Năm 2020: Năm "bùng nổ" của thị trường vốn
Ngược dòng COVID-19, nhiều cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh, cùng nhiều nhà đầu tư F0 đã “thắng" thị trường một cách ngoạn mục.
Nếu so sánh lĩnh vực nào hay kênh đầu tư nào “thắng thế” nhất trên thị trường “năm COVID-19 thứ nhất”, thì dẫn đầu chắc chắn là chứng khoán.
Thống kê của Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho thấy tính đến ngày 30/11/2020, tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán đạt hơn 6,11 triệu tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay, chiếm 101,33% GDP. Theo đó, vốn hóa thị trường đã hoàn toàn vượt mục tiêu chiếm 70% GDP đề ra trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán tới năm 2020.
Cũng tính đến 30/11/2020, thị trường có sự bùng nổ với lực gia nhập từ các nhà đầu tư mới (F0). Tổng số tài khoản mở mới trong năm đạt 332.886 tài khoản; trong đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 329.452 tài khoản. Thanh khoản thị trường ghi nhận những kỷ lục với xấp 1 tỷ USD /phiên (gần 23.562 tỷ đồng) trên 2 sàn vào ngày 15/6/2020. Giá trị khớp lệnh liên tục đạt trên 10.000 tỷ đồng/ phiên khi tiền tiếp tục ồ ạt đổ vào thị trường trong tháng 12, đưa VN-Index hướng tới mục tiêu gần 1.100 điểm.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán phái sinh, thay vì “bùng lên thế chân các chỉ số xuống điểm” như thời kỳ mới ra mắt, cũng đã có sự bùng nổ. Ghi nhận tính đến hết tháng 11/2020, số tài khoản phái sinh đạt 161.992 tài khoản; trong đó, số lượng mở mới trong năm 2020 là hơn 70.000 tài khoản - mức cao nhất trong vòng 4 năm hoạt động.
Ở thị trường trái phiếu, mặc dù có sự hạn chế từ Nghị định 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/9/2020 nhưng chính sách mới cũng không cản kỷ lục mới của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong 11 tháng 2020, tổng lượng phát hành thành công trái phiếu doanh nghiệp đã tăng tới gần 25% so với cả năm 2019. Tổng giá trị phát hành có thể cán mốc hơn 360.000 tỷ đồng. Số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp góp sức làm tăng lực thành công cho thị trường. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo đó đã tăng vượt lên 2 con số phần trăm so với mức tròn 10,85% GDP của 2019, vượt mục tiêu đề ra trong năm 2020 tại lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Thị trường vốn, cả cổ phiếu lẫn trái phiếu bùng nổ và vượt mọi mục tiêu, mọi lộ trình kế hoạch, theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, là có những kỳ vọng từ chính sách của Chính phủ về tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam và khả năng chống chịu của doanh nghiệp với những tác động từ đại dịch COVID-19 trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, cùng với gói hỗ trợ mà Chính phủ đã ban hành để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, chính sách nới lỏng tiền tệ và các đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng đã đưa “tiền rẻ” trở nên ngày càng rẻ hơn.
Theo ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, chuyên gia Tài chính, nếu so sánh với các kênh đầu tư, cổ phiếu và trái phiếu đã, đang và sẽ còn là “điểm sáng” hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp lẫn nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư mới.
“Trong suốt năm 2020, thị trường bất động sản đã bộc lộ sự khó khăn, “nằm kho” ở một số phân khúc nhất định, đặc biệt là các phân khúc gắn với nghỉ dưỡng, du lịch, khách sạn và nhu cầu kinh doanh như bán lẻ, văn phòng cho thuê… Kênh đầu tư vàng tăng giá mạnh đi cùng là những rủi ro khi biên độ chênh lệch của giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế quá lớn. Nhiều người vẫn tiếp tục tranh thủ đưa “tiền rẻ” vào chứng khoán với kỳ vọng kênh đầu tư sinh lời như “hàn thử biểu” đi trước, thể hiện vị trí cực tăng trưởng của Việt Nam trong COVID-19 trên bản đồ toàn cầu”, ông Hoàn nói.
Một yếu tố cũng có tính nâng đỡ cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm COVID-19 là thông tin về nâng hạng thị trường. Mặc dù thông tin này đã có từ khá lâu và thị trường đã "nhờn thuốc", song thực tế một số quốc gia được nâng hạng đã gián tiếp tăng tỷ trọng vốn cho Việt Nam. Cụ thể, Morgan Stanley Capital International đã chính thức nâng hạng thị trường chứng khoán Kuwait từ cận biên lên mới nổi vào tháng 11/2020, qua đó cũng giúp Việt Nam thu hút dòng vốn của các quỹ đầu tư vào nhóm thị trường cận biên nhằm tăng tỷ trọng thay thế cho Kuwait.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng lạc quan về việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những tiến triển thuận lợi. Trong năm 2021, giới đầu tư dự báo có thể thị trường sẽ tiếp tục hưởng lợi từ câu chuyện này.
Theo SSI Reseach phân tích, dự báo trước hết phải nhìn vào các động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm tới. Trong đó đáng lưu ý là các tác động từ các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA và RCEP. Cùng với đó, tiêu dùng sẽ hồi phục trong 2021.
SSI đặt dự báo triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam tích cực tương tự chỉ tiêu điều chỉnh mà World Bank đưa ra ở mức 6,5%. Riêng VN-Index, theo SSI sẽ liên tục tăng trưởng vượt trội hơn so với chỉ số MSCI FM trong 5 năm qua. Và nếu dòng vốn trở lại Việt Nam trong 2021, đặc biệt tỷ trọng cao hơn cho Việt Nam trong chỉ số MSCI FM, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh cho thị trường chứng khoán năm sau.
Có thể bạn quan tâm