Giữ 86% thị phần sữa đậu nành, Vinasoy có bị ảnh hưởng bởi “cơn sốt” giá nông sản?
Nắm giữ vị trí số 1 trên thị trường sữa đậu Việt Nam, với 86% thị phần, liệu Công ty CP Sữa Đậu này Việt Nam – Vinasoy có chịu ảnh hưởng từ “cơn sốt” giá nông sản bất thường trên thị trường thế giới?
Giá nông sản nguyên liệu tăng bất thường
Trong những tháng gần đây, giá các loại nông sản nguyên liệu như: đậu tương, lúa mì, gạo, ngô…đang tăng cao bất thường trên thị trường thế giới. Cụ thể, giá nguyên liệu đậu nành đã tăng 53%, trong 2 tháng qua. Giá gạo của Thái Lan cũng đã lên tới 550 USD/tấn, cao nhất kể từ năm 2013. Ngay cả dầu cọ, một sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường châu Á cũng đang có mức giá đắt nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Tờ Nhật báo Tiếng Vang của Pháp cho rằng, nguyên nhân khiến cho giá nông sản nguyên liệu tăng mạnh là do lo ngại hạn hán ở Nam Mỹ, mưa nhiều ở Malaysia và Indonesia tác động xấu đến sản lượng… Tuy nhiên, lý do lớn nhất làm cho thị trường nông sản căng thẳng là do Trung Quốc gia tăng nhập khẩu các sản phẩm nguyên liệu nông sản.
Trung Quốc đang gia tăng ồ ạt nhập khẩu nông sản ở mức độ cao bất thường. Quốc gia này công bố sẽ tăng gấp 3 lần lượng ngô nhập khẩu, tăng sản lượng lúa mì lên 10 triệu tấn, gấp 2 lần so với năm 2020. Trên thị trường đậu tương, Trung Quốc cũng đứng đầu bảng xếp hạng, nhập khẩu tới 100 triệu tấn.
Giá nguyên liệu nông sản tăng cao đang khiến nhiều nước châu Âu bối rối. Bởi thị trường này cần một lượng lớn nông sản để chế biến thức ăn cho gia súc. Trong khi đó, sản lượng ngũ cốc ở nhiều quốc gia của châu lục này đã giảm đi một nửa, khi giá ngũ cốc xuống thấp trong vòng gần 10 năm qua.
Động thái tăng nhập khẩu các sản phẩm ngũ cốc bất thường gần đây của Trung Quốc, khiến giá nguyên liệu ngũ cốc tăng cao được giới quan sát đanh giá là sẽ ảnh hưởng mạnh đến giá đầu vào của chuỗi sản xuất, trong đó có Việt Nam. Hàng loạt đơn vị kinh doanh từ thức ăn chăn nuôi, đến sản xuất thực phẩm, sữa sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Nhiều thách thức với Vinasoy
Tại Việt Nam, một đơn vị thành viên của Công ty CP Đường Quảng Ngãi (HoSE: QNS) là Vinasoy nhiều năm nay luôn giữ vị trí số 1 trong ngành sữa đậu.
Theo ghi nhận bởi Nielsen, trong năm 2020, thị phần sữa đậu nành Vinasoy đạt 85,8%. Đặc biệt, tháng 12/2020 Vinasoy chiếm 87,3% thị phần sữa đậu nành bao bì hộp giấy, tăng đến 2,9 điểm % so với cùng kỳ năm 2019.
Được biết, sữa đậu nành là một trong những mặt hàng thực phẩm chịu tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19. Sản lượng tiêu thụ trong năm đạt 250 triệu lít. Riêng QNS, doanh thu mảng sữa đậu nành trong năm 2020 giảm khoảng 10% do áp lực từ COVID-19.
Vinasoy hiện đang sở hữu thị trường phân phối rộng khắp trên cả nước với hai kênh bán hàng chủ lực là truyền thống và hiện đại. Ngoài ra, thương hiệu Vinasoy cũng đã chính thức có mặt tại các thị trường quốc tế lớn như Trung Quốc và Nhật Bản.
Tại thị trường Trung Quốc, Vinasoy đã có mặt trên 11 trang thương mại điện thử lớn; 314 siêu thị thuộc 12 chuỗi siêu thị tại Miền Đông. Còn tại thị trường Nhật Bản, Vinasoy hiện cũng đã được bày bán tại 680 cửa hàng trên toàn đất nước mặt trời mọc.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia nhận định, trước tình hình biến động giá nông sản, cụ thể là đậu nành, trên thị trường thế giới, biên lãi mảng này của QNS năm 2021 có thể chịu nhiều thách thức.
Theo ước tính của Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCCS), biên lợi nhuận ròng mảng sữa đậu nành của QNS sẽ giảm từ 20,1% xuống còn 18% năm 2021 do giá các nguyên liệu chính như đường và đậu nành tăng đột biến.
VCSC kỳ vọng doanh thu mảng sữa đậu nành sẽ tiếp tục tăng nhưng giá nguyên liệu cao hơn sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của công ty trong năm 2021. Dù vậy, sản lượng bán mảng sữa đậu nành theo ước tính sẽ phục hồi 8% trong năm 2021 và đạt CAGR 6% trong giai đoạn 2021-2023.
Tương tự, các chuyên gia của SSI cũng cho rằng, doanh thu mảng sữa của QNS sẽ có thể phục hồi về mức như năm 2019, ban lãnh đạo đề ra kế hoạch tăng 18-20% về sản lượng. Sản phẩm mới dự kiến sẽ được tung ra vào khoảng quý 2 trong khi công ty tích cực đẩy mạnh các thị trường xuất khẩu như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
SSI ước tính, sản lượng sữa đậu nành Vinasoy ước tăng 7% và giá bán trung bình tăng 2% năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ chỉ đạt 40,6% (so với mức 44,4% năm 2020) do giá đậu nành và giá đường tăng mạnh. Cần lưu ý là công ty đã chốt được giá đậu nành cho một nửa nhu cầu đậu nành cho sản xuất năm 2021 ở mức giá tốt.
Có thể bạn quan tâm