Những yếu tố nào tác động đến thị trường chứng khoán các quý tới?
Diễn biến dịch COVID-19, giá đầu, đồng USD, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ, lạm phát…sẽ tiếp tục tác động đến thị trường Chứng khoán Việt Nam trong một vài quý tới.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, biến động thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong những tháng đầu năm 2021 đã tiếp tục cho thấy sự ảnh hưởng mang tính chất chi phối từ bối cảnh vĩ mô toàn cầu nhiều biến động. Diễn biến dịch COVID-19, giá dầu, đồng USD, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ, các tín hiệu về sự thay đổi của chính sách tài khoá và tiền tệ của các Chính phủ và Ngân hàng trung ương, kỳ vọng lạm phát… đã và sẽ tiếp tục tác động mạnh đến TTCK Việt Nam trong một vài quý tới.
Trong khi đó, đối với các yếu tố tác động trong nước, kỳ vọng vào nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ từ mức nền thấp của năm 2020 dưới tác động của dịch COVID-19, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp bứt phá về tăng trưởng trong doanh thu và lợi nhuận sẽ là yếu tố có tính chất hỗ trợ thiết yếu cho diễn biến TTCK. Rủi ro trong nước tập trung chủ yếu liên quan đến lo ngại lạm phát, lãi suất tăng trở lại song hành cùng đà hồi phục của nền kinh tế.
Theo các chuyên gia của KBSV, các yếu tố chính có ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam trong các quý tiếp theo gồm:
Thứ nhất: Kinh tế thế giới và Việt Nam bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ của kinh tế toàn cầu, tương đồng với những kì vọng chung của các nhà kinh tế học. Cở sở của nhận định trên đến từ việc triển khai tiêm vaccine trên diện rộng ở một số nước đã giúp số ca nhập viện suy giảm, tạo tiền đề để nới lỏng giãn cách; Gói hỗ trợ tài khóa 1.9 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Biden mang tới hiệu ứng lan tỏa; Tỷ lệ tiết kiệm trên thu nhập toàn cầu ở mức cao, đặc biệt là ở Mỹ và chính sách hỗ trợ tiền tệ nới lỏng tiếp tục được duy trì.
Kinh tế Việt Nam có thể ghi nhận mức tăng trưởng cao trong năm nay. Với việc kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, nền kinh tế Việt Nam đang từng bước cho thấy sự hồi phục chắc chắn, phản ánh qua diễn biến tích cực của chỉ số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại quốc tế những tháng gần đây.
Thứ hai: Áp lực lạm phát của thế giới và Việt Nam bắt đầu xuất hiện nhưng chưa lớn. Thị trường đã xuất hiện những lo lắng về những tín hiệu cảnh báo lạm phát của Mỹ gia tăng trong thời gian tới, thể hiện qua mức độ tăng cao của giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển hàng hóa và qua mức tăng trưởng cung tiền đột biến của Fed.
Chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed có thể vẫn được giữ nguyên, thể hiện qua chính sách điều hành tiền tệ cho phép lạm phát duy trì trên 2% “trong một khoảng thời gian nhất định” và các phát biểu và tín hiệu nhất quán về việc giữ nguyên chính sách tiền tệ cho đến khi kinh tế Mỹ hồi phục. Dù vậy, các tín hiệu lạm phát và những thay đổi trong ngôn ngữ của Fed vẫn cần được theo sát kĩ trong thời gian tới.
Mặc dù xuất hiện một số yếu tố rủi ro tới lạm phát, KBSV kì vọng lạm phát của Việt Nam vẫn được kiểm soát tốt nhờ: Giá thực phẩm, bao gồm giá lợn, hạ nhiệt “bù đắp” cho giá giao thông tăng trở lại; Giá dịch vụ y tế có thể sẽ giữ nguyên để giảm áp lực lạm phát và chính sách tiền tệ nới lỏng ở mức vừa phải nên không gây áp lực lên lạm phát lõi.
KBSV cho rằng, NHNN sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ như hiện tại. Mức lãi suất điều hành hiện tại được xem là phù hợp để tạo môi trường nới lỏng cần thiết giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà vẫn tránh tạo áp lực lạm phát lớn.
Thứ ba: Lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ, Đồng Dollar và Dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) – rủi ro cần được theo dõi. Lợi suất trái phiếu 10Y của Mỹ đang trong xu hướng hồi phục trở lại, phản ánh kì vọng kinh tế hồi phục mạnh mẽ nhưng cũng thể hiện lo ngại của nhà đầu tư về rủi ro lạm phát và khả năng Fed sẽ nâng lãi suất trong tương lai. Đà tăng của lợi suất trái phiếu là điều không tránh khỏi nhưng tốc độ tăng nhanh trong thời gian ngắn có thể gây xáo trộn tiêu cực tới TTCK.
Áp lực bán ròng của NĐTNN vẫn lớn. Các TTCK mới nổi, bao gồm Việt Nam, thường đặc biệt nhạy cảm với những biến động tiêu cực của lợi suất trái phiếu Mỹ cũng như đồng USD, phản ánh qua mối quan hệ ngược chiều với dòng tiền khối ngoại, diễn biến giá. Tuy nhiên, KBSV cho rằng áp lực rút ròng khối ngoại ở TTCK Việt Nam không quá tiêu cực khi so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, kênh ETF, đặc biệt là ETF nội địa, vẫn được xem là điểm sáng thu hút dòng tiền NĐTNN.
Các chuyên gia của KBSV kỳ vọng chỉ số VNIndex sẽ hướng tới mốc 1.250 điểm ngay trong quý 2 khi mà các so sánh tương đối (với các thị trường trong khu vực và với dữ liệu lịch sử) cho thấy chỉ số VNIndex vẫn đang ở vùng giá hấp dẫn trong bối cảnh các yếu tố hỗ trợ tích cực đang có phần vượt trội so với các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực. Trong đó, các yếu tố hỗ trợ chính bao gồm: Fed và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn giữ nguyên chính sách tiền tệ nới lỏng; Kinh tế Việt Nam và thế giới phục hồi hậu COVID-19; Dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam được kiểm soát tốt và dịch bệnh trên toàn cầu được đẩy lùi nhờ tăng tốc phân phối vaccine; Lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng mạnh từ mức nền thấp của quý 1 năm trước.
Có thể bạn quan tâm
Dòng tiền trên thị trường chứng khoán đang biến động ra sao?
05:34, 20/03/2021
Thị trường chứng khoán cuối tháng 2: Đâu là thông tin nhà đầu tư nên quan tâm?
05:19, 20/02/2021
Dòng tiền rẻ tiếp tục “chảy” vào thị trường chứng khoán
06:04, 17/02/2021
Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán tháng 2?
06:35, 09/02/2021