Phong độ cổ tức Vinamilk
Vinamilk vẫn sẽ tiếp tục đầu tư cho thương mại điện tử, lấy nền tảng là hệ thống Giấc mơ sữa Việt và hiện vẫn đứng trong top đầu về trả cổ tức cao cho cổ đông, với tỷ lệ 41%.
Theo đó, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021, cổ đông Công ty Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk (HoSE: VNM) đã chấp thuận phương án chi trả cổ tức cho cả năm 2020 cho cổ đông với tỷ lệ 41%, tức mỗi cổ phiếu cổ đông VNM sẽ nhận 4.100 đồng. Mức chia cổ tức này thấp hơn năm trước là 4%.
Đại hội cổ đông thường niên năm 2021, cổ đông VNM đã chấp thuận phương án chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 41%.
Trước đó VNM đã tạm ứng cổ tức hai lần với tỷ lệ lần lượt là 20%, 10% và đợt 3 này là 11%. Ngày chốt danh sách là 8/6 và dự kiến thanh toán vào ngày 30/6. Tổng số tiền công ty dành để trả cổ tức cho cả năm 2020 là 7.871 tỷ đồng, tương đương 71% lợi nhuận sau thuế phân phối cho cổ đông công ty mẹ.
Bà Mai Kiều Liên – Tổng Giám đốc VNM cho rằng, tỷ lệ cổ tức của năm 2020 có giảm so với năm ngoái, nhưng nguyên nhân do Vinamilk đã chia thưởng cổ phiếu, còn tổng số tiền chia cổ tức thực tế không giảm.
Hiện nay, cổ đông lớn nhất của VNM là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước sở hữu 36% vốn điều lệ và F&N Dairy Investments PTE.Ltd sở hữu 17,69% vốn điều lệ VNM. Với tỷ lệ cổ tức được chia, hai đơn vị này sẽ nhận về lần lượt là 827 tỷ đồng và 406 tỷ đồng cổ tức.
Mặc dù cho rằng, thương mại điện tử phát triển mạnh với hàng hóa tiêu dùng chứ không phải với hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Nhưng bà Liên khẳng định, VNM vẫn sẽ đầu tư cho thương mại điện tử, lấy nền tảng là hệ thống Giấc mơ sữa Việt. Doanh số của thương mại điện tử hiện từ vài chục tỷ đồng, nhưng tăng trưởng nhanh, quý 1 năm nay gấp 2 – 3 lần cùng kỳ năm ngoái.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục phục vụ người tiêu dùng khi có nhu cầu. Hệ thống cửa hàng Giấc mơ sữa Việt hiện có 500 cơ sở, và sẽ tăng lên trong tương lai. Đây là nơi chỉ bán các sản phẩm sữa của Vinamilk, phù hợp với thói quen mua sắm của người dân, giới thiệu các sản phẩm mới cũng như sử dụng tại chỗ…", bà Liên cho biết.
Trước đó, Tổng Công ty chăn nuôi Việt Nam - Vilico (công ty con của Vinamilk) đã công bố kế hoạch đầu tư dự án bò thịt dự kiến cho ra sản phẩm từ năm 2023, doanh thu tính toán trên 2.000 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư không quá 1.700 tỷ đồng.
Đây là dự án có sẵn quỹ đất 75 ha đất nông nghiệp tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc và cũng là dự án đầu tiên của Vilico với quy mô tập trung. Theo tiết lộ của lãnh đạo Vilico, dự án sẽ mất khoảng 30 tháng để xin cấp phép, đầu tư trang trại, nhà máy chế biến… để sản phẩm thịt bò Vilico có thể tung ra thị trường.
Để thực hiện kế hoạch này, Vilico sẽ thành lập một liên doanh với Sojitz (Nhật Bản) vốn 2 triệu USD, trong đó Vilico nắm 51%. Nhiệm vụ của công ty này là xây dựng thương hiệu, hệ thống bán hàng. Sản phẩm nhắm vào phân khúc trung cao cấp.
Nói về kế hoạch kinh doanh của năm 2021, với doanh thu thuần đạt 62.160 tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế là 11.240 tỷ đồng, không tăng so với cùng kỳ. Bà Mai Kiều Liên cho rằng đây là một kế hoạch thận trọng, bởi chưa biết được tình hình tương lai sẽ ra sao, chỉ có thể chắc chắn và vững tin xây dựng kế hoạch khi Việt Nam có miễn dịch cộng đồng.
“Những biến động có thể ảnh hưởng nhiều đến giá nguyên vật liệu, sức mua của thị trường. Khi nào có miễn dịch cộng đồng, kế hoạch kinh doanh sẽ tươi sáng và nỗ lực hơn”, bà Liên chia sẻ.
Về rủi ro khi tác động của hiệp định thương mại EVFTA, bà Liên tỏ ra không lo ngại. CEO VNM cho rằng, ngành sữa đã không có nhiều bảo hộ từ nhiều năm nay, thuế nhập khẩu đã rất thấp so với các ngành khác. Mặt khác xuất khẩu sang châu Âu cũng không khả quan vì đây là trung tâm của ngành sữa thế giới.
Lịch sử giao dịch cổ phiếu VNM.
Kế hoạch đầu tư CAPEX trong những năm tới được bà Liên cho biết sẽ không nhiều. VNM đã chuẩn bị năng lực sản xuất trong giai đoạn 2017 – 2021, tăng lên từ 60 – 80%. Với năng lực này, công ty có thể đáp ứng nhu cầu đến năm 2025. Thay vào đó, VNM sẽ đầu tư vào mua bán sáp nhập để tăng trưởng thêm, cũng có thể đi theo ngành kinh doanh mới nếu tiềm năng.
Tại ĐHCĐ năm 2021, HĐQT VNM tiếp tục đề xuất chính sách chia cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt không ít hơn 50% lợi nhuận sau thuế hợp nhất. VNM dự kiến tạm ứng cổ tức cho cổ đông làm hai đợt với tổng tỷ lệ 29% vào tháng 9/2021 và 2/2022, tỷ lệ còn lại sẽ được thông báo tại đại hội thường niên năm sau.
Về kết quả kinh doanh năm 2020, doanh thu thuần hợp nhất của VNM đạt 59.723 tỷ đồng, tăng 5,9% so với năm 2019 và hoàn thành 100% kế hoạch năm. Trong đó,doanh thu thuần trong nước đạt 50.842 tỷ đồng, tăng trưởng 6,9% với thị phần được giữ vững so với 2019 nhờ chiến lược tiếp thị phù hợp. Doanh thu thuần nước ngoài đạt 8.794 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu trực tiếp đóng góp 5.561 tỷ đồng và các chi nhánh nước ngoài đóng góp 3.233 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt đạt 11.236 tỷ đồng và hoàn thành 105% kế hoạch năm. Biên LNST đạt 18,8%, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2019.
Có thể bạn quan tâm