Bước lùi của Vinamilk
Từng là ông lớn trong ngành sữa, nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến doanh thu và lợi nhuận của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM) đang có xu hướng giảm dần.
VNM vừa công bố BCTC quý 1/2021 với lợi nhuận ròng hợp nhất đạt 2.597 tỷ đồng, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là quý thứ 2 liên tiếp, lợi nhuận ròng của VNM sụt giảm.
Khó khăn ở thị trường quốc tế
Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu đang được kỳ vọng là một trong những giải pháp quan trọng giúp VNM lấy lại đà tăng trưởng cao như trước đây. Một trong những thị trường giàu tiềm năng mà VNM đang hướng tới là Trung Quốc.
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc có tính cạnh tranh cao do có nhiều đối thủ sừng sỏ nội địa, như China Modern Dairy, Mengniu… cùng các công ty nước ngoài như Nestle, Fonterra, Danone và Abbott. Do đó, VNM cũng gặp không ít khó khăn tại thị trường này.
2.596 tỷ đồng là lợi nhuận hợp nhất sau thuế quý 1/2021 của VNM, giảm 6,5% so với cùng kỳ 2020.
Trong khi đó, doanh thu từ chi nhánh nước ngoài tại Mỹ giảm mạnh 9,9% trong năm qua do công ty con Driftwood vẫn bị ảnh hưởng do trường học đóng cửa tại California, và vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại trong đầu năm nay.
Để khắc phục khó khăn ở thị trường quốc tế, VNM đang tập trung mở rộng sang các thị trường quốc tế khác. Cụ thể, Công ty đã được Bộ KH&ĐT cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài để thành lập công ty liên doanh tại Philippines với quy mô vốn 6 triệu USD vào đầu 2021. VNM sẽ nắm giữ 50% vốn của liên doanh. Công ty liên doanh này có chức năng nhập khẩu và phân phối các sản phẩm sữa của VNM tại thị trường Philippines.
Áp lực cạnh tranh nội địa
Việc liên tục đổi mới các sản phẩm chủ lực là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và duy trì thị phần nội địa của VNM. Trong đó, VNM đã thành lập liên doanh với Kido Group để sản xuất và phân phối kem cùng đồ uống không cồn dưới thương hiệu VIBEV.
Đáng chú ý, người tiêu dùng trong nước ngày càng quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc nguyên liệu cũng như xuất xứ và sự an toàn của các sản phẩm sữa. Do đó, họ thường lựa chọn các sản phẩm sữa được sản xuất trực tiếp từ sữa tươi. Xu thế lựa chọn này được thể hiện rõ tại khu vực đô thị. Các “ông lớn” trong ngành sữa như VNM, TH Milk, Dutch Lady cũng đã loại bỏ dần sử dụng sữa hoàn nguyên để sản xuất sữa nước.
Tuy nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu và công nghệ nông nghiệp tối ưu cho bò sữa vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này dẫn đến lượng sữa tươi trong nước có chất lượng cao, đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật đầu vào chỉ đạt khoảng 30%-35% nhu cầu nguyên liệu của các doanh nghiệp lớn. Sữa tươi đạt chuẩn quốc tế, đặc biệt là sữa đạt chuẩn hữu cơ ở Việt Nam đến nay cung vẫn không đủ cầu. Kiểm soát được vùng nguyên liệu sữa trở thành vấn đề sống còn đối với VNM nói riêng và các doanh nghiệp sản xuất sữa tại Việt Nam. Do đó, đang có sự cạnh tranh khốc liệt về nguyên liệu này.
Trong khi đó, ngày càng có nhiều đối thủ gia nhập thị trường, như Tập đoàn Masan ra mắt sữa ngũ cốc ca cao lúa mạch với thương hiệu B’fast, cũng như Vitadairy có vẻ đang phát triển nhanh trong phân khúc khúc sữa bột với sản phẩm sữa non bắt nguồn từ hữu cơ. Đây sẽ là những thách thức rất lớn đối với VNM để nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Có thể bạn quan tâm
Hệ thống “khủng” 13 nhà máy là nội lực giúp Vinamilk luôn dẫn đầu thị trường nhiều năm liền
21:09, 05/05/2021
Quỹ sữa “Vươn cao Việt Nam” 2021 của Vinamilk có thêm 31.000 ly sữa từ cộng đồng
13:09, 04/05/2021
Vinamilk đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời cho các trang trại bò sữa trên cả nước
18:04, 16/03/2021
Vinamilk nhập khẩu hơn 2.100 bò sữa thuần chủng HF từ Mỹ về trang trại tại Quảng Ngãi
13:42, 27/03/2021