“Bấp bênh” SHG
Do gặp nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng (UPCoM: SHG) liên tục lỗ ròng từ năm 2015 đến nay.
Điều này đặt ra rất nhiều thách thức khi Nhà nước muốn thoái vốn tại doanh nghiệp này trong năm nay.
Thua lỗ kéo dài
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, SHG ghi nhận doanh thu thuần hơn 41 tỷ đồng, giảm 53% so với năm 2019. Các chi phí lãi vay và quản lý doanh nghiệp vẫn ở mức cao, khiến Công ty tiếp tục lỗ ròng gần 57 tỷ đồng.
Đáng chú ý theo ý kiến kết luận của Kiểm toán trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, tại ngày 31/12/2020, SHG đã lỗ lũy kế hơn 1.029 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 723 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 663 tỷ đồng, lưu chuyển tiền tệ thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm âm 1,82 tỷ đồng, nợ xấu tín dụng cao. Do đó, SHG không đủ điều kiện về năng lực để tham gia các gói thầu nhằm tạo việc làm và nguồn tài chính cho công ty mẹ và các công ty thành viên.
723 tỷ đồng là khoản âm vốn chủ sở hữu của Tổng Công ty CP Sông Hồng tính đến cuối năm 2020.
Trong khi đó, doanh thu và sản lượng chủ yếu của các công trình chuyển tiếp của SHG dở dang từ các năm trước chuyển sang có hiệu quả thấp, lãi vay lớn. Công ty mẹ và tổ hợp các công ty thành viên vẫn tiếp tục mất khả năng thanh toán nghiêm trọng do nợ phải trả tiếp tục tăng từ phát sinh lãi vay phải trả cho công trình Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I, nợ phải trả liên quan đến nghĩa vụ bảo lãnh cho các công ty con. Theo Kiểm toán, thực trạng trên cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của SHG.
Những khó khăn, thách thức nói trên khiến giá cổ phiếu SHG luôn nằm dưới mệnh giá, gần như không có thanh khoản và hiện chỉ giao dịch quanh mức 3.400 đồng/cp.
Lận đận thoái vốn
Ngày 30/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 140/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH MTV do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.
Theo đó, Nghị định số 140/2020-NĐ-CP không quy định điều khoản chuyển tiếp đối với trường hợp các đơn vị đã phê duyệt phương án thoái vốn trước ngày 30/11/2020. Do đó, HNX cho biết, trong thời gian chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, phiên đấu giá bán cổ phần của SHG do Bộ Xây dựng sở hữu, vào ngày 25/12 đã bị tạm dừng để đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Chính phủ. Do vậy, năm 2021 SHG sẽ tiếp tục là tâm điểm thoái vốn của Nhà nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, so với năm 2020, áp lực thoái vốn Nhà nước tại SHG trong năm 2021 sẽ lớn hơn rất nhiều, bởi nếu không kịp thoái vốn thì cơ hội đến với SHG còn rất ít.
Bên cạnh đó, theo quy định về bảo toàn vốn nhà nước, cũng như phương án thoái vốn với mức giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần mà SHG đã trình Thủ tướng, thì với thị giá 3.400 đồng/cp, cộng với kinh doanh bết bát, nợ phải trả lớn, âm vốn chủ sở hữu cao, thì việc thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty này sẽ rất gian nan. Nhà đầu tư chiến lược nào dám ôm các khoản nợ và kinh doanh âm vốn chủ sở hữu của SHG là điều không tưởng. Bài toán đang chờ lời giải từ chính SHG…
Có thể bạn quan tâm
Khó "bung" cổ phần hóa, thoái vốn
11:00, 23/01/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tiếp tục thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo Quyết định 908/QĐ-TTg
18:00, 25/01/2021
Nhà đầu tư săn mua cổ phiếu doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn
06:00, 14/01/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Khẩn trương hướng dẫn Nghị định 140, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước
18:01, 06/01/2021