"Điều bất hủ" nào đợi KBC?
KBC có triển vọng và đã bước qua thời "cái máng lợn", nhưng điều gì sẽ là "điều bất hủ" với KBC, như tuyên bố của Chủ tịch HĐQT Đặng Thành Tâm?
Lãi đột biến nhờ cho thuê đất
Quý I/2021, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) ghi nhận lãi đột biến lên đến 715 tỷ đồng nhờ doanh thu từ hợp đồng cho thuê đất khu công nghiệp và đô thị.
Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất quý I/2021 của KBC đạt 2.002 tỷ đồng, tăng 260% so với cùng kỳ năm 2020. Giá vốn tăng 182% nên lãi gộp gấp 4,6 lần đạt 1.123 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện từ 44% lên 56%. Lợi nhuận sau thuế đạt 715 tỷ đồng, gấp 7,6 lần; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của KBC đạt 599 tỷ đồng, gấp 11 lần cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục của doanh nghiệp ghi nhận trong 1 quý.
Ngoài ra, doanh thu tài chính tăng từ 17 tỷ lên 42 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính cũng tăng 95% lên 94 tỷ đồng, chi phí bán hàng gấp 8,5 lần lên 107 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng 23% lên 80 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo KBC, lợi nhuận đột biến quý I/2021 đến từ việc ghi nhận doanh thu hợp đồng cho thuê đất khu công nghiệp và đô thị. Trong những tháng đầu năm 2021, đơn vị tiếp tục thu hút được nhiều dự án đến đầu tư vào khu công nghiệp đang quản lý, trong đó có 3 dự án lớn của 3 tập đoàn công nghệ cao nổi tiếng thế giới.
Theo đó, 02 dự án được đặt tại Khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang. Trong đó, dự án sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay cho thương hiệu nổi tiếng thế giới, với quy mô hơn 8 triệu sản phẩm/năm, dự kiến dự án sẽ hoạt động vào quý III/2022, và dự án công nghệ tế bào quang điện sản xuất tấm tế bào quang điện, quy mô công suất 3,5 triệu GW/năm.
Dự án thứ 3 là dự án đầu tư mở rộng, tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD của LD Display thuộc Tập đoàn LG tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, thành phố Hải Phòng. Đây là dự án sản xuất các sản phẩm màn hình OLED TV, màn hình OLED nhựa cho các thiết bị, màn hình LCD… Dự kiến, tháng 5 dự án sẽ đưa vào sản xuất.
Tại thời điểm cuối Quý I/2021, KBC có 8.643 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn, tăng 30% so với đầu năm. Riêng phải thu ngắn hạn khách hàng tăng từ 1.385 tỷ đồng lên 2.641 tỷ đồng, phải thu về cho vay ngắn hạn cũng tăng thêm 327 tỷ đồng lên 1.252 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn khác tăng hơn 400 tỷ đồng lên 2.059 tỷ đồng.
Trong cơ cấu tài sản KBC, hàng tồn kho vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 11.201 tỷ đồng, tương đương với 44% tổng tài sản, chủ yếu tập trung ở chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dự án khu công nghiệp và khu độ thị Tràng Cát với 7.272 tỷ đồng.
Ai bỏ KBC sẽ ân hận?
Trong năm 2020, KBC đạt 2.154 tỷ đồng doanh thu và 206 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 33% và 78% so với năm trước. Trong đó, doanh thu cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản chiếm 81%, doanh thu cho thuê kho, nhà xưởng và văn phòng chiếm 6% và không ghi nhận doanh thu bán nhà xưởng (năm trước đạt 100 tỷ đồng).
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của KBC âm 3.141 tỷ đồng trong khi cùng kỳ dương 1.539 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của KBC ghi nhận gần 23.571 tỷ đồng, tăng 43% so với đầu năm. Đáng chú ý, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận hơn 1.990 tỷ đồng trong khi đầu năm chỉ ở mức gần 3 tỷ đồng chủ yếu các khoản kinh doanh chứng khoán.
Năm 2021, KBC đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu hợp nhất ở mức 6.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 2.000 tỷ đồng, lần lượt gấp 3 và 6,7 lần năm 2020. Với kết quả đạt được trong quý I, doanh nghiệp đã hoàn thành 36% kế hoạch lợi nhuận năm 2021.
Ban lãnh đạo KBC đánh giá trong xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, Việt Nam đã trở thành ứng viên sáng giá, được quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay đầu năm 2021 đã có 300 doanh nghiệp từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư, đầu tư mới và nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam.
Về mặt chính sách, Thủ tướng đã phê duyệt 19 khu kinh tế biển tổng diện tích 871.000 ha, Luật Đầu tư sửa đổi (2020) chính thức có hiệu lực cho phép Thủ tướng Chính phủ áp dụng các ưu đãi đặc biệt, chính sách hấp dẫn thu hút đầu tư.
Do vậy, chiến lược doanh nghiệp là thành lập các đại dự án ở Hưng Yên, Hải Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm tạo quỹ đất. Song song đó, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh với các khu công nghiệp cũ như Nam Sơn Hạp Lĩnh, Quang Châu, Tân Phú Trung, Tràng Duệ, Phúc Ninh, khu đô thị Tràng Cát và Tràng Duệ 3.
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021 diễn ra hồi đầu tháng 4 vừa qua, Chủ tịch KBC Đặng Thành Tâm cho rằng, sau một thời gian rất rài, KBC sẽ trở về với chính mình. Ông Tâm cho biết chưa bao giờ KBC được chào đón nhiều như hiện nay, được các tỉnh mời gọi đầu tư và không cần phải đi tìm quỹ đất để phát triển nữa. Và ông cũng khẳng định: “Ai bỏ Kinh Bắc sẽ phải ân hận. Năm nay cổ đông sẽ chứng kiến nhiều điều bất hủ”.
Trên thị trường, cổ phiếu KBC đang có chuỗi tăng trưởng khá mạnh và lập đỉnh hồi cuối tháng 1 với mức giá 45.500 đồng/cổ phiếu. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 03/5, cổ phiếu KBC trở về mức giá 37.450 đồng/cổ phiếu, giảm 17,7% từ đỉnh, nhưng vẫn tăng mạnh 43,49% so với hồi đầu năm.
Giới chuyên gia nhận định, cổ phiếu KBC vẫn trong xu hướng tăng trưởng cả trong ngắn hạn và trung hạn nhờ mảng BĐS khu công nghiệp của KBC ghi nhận kết quả tích cực nhờ các hợp đồng thuê lớn đã ký kết và một số khách hàng tiềm năng. Ngoài ra, dự án Tràng Cát (584.9ha) được triển khai trở lại sau nhiều năm chờ đợi sẽ thúc đẩy lợi nhuận của KBC tăng trưởng mạnh kể từ năm 2022.
Tuy nhiên, triển vọng từ cho thuê đất khu công nghiệp và đô thị của KBC không được giới chuyên môn nhìn xa hơn nữa trong dài hạn. Bởi quỹ đất thì dù lớn tới đâu cũng hữu hạn nhất định và một khi đã được lấp đầy, doanh thu của KBC sẽ không còn những thời kỳ dư nguồn "tạo đỉnh" như quý I đã thể hiện nữa. Bên cạnh đó, những rủi ro từ ẩn số COVID-19 cũng có thể tác động xoay chiều dịch chuyển dòng đầu tư. KBC có triển vọng và đã bước qua thời "cái máng lợn", dù vậy để trở thành "điều bất hủ", cổ đông và nhà đầu tư vẫn chờ đợi nhiều hơn.
Có thể bạn quan tâm