Dệt may Thành Công sẽ hưởng lợi lớn từ EVFTA năm 2021?

NGUYỄN LONG 31/03/2021 06:30

CTCP Dệt May - Đầu tư - Thương mại Thành Công là một trong những cái tên sáng giá của ngành dệt may, được kỳ vọng có thể tận dụng được các ưu đãi từ các FTAs thế hệ mới.

Cổ phiếu TCM đã tăng trưởng

Cổ phiếu TCM đã tăng trưởng "nóng" trong thời gian qua.

Trong thời gian qua, cổ phiếu TCM đã tăng đột biến trong thời gian ngắn từ thị giá 20.000 đồng tăng vọt lên hơn 100.000 đồng/cp. Cơ sở nào để nhà đầu tư đặt kỳ vọng lớn vào TCM và liệu doanh nghiệp có gánh nổi kỳ  vọng này?

Phóng viên DDDN đã có trao đổi với ông Ngô Trí Vinh, Phòng Phân tích CTCK Bảo Việt Securities (BVSC).

- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về triển vọng tăng trưởng của Dệt May Thành Công và cổ phiếu TCM trong năm 2021? 

Về hoạt động kinh doanh, TCM với lợi thế về việc sở hữu chuỗi sản xuất hoàn chỉnh từ sợi, là một trong những điểm sáng của ngành dệt may đã đi ngược dòng thành công trong 2020 cũng như triển vọng tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.

Tuy nhiên, giá cổ phiếu TCM trong giai đoạn từ cuối 2020 đến nay đã tăng trưởng khá nhanh, tương đương mức P/E trượt 12 tháng và P/E dự phóng 2021 lần lượt là 22.6x và 20x, so với mức P/E bình quân quá khứ cho các doanh nghiệp ngành may thường dao động trong khoảng 6-9x.

Ngoài ra, bên cạnh các yếu tố về nội tại doanh nghiệp, diễn biến giá giai đoạn vừa qua cũng có thể phản ánh phần nào kỳ vọng vào việc cổ phiếu TCM sẽ được thêm vào rổ chỉ số VNDiamond trong đợt cơ cấu vào tuần cuối tháng 4 tới, từ đó sẽ được các quỹ mô phỏng chỉ số thêm vào danh mục.

Ông Ngô Trí Vinh.

Ông Ngô Trí Vinh.

- Theo ông những yếu tố nào sẽ hỗ trợ triển vọng cho TCM nói riêng và ngành dệt may nói chung trong năm nay?

Đầu tiên, các diễn biến tích cực của việc triển khai tiêm vắc xin tại các thị trường tiêu thụ lớn như US và EU được kỳ vọng sẽ hỗ trợ sự phục hồi của các đơn hàng xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam. Ngoài ra, các ưu đãi thuế quan theo lộ trình triển khai các Hiệp định Thương mại Tự do Song phương, Đa phương (FTAs) thế hệ mới như CPTPP và EVFTA sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng đơn hàng từ các thị trường thành viên EU, Canada, Úc, …

Thực tế, TCM với chuỗi sản xuất từ sợi trong 2020 đã bắt đầu tận dụng được các lợi thế từ các FTAs, từ đó bước đầu phát triển các thị trường mới, tiêu biểu là thị trường Canada và hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển bền vững đơn hàng tại các thị trường mới trong giai đoạn tới.

- Liệu TCM có thể là đại diện tiêu biểu cho sự phát triển của ngành Dệt may trong làn sóng FTAs thế hệ mới?

Như đã đề cập ở trên, với lợi thế chuỗi sản xuất hoàn chỉnh từ sợi, TCM là một trong những cái tên sáng giá của ngành dệt may Việt Nam được kỳ vọng có thể tận dụng được các ưu đãi từ các FTAs thế hệ mới.

- Ông có thể chia sẻ cụ thể, ngành dệt may sẽ hưởng lợi và đối diện các thách thức nào trong bối cảnh hiện nay?

Bên cạnh kỳ vọng về việc phục hồi nhu cầu may mặc toàn cầu hậu dịch, EVFTA là chìa khóa giúp cho ngành dệt may nâng cao vị thế của dệt may Việt Nam tại thị trường nhập khẩu may mặc lớn nhất thế giới này. Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam tại đây được cho là bền vững hơn nhờ EVFTA so với các ưu đãi thuế quan của các nhà cung cấp lớn khác như Bangladesh và Campuchia (ưu đãi dành cho các nước kém phát triển EBA). Tuy nhiên, trong ngắn hạn, tăng trưởng đơn hàng tại thị trường này không dành cho số đông doanh nghiệp may mặc tại Việt Nam do hai hạn chế chính (1) hạn chế về nguồn vải tự chủ trong nước nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ của FTA, với 60-70% lượng vải dùng sản xuất đơn may xuất khẩu được nhập khẩu và (2) quy chuẩn về các tiêu chí trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững của các nhà mua hàng EU được cho là tương đối cao, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi nâng cấp quy trình sản xuất nhà máy để có thể nhận được đơn đặt hàng từ nhóm khách hàng này.

- Trở lại năm 2020, nhiều doanh nghiệp dệt may đã hưởng lợi từ xuất khẩu khẩu trang y tế, trong đó có TCM. Liệu khi vắc xin đã phổ biến đại chúng và tình hình dịch bệnh được kiểm soát, yếu tố này có còn hỗ trợ chúng ta? Các doanh nghiệp cần chuẩn bị các phương án kinh doanh ra sao để kịp thích ứng thưa ông?

Các đơn hàng về thiết bị bảo hộ y tế thực tế là cứu cánh cho vài doanh nghiệp may mặc tại Việt Nam, tuy nhiên các đơn này chỉ mang tính ngắn hạn và thực tế từ cuối 2020, lượng đơn hàng này cũng đã bắt đầu giảm nhiệt khi tình hình dịch tại các nước cải thiện bên cạnh tiến độ tiêm chủng cộng đồng. Về trung và dài hạn, dệt may Việt Nam cần có những định hướng, chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu tự chủ nhằm tận dụng các ưu đãi thương mại từ các FTAs như CPTPP và EVFTA. Bản thân các doanh nghiệp may cũng cần thay đổi theo hướng đầu tư đáp ứng các quy chuẩn sản xuất cao hơn nhằm hướng tới việc phát triển bền vững đơn hàng từ các nhãn hiệu lớn, cũng như cải thiện năng lực sản xuất để thực hiện các đơn hàng OEM và ODM thay vì chú trọng số lượng với các đơn hàng thuần gia công CMT.

Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Dệt May Thành Công: Cổ phiếu liệu còn tăng “phi mã”?

    Dệt May Thành Công: Cổ phiếu liệu còn tăng “phi mã”?

    06:30, 30/03/2021

  • Xuất khẩu dệt may

    Xuất khẩu dệt may "tụt dốc"

    11:00, 26/03/2021

  • Ngành thời trang và dệt may cần chuẩn bị gì để phục hồi sau đại dịch?

    Ngành thời trang và dệt may cần chuẩn bị gì để phục hồi sau đại dịch?

    04:30, 20/03/2021

  • Nhiều mặt hàng dệt may Việt Nam bị cảnh báo ở EAEU

    Nhiều mặt hàng dệt may Việt Nam bị cảnh báo ở EAEU

    01:50, 15/03/2021

NGUYỄN LONG