VN-Index đã tăng đủ?
Nhà đầu tư nhỏ lẻ đang chiếm 90% lượng giao dịch trên thị trường do đó tâm lý của họ sẽ quyết định rất lớn đến chỉ số VN-Index. Nhưng VN-Index có quyết định được khả năng sinh lời của nhà đầu tư?
Thị trường tăng “nóng”
Kể từ khi thị trường chinh phục đỉnh lịch sử cách đây 3 năm là 1.200 điểm, tâm lý lạc quan của nhà đầu tư đã phản ánh khá rõ khi liên tiếp thị trường tăng điểm trong những phiên gần đây.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/6, VN-Index đã tăng 3,91 điểm lên 1.239,96 điểm, HNX-Index tăng 0,44 điểm lên 291,68 điểm. Thanh khoản thị trường duy trì ở mức rất cao, tổng khối lượng giao dịch đạt 972 triệu cổ phiếu, trị giá 21.660 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh chiếm 19.800 tỷ đồng, riêng sàn HoSE giá trị khớp lệnh chiếm 15.300 tỷ đồng. Khối ngoại trên HoSE bán ròng chỉ 2,4 tỷ đồng.
Triển vọng tăng trưởng của thị trường phụ thuộc nhiều vào tâm lý nhà đầu tư khi mà họ đặt kỳ vọng vào việc tăng trưởng các yếu tố vĩ mô của thị trường, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết khởi sắc nhờ vào việc kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 giúp hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường trở lại.
Thậm chí các chuyên gia phân tích của quỹ ngoại PYN Elite còn nhận định chỉ số VN-Index có thể đạt 1.800 điểm: "Chúng tôi đặt mục tiêu chỉ số VN-Index chạm 1.800 và cho rằng, đây là một mức thực tế. Không có gì là quá lạc quan khi đặt ra mốc này, bởi hãy nhìn vào dự báo tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp, triển vọng kinh tế lạc quan của Việt Nam và những cơ hội hiện hữu trên thị trường”.
Liệu dự báo trên có quá lạc quan? Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam, dự báo trên hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên theo vị Giám đốc này, trong năm 2021, Yuanta Việt Nam kỳ vọng VN-Index sẽ chạm ngưỡng 1.360 điểm.
“Còn với mức cao nhất 1.800 điểm, lạc quan nhất theo tôi vẫn là đạt 1.750 bởi vì có thể vẫn có xác suất, mức đỉnh P/E của chỉ số VN-Index trong lịch sử, P/E đã đạt đỉnh là 22.8 tức là gần 23 lần. Mức P/E này năm 2018 đã đạt được thì nếu giả định EPS tăng trưởng 23% theo mức P/E đỉnh tương ứng gần 23 lần (như năm 2018) thì nhiều khả năng VN-Index sẽ đạt 1.800 điểm” – ông Thế Minh nhận định.
Tâm lý nhà đầu tư phản ánh thị trường
Lý giải về đợt tăng “nóng” của thị trường trong thời gian qua cũng như các dự báo lạc quan thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Minh cho rằng chịu tác động từ nhiều yếu tố: Sự không ổn định của thị trường và tâm lý nhà đầu tư. Trong đó, tâm lý nhà đầu tư là quan trọng nhất.
“Tổng quan chung khi tỉ lệ giao dịch của nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm phần lớn trên thị trường. Mà hiện nay thị trường Việt Nam giá trị giao dịch của nhà đầu tư nhỏ lẻ đang rơi vào khoảng đâu đó khoảng 90% so với tổng giá trị giao dịch chung của thị trường. Như vậy khi đó tính chất tâm lý sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường” - Giám đốc phân tích Yuanta Việt Nam cho hay.
Vậy với tâm lý quá lạc quan của giới đầu tư trong đó chiếm đa số là nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ ảnh hưởng rất mạnh tới thị trường, nên chăng cần đặt câu hỏi liệu rằng họ có đang bị các chuyên gia, các quỹ đầu tư “lùa gà vào chuồng” để thu hút dòng tiền, tạo đợt sóng thị trường rồi chốt lời, gây nổ “bong bóng” hay không?
Theo ông Thế Minh, việc các chuyên gia đặt ra mức kỳ vọng là hoàn toàn bình thường. Warren Buffett hay nói “Đừng bao giờ nghe lời chuyên gia khi đầu tư”, bởi mỗi chuyên gia họ sẽ có vị thế riêng của mình và có lý do đằng sau mỗi lời khuyên đầu tư.
Có khả năng khi các chuyên gia nắm giữ lượng lớn cổ phiếu, họ sẽ kỳ vọng lạc quan về thị trường. Và trước khi thị trường đạt điểm dự báo 1.800, các chuyên gia này đã thoát hàng và chốt lời. Điều này là thực tế của thị trường và điều này đã xảy ra rất nhiều chứ không phải bây giờ.
Mặc dù đề ra mức 1.800 điểm lạc quan của thị trường, nhưng điều quan trọng cần phải nhìn vào thực tế của thị trường và có nhiều biến cố sẽ ảnh hưởng đến chỉ số này. Tâm lý lạc quan của nhà đầu tư hiện đang lớn hơn so với thời điểm năm 2018, dòng tiền bên ngoài thị trường đang quá mạnh.
Bên cạnh đó, mức định giá của thị trường, chỉ số P/E của Việt Nam đang ở mức khá thấp, định giá rẻ so với các thị trường châu Á khác và so với quá khứ của thị trường. Hiện VN-Index đang giao dịch với P/E forward 13,3 lần, thấp hơn so với các thị trường Indonesia, Malaysia, Thái Lan…
Trong quá khứ, vào năm 2018, mức P/E đã đạt ở mức 22.8 lần, đây cũng là năm nối tiếp chuỗi đà tăng của thị trường trong giai đoạn từ năm 2016-2017. Thời điểm đó, nổi bật lên câu chuyện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đưa các doanh nghiệp nhà nước lên niêm yết. Yếu tố này đã tạo tâm lý tích cực cho nhà đầu tư và giúp thị trường lần đầu tiên đạt đỉnh 1200 điểm.
Tuy nhiên, bức tranh thị trường năm 2021 lại có đặc thù riêng, khi mà năm 2020 trước đó do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dẫn đến các chỉ số vĩ mô thấp, nên sang 2021 dự kiến nhiều chỉ số vĩ mô sẽ tăng trưởng mạnh.
“Tâm lý của nhà đầu tư lúc này tin tưởng vào sự phục hồi của nền kinh tế điều này diễn ra cả trên thế giới, khi nhìn vào chỉ số Dow Jones, S&P 500 sẽ thấy nhiều đỉnh mới được thiết lập do vậy, VN-Index vẫn có thể xảy ra tình huống tương tự, lập đỉnh mới” – ông Minh lý giải.
Mức độ rủi ro thị trường
Theo ông Nguyễn Thế Minh, nhà đầu tư không nên quá lạc quan mà quên đi các mức độ rủi ro của thị trường. Rủi ro của thị trường dựa vào các yếu tố: Thứ nhất, lãi suất đã tăng mạnh hay chưa? Thứ hai, yếu tố margin trên thị trường như thế nào, có vượt xa tình hình hiện tại của các công ty chứng khoán và; Thứ ba là yếu tố tỷ giá.
Bên cạnh đó còn có các yếu tố khác như sự tăng trưởng của doanh nghiệp có đạt được sự kỳ vọng của nhà đầu tư hay không. Lấy ví dụ đà tăng trưởng cổ phiếu của nhóm ngân hàng thường sẽ rơi vào quý I, sang quý II sẽ tăng trưởng chậm lại và thông thường đây là giai đoạn các cổ phiếu này sẽ tạo đỉnh, thị trường sẽ không còn dư địa tăng nữa.
“Do vậy, nhà đầu tư cần phải xem xét các yếu tố rủi ro và các yếu tố nội tại của thị trường như đã nói ở trên tác động như thế nào đến thị trường lúc đó mới có thể kết luận thị trường sẽ lập đỉnh ở 1.360 điểm hay vượt qua mốc này và tiến tiếp”, chuyên gia nói.
Ngoài ra, yếu tố chỉ số VN-Index cũng không quyết định được nhà đầu tư có lãi hay không. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý khi VN-Index tăng vượt đỉnh, nhưng không phải lúc nào danh mục cũng có NAV tăng trưởng tương ứng.
Theo thống kê của SGI Capital, trong 3 năm chỉ số VN-Index đều tăng (năm 2014-2016) thì gần 50% nhà đầu tư ở cá nhân ở các công ty chứng khoán có nhiều nhà đầu tư cá nhân đều có NAV cuối năm thấp hơn đầu năm, nghĩa là nhà đầu tư vẫn lỗ khi VN-Index tăng.
Theo ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc SGI Capital, lời khuyên cho các nhà đầu tư để có lợi nhuận tốt trên TTCK, nhà đầu tư không nên quá quan tâm đến chỉ số VN-Index mà nên chú trọng vào tìm cổ phiếu tốt, để đi cùng doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Đầu tư cổ phiếu: Tập trung vào chất lượng thay vì chỉ số VN-Index
05:45, 29/03/2021
Đầu tư vào cổ phiếu hay trái phiếu khi nền kinh tế phục hồi?
05:30, 28/03/2021
Hoãn nâng lô lên 1.000, nhà đầu tư tiếp tục chờ giải pháp
05:06, 10/03/2021
Nâng lô cổ phiếu giao dịch trên HoSE lên 1.000/lệnh, nhà đầu tư “dậy sóng”
11:00, 03/03/2021