngành để xác định “vị trí” tương đối của doanh nghiệp.
Kết quả so sánh sẽ cho biết thứ hạng của doanh nghiệp trong nhóm doanh nghiệp, ngành và các ngành khác nhau theo cách phân loại ngành của Tổng cục Thống kê. Việc tôn vinh doanh nghiệp trong Lễ công bố “Top Doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh tốt nhất 3 năm liên tiếp và Top Doanh nghiệp có có năng lực cạnh tranh tốt nhất năm 2019– cũng là những kết quả được rút ra từ việc phân tích này.
Nâng tầm Chương trình
Thành công của chương trình đã được ghi nhận khi vào tháng 3/2020, Chủ tịch VCCI đã ký ban hành Quyết định về Chương trình Năng lực Doanh nghiệp Quốc gia Việt Nam, nâng hoạt động này lên một cấp độ cao hơn. Theo đó, việc đánh giá năng lực doanh nghiệp của Chương trình được mở rộng cả về mặt số lượng (đối tượng doanh nghiệp) và chất lượng (lĩnh vực năng lực).
Về đối tượng, doanh nghiệp thuộc mọi đối tượng, lĩnh vực hoạt động đều được hoan nghênh và có quyền được đánh giá và tôn vinh. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất và công bằng, thông tin được sử dụng là các BCTC đã được kiểm toán và các phiếu khảo sát.
Về lĩnh vực, kết quả hoạt động tài chính là một nguồn tư liệu quý báu nhưng chỉ phản ánh một phần năng lực hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, việc đánh giá năng lực sẽ được triển khai từng bước trên cơ sở các chỉ số về năng lực hoạt động (Business Capacity Index) hoặc năng lực cạnh tranh (Business Competitiveness Index) được phát triển dựa trên các chỉ số KPI liên quan được chọn lọc và các mô hình đánh giá năng lực doanh nghiệp được áp dụng tại nhiều quốc gia. Những công cụ này khẳng định sự tin cậy về cơ sở khoa học cho các chỉ số BCI khi áp dụng vào thực tế tại Việt Nam.
Công cụ chính sách hữu hiệu
Việc đánh giá doanh nghiệp không chỉ là các hoạt động mang tính nghiệp vụ của từng tổ chức đơn lẻ, mà trở thành một công cụ chính sách hữu hiệu để trợ giúp doanh nghiệp phát triển.
Trên cơ sở một nghiên cứu khả thi trong 2 năm của Chính phủ Nhật Bản tại Việt Nam, một dự án của JICA đã bắt đầu triển khai để kết nối mạng lưới và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hội nhập khu vực và thế giới. BCI đã tạo được sự chú ý của các nhà thiết kế dự án này. Trong khuôn khổ một dự án VIE181/72044018C00002 đang được Văn phòng Chính phủ và Bộ KH&ĐT triển khai bằng nguồn của USAID, một số nhiệm vụ đã được triển khai để xây dựng hệ thống thông tin doanh nghiệp và bộ chỉ số đánh giá năng lực BCI. Với những kết quả thu được, có thể thiết lập cho mỗi tổ chức, doanh nghiệp một “Hồ sơ Sức khỏe Doanh nghiệp” (Phiếu Sức khỏe Doanh nghiệp). Khi đó, việc trợ giúp doanh nghiệp bằng các nguồn lực của Chính phủ hoặc các hoạt động của các tổ chức trong và ngoài nhà nước sẽ trở nên thuận lợi hơn và hữu hiệu hơn rất nhiều.
Hy vọng rằng trong thời gian tới, BCI có thể sớm xuất hiện một cách chính thức như: (i) một phương tiện kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp thuộc các nền kinh tế khác; (ii) một công cụ để giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực hữu dụng; (iii) cơ sở để xác định nhu cầu phát triển và thiết kế các chính sách hữu hiệu trợ giúp doanh nghiệp.
Trên đà phát triển, Chương trình BCI được kỳ vọng sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển bằng những hoạt động, sự kiện, ấn phẩm, cầu nối… hữu ích trong tương lai.